Tuesday, November 26, 2024

Thương chiến làm nắn dòng vốn đầu tư châu Á như thế nào ?

Thương chiến Mỹ – Trung tác động mạnh mẽ xu thế tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn đến sự thay đổi lớn dòng chảy vốn đầu tư ở khu vực châu Á.

McKensey – tập đoàn tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới – vừa có báo cáo về sự tác động của quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sự nổi lên của Việt Nam và Indonesia

Báo cáo trên đánh giá: “Khi nhiều nhà sản xuất tìm cách giảm sự phụ thuộc vào một nguồn cung cấp duy nhất (Trung Quốc đại lục – NV), Đông Nam Á đang nổi lên như một trung tâm sản xuất nổi bật, thể hiện qua những thay đổi về sản xuất trong khu vực. Indonesia và Việt Nam đang dẫn đầu về sự thay đổi dòng chảy sản xuất và thương mại, được thể hiện bằng các số liệu hữu hình như lượng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và khối lượng xuất khẩu”.

“Có một sự thay đổi chiến lược trong động lực thương mại toàn cầu khiến Đông Nam Á trở thành một trung tâm sản xuất ngày càng quan trọng, nhưng tốc độ tăng trưởng giữa các khu vực có khác nhau: xuất khẩu của Indonesia và Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất và cùng với sự gia tăng FDI, các quốc gia này đã chứng kiến nhiều đầu tư vào sản xuất và kinh doanh hơn”, báo cáo trên nhận xét thêm.

Thương chiến làm nắn dòng vốn đầu tư châu Á như thế nào ?

Việt Nam đóng vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu

ẢNH: NGỌC THẮNG

Thực tế, FDI vào Việt Nam liên tục tăng từ năm 2021 – 2023 khi lần lượt đạt mức 22,4 tỉ USD, 27,2 tỉ USD và 36,61 tỉ USD. Đánh giá Việt Nam hiện là nước xuất khẩu lớn nhất ở Đông Nam Á, báo cáo của McKensey giải thích: “Tăng trưởng xuất khẩu này chủ yếu được thúc đẩy bởi nguồn vốn FDI đáng kể vào lĩnh vực sản xuất ngành, đặc biệt là điện tử”. Cũng tại Đông Nam Á, Thái Lan được đánh giá là một điểm thu hút đầu tư lớn.

Tuy nhiên, McKensey cũng khẳng định: “Ngay cả với xuất khẩu và tăng trưởng sản xuất dự kiến ở Đông Nam Á, các xu hướng cho thấy Trung Quốc có thể sẽ vẫn là nhà sản xuất và xuất khẩu quan trọng nhất trong khu vực”.

Dòng vốn Trung Quốc cũng chuyển hướng

Theo báo cáo trên, để thích ứng với sự chuyển dịch chuỗi cung ứng, chính các doanh nghiệp Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư vào khu vực Đông Nam Á: “Các công ty Trung Quốc cũng đang chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi nước này. Họ có thể gửi linh kiện đến các quốc gia khác để sản xuất như một phần trong quy trình sản xuất hoặc họ có thể dựa vào hoạt động sản xuất trong khu vực cho thị trường nội địa. Trung Quốc đang đầu tư vào Đông Nam Á, đặc biệt là vào lĩnh vực sản xuất, đạt 24 tỉ USD vốn FDI vào khu vực vào năm 2023”.

Liên quan sự chuyển dịch dòng vốn của Trung Quốc, tờ Nikkei Asia cũng vừa có bài phân tích cho rằng “đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đã thay đổi sau đại dịch”.

Tờ báo dẫn đánh giá từ Rhodium Group, công ty phân tích kinh tế có trụ sở tại New York (Mỹ), cho rằng các công ty Trung Quốc đang hướng tới gần quê hương hơn, khi châu Á trở thành khu vực nhận FDI của Trung Quốc lớn nhất kể từ năm 2017. Năm 2023, 72% đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc được công bố diễn ra ở các quốc gia không phải là nền kinh tế phát triển tính theo định nghĩa của Quỹ Tiền tệ quốc tế.

Bên cạnh đó, vốn Trung Quốc cũng đã được triển khai nhiều hơn ở các khu vực khác, chẳng hạn như châu Phi, khu vực Mỹ Latin và Trung Đông. Tổng tỷ lệ đầu tư của Trung Quốc đến Bắc Mỹ và châu Âu năm ngoái đã giảm xuống dưới 50% so với năm 2022.

Theo đó, nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự thay đổi vừa nêu, bao gồm các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ hơn ở Trung Quốc đối với các khoản đầu tư ra nước ngoài. Tháng 7.2023, Trung Quốc đã công bố các hạn chế xuất khẩu đối với các khoáng sản quan trọng. Hơn nữa, đầu tư ra nước ngoài đã bị ảnh hưởng bởi các chiến dịch chống tham nhũng cũng như sự suy thoái của thị trường bất động sản đã chứng kiến sự sụp đổ của các ông lớn bất động sản Trung Quốc như Evergrande và Country Garden.

Ngoài ra, quan hệ xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm gia tăng sự giám sát tại Mỹ đối với đầu tư từ Trung Quốc. Lo ngại về an ninh quốc gia, Mỹ đã tăng cường giám sát các khoản đầu tư của Trung Quốc.

Tất cả đang tạo nên một sự thay đổi lớn về dòng vốn đầu tư ở khu vực.

Trung Quốc tìm cách đạt chỉ tiêu kinh tế

Reuters ngày 19.9 đưa tin các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có khả năng tăng cường các biện pháp để giúp nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2024 trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang đối mặt nhiều thách thức. Trong đó, các biện pháp thúc đẩy nhu cầu nội địa, chống lại áp lực giảm phát dai dẳng.

Dữ liệu chính thức cho thấy kinh tế Trung Quốc tiếp tục chậm lại trong tháng 8, làm dấy lên lo ngại kinh tế nước này khó đạt mục tiêu tăng trưởng 5%.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img