Saturday, September 28, 2024

Anh cả của những ‘chiến binh mui trần’

“Chiến binh mui trần” – đó là tên gọi thân thương mọi người vẫn hay dùng để nói về những người không may bị chấn thương cột sống, phải gắn phần đời còn lại của mình trên chiếc xe lăn.

Trong số những “chiến binh mui trần” ấy, tôi có cơ duyên quen biết anh Phạm Thanh Sơn, người mà anh em trong Câu lạc bộ Chấn thương cột sống Việt Nam gọi là “anh Cả”.

Ngã rẽ cuộc đời

Phạm Thanh Sơn sinh ra và lớn lên tại thành phố biển Vũng Tàu. Hết cấp 3, anh theo học Trường Trung cấp Lâm nghiệp Trung ương 4, rồi sau đó ra trường, làm việc tại Vườn quốc gia Côn Đảo.

Anh cả của những 'chiến binh mui trần'

Anh Sơn (hàng đầu, bìa trái) và các bạn chấn thương cột sống ở miền Nam

ẢNH: TÁC GIẢ CUNG CẤP

Ban đầu mình làm kinh tế là nghĩ mình phải làm vì bản thân, vì gia đình, nhưng giờ mình còn làm vì các bạn khuyết tật. Mình thật sự thương và đồng cảm với họ. Mình cho đi rồi mình sẽ nhận lại được nhiều hơn. 28 năm ngồi xe lăn, mình thấu lắm.

Anh Phạm Thanh Sơn

Năm 1990, anh trở về TP.HCM học công nghệ thông tin và trở thành lập trình viên quản lý phòng điện toán viễn thông cho Công ty Phát triển kinh tế Côn Đảo (EDC). Công việc ổn định, thu nhập khá tốt, anh quyết định gắn bó lâu dài và sẽ đi học nâng cao hơn nữa để hoàn thiện trình độ của bản thân. Những tưởng cuộc đời anh cứ thế đi lên, nhưng chẳng ai ngờ…

Năm 1994, trong một lần đi tham quan cùng đồng nghiệp, anh Sơn gặp tai nạn. Vụ tai nạn đó khiến anh gãy đốt sống cổ, liệt tứ chi khi chỉ mới 26 tuổi, giữa giai đoạn đẹp nhất của đời người.

“Lúc đó nghĩ rằng chỉ là không may, rồi sẽ phục hồi. Hai năm đầu bị tai nạn, mình cùng gia đình dốc toàn bộ tâm trí cũng như tài chính vào việc chạy chữa. Ai mách ở đâu có thầy thuốc tốt là tới. Hy vọng sẽ có một ngày đi lại được trên đôi chân mình, lại say sưa với những công thức lập trình và những dự án mới. Nhưng rồi đi tái khám, bác sĩ nói mình không còn khả năng phục hồi và khó sống được quá 10 năm. Mình buông xuôi, chỉ muốn tìm đến cái chết cho nhanh nên lén cất dành gần 100 viên thuốc ngủ…”, anh Sơn kể lại.

Tôi hỏi rồi sau đó thế nào, anh đáp: “Khi đang mong manh giữa sự sống và cái chết, mình cảm giác như mình sắp hôn mê không còn biết gì nữa thì từ trong tâm thức nhói lên suy nghĩ: Mình mất đi, ba má sẽ sống sao? Hai người già ấy sẽ như thế nào khi không có mình? Cố gắng tỉnh táo, mình cất tiếng gọi má. Tiếng gọi yếu ớt của mình cũng làm má thức giấc bởi từ khi mình bị tai nạn, chưa đêm nào má tròn giấc ngủ say. Má vội kêu xe đưa mình vào viện, cứu lấy mình trước lưỡi hái tử thần”.

Có lẽ nhờ bản thân trải qua nhiều đau đớn nên bây giờ anh luôn thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với người cùng cảnh, nhất là các bạn trẻ không may trở thành người khuyết tật.

Thành công nhờ nỗ lực

Là một người liệt tứ chi, mọi thứ anh Sơn đều phải tập luyện và làm lại từ đầu. Anh bắt đầu lại sự nghiệp bằng việc dùng kiến thức tin học của mình để dạy cho các bạn trẻ, trong số đó, không ít trẻ em nghèo và người khuyết tật được dạy miễn phí. Anh luôn ưu tiên, giúp đỡ họ, mong họ có công việc ổn định trong tương lai để có thể giúp được bản thân và gia đình. Vừa làm, vừa giúp đỡ các bạn khuyết tật, anh vừa học thêm. Năm 1999, anh đã viết lại hoàn thiện phần mềm quản lý kế toán (HTKT.ASA) theo ngôn ngữ lập trình mới, tiền đề cho sự ra đời Công ty TNHH phần mềm máy tính ASA của anh sau này.

Anh cả của những 'chiến binh mui trần'

Anh Phạm Thanh Sơn và người mẹ đã gần 90 tuổi

ẢNH: TÁC GIẢ CUNG CẤP

Người chấn thương cột sống luôn phải đối mặt với những cơn đau và hệ lụy liên quan tới bệnh tật. Nhiều lần vì mải mê học tập, làm việc, dẫn đến lao lực khiến anh phải nằm viện cả tháng trời, nhưng không vì thế mà anh nản chí, bỏ cuộc. Những nỗ lực của Sơn cuối cùng cũng được đền đáp. Năm 2003, anh thành lập cơ sở kinh doanh và cũng năm này, anh được tạp chí công nghệ thông tin ECHIP trao tặng danh hiệu “Hiệp sĩ công nghệ thông tin” với thành tích đưa tin học đến với trẻ em nghèo và người khuyết tật.

Luôn đau đáu với cộng đồng người khuyết tật, muốn làm điều gì đó cho họ và cho chính bản thân mình, nên từ năm 2002, anh Phạm Thanh Sơn đã cùng một người chị khuyết tật khác thành lập Câu lạc bộ người khuyết tật Đại Dương làm nơi cho các bạn khuyết tật chia sẻ tâm tư, nguyện vọng. Để rồi đến năm 2006, Hội Người khuyết tật TP.Vũng Tàu chính thức được thành lập và anh là phó chủ tịch (nay là chủ tịch hội).

Cho đi rồi sẽ nhận lại được nhiều

Là một giám đốc ngồi xe lăn, điều hành công ty phát triển, Phạm Thanh Sơn được bạn bè, đồng nghiệp lẫn đối tác rất nể phục bởi nghị lực và những điều anh mang lại cho nhân viên, cho cộng đồng người khuyết tật. Nhiều đối tác biết tới anh, không chỉ hợp tác trong công việc mà còn đồng hành cùng anh trong những dự án thiện nguyện.

Anh tâm sự: “Ban đầu mình làm kinh tế là nghĩ mình phải làm vì bản thân, vì gia đình, nhưng giờ mình còn làm vì các bạn khuyết tật. Mình thật sự thương và đồng cảm với họ. Mình cho đi rồi mình sẽ nhận lại được nhiều hơn. 28 năm ngồi xe lăn, mình thấu lắm”.

Năm 2018, Câu lạc bộ Chấn thương cột sống Việt Nam được thành lập. Với vai trò là phó chủ tịch câu lạc bộ, anh luôn là người “cho đi” rất nhiều. Mọi người trong câu lạc bộ gọi anh là “anh Cả” không phải vì anh nhiều tuổi nhất mà vì tôn trọng, vì tấm lòng bao dung, sự giúp đỡ của anh đối với mọi người.

Tuy công việc bận rộn nhưng anh Sơn luôn dành thời gian thực hiện những dự án thiện nguyện giúp đỡ các bạn chấn thương cột sống. Hàng ngàn tấm đệm ngồi chống lở loét được anh trao tặng miễn phí. Hàng trăm laptop, loa kéo giúp các bạn khuyết tật làm việc. Nhiều dự án học nghề, nhiều hoàn cảnh khó khăn đang nằm viện được anh kết nối. Có thể kể ra một số trường hợp từng được anh Phạm Thanh Sơn giúp đỡ như: Huỳnh Văn Ri ở Mỏ Cày Bắc (Bến Tre), Trần Văn Lập ở Krông Păk (Đắk Lắk), Nguyễn Ngọc Minh Trung ở Diên Khánh (Khánh Hòa), Vi Văn Thu ở Tương Dương (Nghệ An), Lê Phùng Hải ở Trấn Yên (Yên Bái), Hà Thị Kim Tiên ở Hòa Thành (Tây Ninh)… và hàng ngàn trường hợp khác.

Rồi khi đại dịch Covid-19 xảy ra, thấu hiểu hoàn cảnh của những người khuyết tật bình thường đã khó khăn lại càng khó khăn hơn nữa, anh Sơn kêu gọi, kết nối để đưa nhà hảo tâm đến với người khuyết tật đang cần hỗ trợ. Từ gạo, mì tôm, mắm muối… đến thuốc chống viêm loét, thuốc làm sạch bàng quang…

Những việc anh Sơn làm, anh không cần phải được ghi nhận hay tuyên dương, chỉ cần giúp được các bạn đồng cảnh. Tới đâu, nếu có cơ hội, anh đều tìm đến những bạn đồng cảnh sinh sống ở đó để gặp gỡ, thăm hỏi, như anh chia sẻ: “Mình muốn đi, đi để kết nối anh em ngoài đời chứ không phải qua mạng xã hội. Người cùng hoàn cảnh với nhau, gặp mặt nhau dễ sẻ chia những điều thầm kín, dễ thân thiện với nhau. Khi hiểu rõ hoàn cảnh, tâm tư thì mới biết mình có thể đồng hành được gì cho họ”.

Có lẽ tôi không cần phải hỏi anh Sơn “đã nhận lại được gì?”, bởi qua cuộc trò chuyện với anh cũng đủ để tôi hiểu: Thứ anh nhận lại chính là niềm vui và sự yêu quý, tin tưởng của mọi người.

Và ngay lúc này đây, anh Sơn vẫn đang miệt mài trên con đường vạn dặm, đưa làn gió biển mát lành làm dịu đi cơn đau của những người chấn thương cột sống đang phải chịu đựng từng ngày. Để mỗi lần khi nghe ai đó nhắc tới anh, mọi người trong câu lạc bộ từ Nam chí Bắc đều cảm thấy biết ơn và tự hào về người “anh Cả” Phạm Thanh Sơn.

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Người Hùng Xí Nghiệp - SCTV9
Truy Tìm Bằng Chứng 2
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi