Chuyển đổi xanh là động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững trong thời kỳ mới.
Để tìm hiểu sâu về vấn đề này, phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách và tài nguyên môi trường.
– Ông có nhận định như thế nào về tình hình chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp tại Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian qua?
Chuyển đổi xanh đang là vấn đề bức thiết, trở thành động lực để các doanh nghiệp phát triển bền vững. Giờ đây chuyển đổi xanh không chỉ là quy định pháp luật mà là nhu cầu của thị trường. Nếu doanh nghiệp không chuyển đổi xanh, tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn, thân thiện với khí hậu hơn sẽ rất khó khăn trong việc tiếp cận với các thị trường lớn trên thế giới.
Cùng với đó, châu Âu cũng đã ban hành các cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới. Thế nên, doanh nghiệp nào không chuyển đổi xanh sẽ khônh thể xuất khẩu hàng hoá vào các thị trường khó tính.
Trong thời gian qua, có thể thấy các doanh nghiệp cũng đã và đang nỗ lực, bắt đầu tìm hiểu các thông tin, quy định pháp luật, dần dần nhận thức được những việc phải làm để cố gắng thúc đẩy việc chuyển đổi xanh.
Tuy nhiên chúng ta thấy rằng các doanh nghiệp Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn ở giai đoạn bước đầu, giai đoạn chuyển đổi sản xuất kinh doanh truyền thống sang một mô hình xanh hơn, bắt nhịp xu thế của thị trường thế giới.
Song, phát thải hiệu ứng nhà kính vẫn đang tăng. Điều đó có nghĩa rằng kết quả tại Việt Nam mặc dù có cải thiện nhưng vẫn bị chậm, chưa thực sự rõ ràng so với các quốc gia lớn.
– Tại Hải Phòng vẫn phát triển chủ yếu là các ngành công nghiệp nặng gây ô nhiễm môi trường, vậy nên có sự chuyển dịch như thế nào để giảm thiểu phát thải ròng về 0, thưa ông?
Hải Phòng là một trong 3 cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng Sông Hồng và là thành phố có cảng biển, trung tâm công nghiệp lớn của cả nước. Chính vì vậy, thành phố cần định hướng thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành không thâm dụng về năng lượng, tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường. Mặt khác, đối với những cơ sở công nghiệp hiện có cũng phải thúc giục thực hiện các giải pháp kỹ thuật.
Thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành Quy hoạch điện 8 và có Cơ chế mua bán điện trực tiếp. Đây được đánh giá là hành lang pháp lý mà chúng ta cần thực hiện để nhằm tháo gỡ khó khăn, chuyển đổi xanh cho các doanh nghiệp.
Việc kiểm kê hiệu ứng nhà kính trong doanh nghiệp đã bắt đầu từ năm 2024, do đó các doanh nghiệp cần nắm bắt được các quy định pháp luật, tìm hiểu về phương pháp cách thức thực hiện. Các doanh nghiệp có thể thuê các đơn vị tư vấn, hỗ trợ hoặc nếu có đủ điều kiện có thể tự thực hiện việc kiểm kê hiệu ứng nhà kính.
– Được biết việc kiểm kê hiệu ứng nhà kính hiện nay rất khó khăn, theo ông cần có những giải pháp nào để cải thiện tình hình này?
Việc kiểm kê hiệu ứng nhà kính là một công việc rất phức tạp, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác. Trong khi hệ thống thống kê của chúng ta lại chưa hoàn thiện.
Như Nhật Bản, họ đã triển khai kiểm kê hiệu ứng nhà kính từ rất lâu, thực hiện hàng năm và bộ máy tổ chức cũng rất bài bản, rõ ràng từ thủ tục pháp lý, đối tượng thực hiện, báo cáo cụ thể về chỉ tiêu, cách thức thực hiện, hệ số phát thải, đánh giá chất lượng của quá trình kiểm kê…
Để đạt được quá trình này cũng cần phải có một thời gian dài và có sự chung tay của doanh nghiệp, cơ quan quản lý, các đơn vị tư vấn, đơn vị kiểm định. Đặc biệt, phải xây dựng bộ máy kiểm kê hiệu ứng nhà kính đủ năng lực để triển khai thực hiện đúng quy định pháp luật, đảm bảo tính chính xác.
– Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn