Monday, September 30, 2024

Những lớp học sơ tán sau bão lũ

Sau bão lũ, không ít trường rơi vào tình cảnh ngập lụt kéo dài hoặc sạt lở, nguy cơ mất an toàn cao. Các trường đã tìm mọi giải pháp: sơ tán, tăng ca, cõng học sinh qua những đoạn đường nguy hiểm… để việc dạy – học không bị gián đoạn quá lâu.

HỌC NHỜ TRƯỜNG BẠN

Bà Nguyễn Thị Thu, Hiệu trưởng Trường tiểu học – THCS Tân Đồng (H.Trấn Yên, Yên Bái), cho biết ngọn đồi phía sau trường sạt lở làm sập tường tầng 1 của một dãy nhà 2 tầng với 6 phòng học nên nguy cơ đổ trường rất cao. Toàn bộ 8 lớp đang học tại 6 phòng học này phải di dời sang học nhờ tại 3 điểm khác nhau, trong đó có trường mầm non và trụ sở UBND xã.

Những lớp học sơ tán sau bão lũ

Một số lớp của Trường tiểu học – THCS Tân Đồng (Yên Bái) phải học nhờ ở UBND xã

ẢNH: NHÀ TRƯỜNG CUNG CẤP

Theo bà Thu, vì trường bị thiệt hại nặng, xây mới ước tính cần khoảng 5 – 6 tỉ đồng nên việc sửa chữa không thể nhanh chóng như các trường sửa chữa nhỏ lẻ khác. Điều đó đồng nghĩa với việc học sinh (HS) sẽ phải học nhờ, học tạm kéo dài trong lúc chờ địa phương hoặc các nhà hảo tâm đầu tư xây dựng giúp.

Tại Trường tiểu học Ca Thành (H.Nguyên Bình, Cao Bằng), mưa bão đã làm sạt lở ta luy ở trước mặt sân trường còn phía sau trường có vết nứt dài, nguy cơ tiếp tục sạt lở. Để đảm bảo an toàn cho cả thầy và trò, nhà trường đã mua bạt quây sân khấu của trường mầm non bên cạnh thành hai lớp học cho HS tiểu học, lớp còn lại thì học ở khu vực bếp ăn ngoài hiên có mái tôn của trường mầm non.

Theo thông tin từ Sở GD-ĐT Lào Cai, đến tuần này, toàn tỉnh còn 3 trường phải tạm dừng học tập do hư hại nặng, nguy cơ sạt lở, mất an toàn, gồm: điểm trường THCS và THPT H.Bát Xát tại xã Mường Hum; Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Phìn Ngan, H.Bát Xát và Trường PTDTBT THCS Nậm Lúc, H.Bắc Hà. Đây đều là các trường bị ảnh hưởng nặng do thiên tai. Hiện một số điểm trường tại vùng nguy hiểm cũng chuyển HS đến học tạm tại các nhà văn hóa, học nhờ trường khác, nhà dân, bố trí để HS đang theo gia đình ở các khu tạm cư được học tập thuận lợi tại nơi ở mới. Mặt khác, Sở yêu cầu các trường tiếp tục rà soát nguy cơ để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dạy và người học.

Ông Lương Sỹ Dương, Phó hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Phìn Ngan, cho biết trước mắt, nhà trường gửi HS lớp 9 ra học tập tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – GDTX của huyện để đảm bảo tiến độ chương trình cho HS cuối cấp. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương tìm địa điểm học tập mới đảm bảo an toàn cho các khối lớp còn lại. Theo kế hoạch, cố gắng đưa HS trở lại trường vào cuối tuần này hoặc đầu tuần tới.

Những lớp học sơ tán sau bão lũ

Học sinh vùng rốn lũ ở xã Hữu Văn, H.Chương Mỹ (Hà Nội) đến trường bằng thuyền vào ngày 23.9

ẢNH: NGUYỄN TRƯỜNG

HỌC 1 BUỔI/NGÀY LUÂN PHIÊN

Ngay tại Hà Nội, vùng rốn lũ H.Chương Mỹ cũng phải linh hoạt các giải pháp để HS không nghỉ học quá lâu, thầy trò một số trường tại xã Nam Phương Tiến (H.Chương Mỹ) phải đi học nhờ trường bạn để kịp tiến độ chương trình. Lãnh đạo Trường tiểu học Nam Phương Tiến A chia sẻ do mực nước sông dâng cao và kéo dài, nhà trường đã làm tờ trình và được Phòng GD-ĐT H.Chương Mỹ chấp thuận cho HS của trường sang học nhờ bên Trường THCS Nam Phương Tiến B thuộc thôn Đồi Mít để duy trì nhịp học tập. Trường bạn cho mượn 3 phòng học, HS chỉ học 1 buổi/ngày và luân phiên nhau. Buổi sáng dành cho các em khối 3, 4, 5; buổi chiều là khối 1, 2. Mỗi khối, phải ghép hai lớp làm một khoảng 40 em, có 2 cô giáo cùng dạy. Nhà trường bố trí dạy cả thứ bảy nên hiện tại, HS cơ bản đã theo kịp chương trình. Nhiều gia đình HS bị ngập nên việc đưa đón các em bằng phương tiện đường thủy với sự hỗ trợ từ thầy cô và bố mẹ.

Tương tự, thầy Nguyễn Bá Thắng, Hiệu trưởng Trường THCS Nam Phương Tiến A, thông tin do tình hình nước ngập sâu nên toàn bộ hơn 200 HS của trường phải chuyển sang học trực tuyến nhiều ngày nay. Tuy nhiên, một số em không đủ điều kiện để tham gia do nhà bị cắt điện và mạng chập chờn. Sau khi có sự đồng ý, chỉ đạo của Phòng GD-ĐT, từ chiều 23.9, toàn bộ HS của trường được di chuyển sang học nhờ tại Trường THCS Tân Tiến (cách khoảng 3 km) để học trực tiếp.

Những lớp học sơ tán sau bão lũ

Nhiều gia đình HS vùng rốn lũ H.Chương Mỹ (Hà Nội) bị ngập nên việc đưa đón các em bằng phương tiện đường thủy với sự hỗ trợ từ thầy cô và bố mẹ

ẢNH: NGUYÊN TRƯỜNG

CHIA CA, MƯỢN NHÀ DÂN…

Tại Trường tiểu học số 1 Phố Ràng (H.Bảo Yên, Lào Cai) đang xuất hiện nhiều vết nứt sụt lún, có nguy cơ sạt lở cao. Hiệu trưởng Ma Thị Xuân cho biết nhà trường đã báo cáo chính quyền địa phương và tạm thời di dời toàn bộ bàn ghế, đồ dùng học tập của 20 lớp và các phòng học chức năng của trường sang Trường mầm non Hoa Hồng cũ. Đến ngày 23.9, Trường tiểu học số 1 Phố Ràng đã đón HS quay trở lại. Năm học này, nhà trường có 648 HS với 20 lớp. Tuy nhiên, địa điểm mới chỉ có 10 phòng học nên trường đã tổ chức dạy học 2 ca. Buổi sáng dạy 10 lớp thuộc khối 3, 4, 5 với thời lượng tối đa 5 tiết/buổi nhưng HS các khối lớp này phải học cả thứ bảy mới hết được số tiết theo phân phối chương trình. Buổi chiều, dạy khối lớp 1, 2 cùng 2 lớp 3 với 4 tiết/buổi.

Lãnh đạo nhà trường cũng cho biết chương trình mới yêu cầu bắt buộc với tiểu học là 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, trong bối cảnh khắc phục khó khăn đột xuất nên nhà trường phải có những giải pháp linh hoạt như tạm thời cắt các tiết hoạt động trải nghiệm, khi tổ chức dạy học 2 ca, nhà trường yêu cầu giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ HS học tại nhà. Trước mắt, trường gặp khó đối với môn tin học do không có phòng máy tính.

Tại điểm Trường THCS – THPT Bát Xát tại xã Mường Hum, vụ sạt lở đất xảy ra đêm và sáng 9.9 khiến toàn bộ dãy nhà xe và 16 phòng ở bán trú của HS sập đổ hoàn toàn. Khu vực ta luy dương sau nhà bán trú 5 tầng cũng bị sạt khoảng 6.000 m³ đất, đá. Phía sau dãy phòng học 4 tầng xuất hiện nhiều vết nứt, có nguy cơ sạt lở cao… Thầy Vũ Xuân Quế, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết ngày 26.9, nhà trường đón HS trở lại trường học tập và khắc phục bằng cách tổ chức học 2 ca để lấy phòng học làm chỗ ở cho 200 HS nữ. Còn 300 HS nam được bố trí ở tại khu nhà đa năng.

Không chỉ có mô hình học nhờ, học tạm ở trường bạn, điểm Trường mầm non Mù Tráng Phìn, xã Cán Cấu, H.Si Ma Cai (Lào Cai) còn được nhà dân cho mượn để tổ chức dạy học. Cụ thể, trong khi điểm trường với 35 HS từ 2 – 5 tuổi phải tạm dừng hoạt động dạy và học trong một thời gian vì nguy cơ sạt lở, gia đình ông Ly A Nhà ở thôn Mù Tráng Phìn đã tự nguyện dọn dẹp toàn bộ đồ đạc, nhường lại căn nhà 2 tầng (diện tích gần 50 m² mặt sàn) để làm phòng học cho các cháu. Bên cạnh việc cho mượn nhà ở làm lớp học, các thành viên trong gia đình ông Nhà còn giúp các cô giáo nấu ăn và chăm sóc trẻ.

Thầy cô tìm “trăm phương, ngàn kế” để duy trì việc học tập của HS

Có những nơi điểm trường không bị ảnh hưởng nhưng đường đến trường của HS bị ngập lụt, thiếu an toàn và thầy cô cũng có “trăm phương, ngàn kế” để duy trì việc học tập của HS.

Nơi thì đón HS đến ăn ở tại trường tạm thời, thầy cô kiêm luôn vai trò bảo mẫu, vừa dạy, vừa nấu ăn, vừa chăm sóc trẻ để hạn chế việc các em phải di chuyển mất an toàn. Trong khi đi gọi HS trở lại trường sau bão lũ, thầy cô giáo Trường PTDTBT tiểu học Bản Mù (H.Trạm Tấu, Yên Bái) thấy có nhiều điểm nước lớn, nguy hiểm nên đã phối hợp với địa phương thông báo cho phụ huynh về cách đưa đón HS an toàn. Theo đó, thầy cô đón HS ở những điểm khó đi, thầy giáo cõng HS qua suối nước lũ, các cô có nhiệm vụ chờ ở đầu bên kia để đưa các em về trường an toàn.

Còn ở Trường PTDTBT tiểu học – THCS A Lù (H.Bát Xát, Lào Cai), do bị sạt lở nhiều đoạn, giao thông ách tắc, hàng cứu trợ giúp HS cũng không vận chuyển vào tận nơi được. Điều mà các thầy cô lo nhất là vì khó khăn, thiếu ăn các em sẽ bỏ học sau mưa lũ. Những ngày gần đây, các thầy cô của trường phải đi bộ 5 km vượt qua các đoạn đường sạt lở mang hàng cứu trợ về cho HS, trong đó có khoảng 200 HS ở nội trú tại trường rất cần hỗ trợ. Nhờ sự nhiệt tình, tâm huyết của các thầy cô mà tỷ lệ HS đến trường đều đặn sau đợt mưa lũ đạt hơn 98%.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Người Hùng Xí Nghiệp - SCTV9
Truy Tìm Bằng Chứng 2
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi