Sunday, November 24, 2024

Đừng chủ quan với bệnh lý sỏi mật

Sỏi mật là bệnh lý tuy không phổ biến như sỏi thận, niệu nhưng mức độ bệnh lại rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

Đừng chủ quan với bệnh lý sỏi mật

 

Người bị sỏi mật có thể tắc mật, vàng da. Thậm chí, bệnh nhân có thể đối mặt với nguy cơ biến chứng hoại tử túi mật, dịch mật thấm ra ổ bụng gây viêm phúc mạc hoặc nhiễm trùng huyết rất nguy hiểm. Do đó, người bệnh không nên chủ quan với bệnh lý này.

Sỏi mật dẫn đến nhiễm trùng đường mật

Đơn cử trường hợp chị B.T.L., (trú tại xã Phú Túc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) nhập viện trong tình trạng đau bụng nhiều ở mạn sườn phải. Trước khi đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai), chị có đi khám và uống thuốc tại nhà nhưng không hiệu quả.

Sau tiếp nhận, thăm khám, chị được cho đi làm siêu âm, xét nghiệm máu và chụp CT, kết quả phát hiện túi mật có sỏi, có polyp túi mật gây tắc mật, nhiễm trùng đường mật, vàng mắt, vàng da. Sau khi giải quyết vấn đề nhiễm trùng đường mật, các bác sĩ đã chỉ định mổ nội soi mật, tụy ngược dòng, lấy ra viên sỏi 8mm.

Chị L. cho hay, chị bị sỏi túi mật được một năm rồi, chị cứ nghĩ ở nhà mua thuốc uống sẽ khỏi bệnh, không ngờ bệnh không khỏi mà càng nặng thêm phải nhập viện điều trị. “Qua trường hợp của tôi, mọi người không nên chủ quan, khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe nên đi thăm khám, điều trị kịp thời” – chị Liễu nói.

Bác sĩ Lê Nguyễn Đăng Khoa, Khoa Nội soi cho biết: Sỏi với tắc nghẽn đường mật gây nên nhiễm trùng đường mật. Nhiễm trùng đường mật nếu không giải quyết kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng máu. Do đó, các bác sĩ phải giải quyết nhiễm trùng đường mật, tắc mật trước và khi được kiểm soát tốt, sau đó mới giải quyết sỏi túi mật.

Theo thống kê, có khoảng 10% của dân số bị bệnh sỏi mật. Trường hợp phát hiện bệnh sớm thường tình cờ qua siêu âm. Đa số bệnh nhân không khám sức khỏe định kỳ rất ít khi phát hiện sỏi mật cho đến khi bệnh gây ra các triệu chứng. Sỏi mật nếu không điều trị kịp thời dễ dẫn đến nhiễm trùng máu.

Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Dược Shing Mark (Đồng Nai) phẫu thuật lấy hơn 50 viên sỏi trong túi mật cho bệnh nhân Đ.A.N. (28 tuổi, trú tại TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh).

Bệnh nhân đến khám với triệu chứng đau bụng thượng vị, quanh rốn, mặc dù đã điều trị nhiều nơi nhưng không thuyên giảm, vì được chẩn đoán viêm dạ dày. Sau quá trình thăm khám và thực hiện siêu âm ổ bụng, các bác sĩ phát hiện trong túi mật chứa số lượng lớn sỏi. Sau khi được tư vấn kỹ càng, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi cắt túi mật.

BSCKI. Lê Văn Cường và BS.CKI Lâm Kim Ngân, chuyên khoa ngoại tổng quát cùng ekip thực hiện phẫu thuật lấy ra túi mật chứa hơn 50 viên sỏi. Sau phẫu thuật sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện ngay trong ngày.

BSCKI. Lê Văn Cường cho biết: Bệnh lý sỏi mật dễ bị nhầm với bệnh lý dạ dày, vì vị trí đau gần giống nhau. Do vậy, khi điều trị viêm dạ dày mà không hiệu quả cần kiểm tra kĩ bệnh lý sỏi mật. Sỏi túi mật đơn thuần không gây đau có thể theo dõi chưa cần can thiệp phẫu thuật. Nhưng nếu sỏi túi mật gây đau hoặc sỏi túi mật có kèm theo Polyp túi mật, túi mật 2 ngăn, u xơ tuyến túi mật… thì có chỉ định can thiệp phẫu thuật cắt túi mật. Trường hợp để lâu có thể dẫn đến viêm túi mật cấp, viêm túi mật hoại tử, áp xe túi mật hoặc viêm phúc mạc mật có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Các bác sĩ cho biết thêm, sự trẻ hóa của bệnh sỏi túi mật ngày càng tăng lên, do nhiều yếu tố liên quan đến lối sống và chế độ ăn uống. Tình trạng ăn uống không cân đối, đặc biệt là tiêu thụ quá nhiều chất béo và cholesterol, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành sỏi. Ngoài ra, yếu tố di truyền và các vấn đề về rối loạn chuyển hóa cũng có thể dẫn đến sỏi túi mật ở những người trẻ tuổi. Các rối loạn này làm tăng nồng độ cholesterol trong dịch mật, trong khi chế độ ăn thiếu chất xơ và rau xanh cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Việc sử dụng thuốc tránh thai cũng được ghi nhận là làm gia tăng nguy cơ mắc sỏi túi mật ở phụ nữ trẻ.

Để phòng tránh các bệnh lý về túi mật và các bệnh về ổ bụng khác, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên khám sức khỏe định kỳ mỗi 4-6 tháng/lần, đặc biệt là siêu âm bụng để phát hiện sớm. Duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống cân bằng, bổ sung nhiều rau xanh, hạn chế chất béo và cholesterol. Vận động thường xuyên để giảm nguy cơ hình thành sỏi túi mật. Việc phát hiện sớm sẽ giúp điều trị hiệu quả, tránh được các biến chứng nghiêm trọng và giảm thiểu chi phí điều trị.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img