Monday, November 25, 2024

Chương trình tín dụng mới khôi phục sản xuất sau bão

Đến nay, đã có 32/40 ngân hàng đăng ký các gói tín dụng mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với tổng số tiền lên tới trên 400.000 tỷ đồng.

Chương trình tín dụng mới khôi phục sản xuất sau bão

 

Thường trực Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi phù hợp, tiếp tục cho vay mới khách hàng để có thể khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão lũ.

Trước mắt, Ngân hàng nhà nước khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời, chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay. Xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi phù hợp, tiếp tục cho vay mới để khôi phục sản xuất kinh doanh. Phối hợp với các địa phương trong việc thực hiện các giải pháp để hỗ trợ người dân bị thiệt hại do bão số 3.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, đến nay, đã có 32/40 ngân hàng đăng ký các gói tín dụng mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với tổng số tiền lên tới trên 400.000 tỷ đồng. Lãi suất giảm từ 0,5-2% để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khôi phục hoạt động sản xuất sau bão số 3.

4 bài học kinh nghiệm

Thường trực Chính phủ nêu 4 bài học kinh nghiệm:

(i) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và hệ thống các tổ chức tín dụng cần phải bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong, ngoài nước để có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, không bị động, chủ quan, lơ là;

(ii) Hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần phải hoạt động tuân thủ theo pháp luật, đồng thời tích cực tham gia đóng góp ý kiến để hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quy luật khách quan (quy luật cung cầu, quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh);

(iii) Hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần luôn đồng hành, chia sẻ, thấu hiểu khó khăn của doanh nghiệp, người dân, cùng với doanh nghiệp tiếp thu góp ý của Nhân dân để đưa ra các giải pháp hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền trên tinh thần “cùng lắng nghe, thấu hiểu”, “cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động”, “cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển”, với quan điểm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, nhất là trong bối cảnh hiện nay tiếp tục tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ số để giảm lãi suất cho vay, thiết kế gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp và người dân tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư và các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…;

(iv) Hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được Chính phủ giao và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giao.

Chương trình tín dụng mới khôi phục sản xuất sau bão

Hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu thiệt hại do bão lũ

Quán triệt phương châm 6 tăng, 6 giảm, 6 tăng tốc, bứt phá

Trong thời gian tới, tình hình chung là khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, đòi hỏi tất cả chúng ta phải có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, kịp thời, hiệu quả hơn, làm việc nào dứt việc đó, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, tự hào dân tộc. Quán triệt và thực hiện phương châm:

– “6 tăng” gồm: (i) Tăng năng lực của các tổ chức tín dụng, trong đó có các ngân hàng thương mại cổ phần; (ii) Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới; (iii) Tăng cường tháo gỡ vướng mắc pháp lý và chất lượng tín dụng; (iv) Tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp và năng lực quản trị điều hành của ngân hàng, thị trường tài chính; (v) Tăng công khai, minh bạch về lãi suất huy động, cho vay và cương quyết chống tín dụng đen, sở hữu chéo; (vi) Tăng cường giám sát, kiểm tra và phòng ngừa rủi ro, chống tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống ngân hàng.

– “6 giảm” gồm: (i) Giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý; (ii) Giảm chi phí giao dịch, hoạt động; (iii) Giảm thủ tục hành chính; (iv) Giảm phiền hà, sách nhiễu, tư vấn tiêu cực; (v) Giảm tiêu cực, lợi ích nhóm, sở hữu chéo, “sân sau”; (vi) Giảm nợ xấu.

– “6 tăng tốc, bứt phá” gồm: (i) Tăng tốc, bứt phá về số hóa; (ii) Tăng tốc, bứt phá về chất lượng dịch vụ; (iii) Tăng tốc, bứt phá về chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống ngân hàng; (iv) Tăng tốc, bứt phá về hạ tầng ngân hàng; (v) Tăng tốc, bứt phá về phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát; (vi) Tăng tốc, bứt phá về vươn ra thị trường quốc tế.

Hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu thiệt hại do bão lũ

Thường trực Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả hơn nữa, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội.

Trước mắt, triển khai ngay các nhiệm vụ sau để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu thiệt hại do bão lũ: (i) Khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 để kịp thời, chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi phù hợp, tiếp tục cho vay mới khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão lũ theo quy định của pháp luật; (ii) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các địa phương trong việc thực hiện các giải pháp để hỗ trợ người dân bị thiệt hại, các khu vực bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra; (iii) Xem xét, xử lý theo thẩm quyền và quy định trong tháng 9 năm 2024 đối với kiến nghị của các ngân hàng thương mại cổ phần tại cuộc họp về việc sửa đổi, ban hành quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Tổ chức triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong năm 2024 và cho cả giai đoạn trong các Chiến lược, Đề án (như Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025…). Theo dõi, giám sát chặt chẽ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, quyết liệt phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024 đã đề ra; tiếp tục theo dõi, chỉ đạo, điều hành hợp lý, hiệu quả hạn mức tăng trưởng tín dụng minh bạch, hiệu quả đối với các tổ chức tín dụng; chủ động rà soát các vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách có ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, vướng ở cấp nào thì tháo gỡ ngay ở cấp đó.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng và chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại cổ phần kịp thời có các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, triển khai hiệu quả gói tín dụng 140 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để kết hợp đồng bộ, hài hòa, hợp lý, hiệu quả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nhằm thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Nghiên cứu ý kiến các đại biểu tại Hội nghị, rà soát, đề xuất xử lý những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức tín dụng trong việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hết hiệu lực, báo cáo Chính phủ trước ngày 25 tháng 9 năm 2024 để báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 30 tháng 9 năm 2024 theo quy định.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img