Theo luật sư, những vụ ly hôn thường gây tổn thương tâm lý sâu sắc cho trẻ. Do đó, làm thế nào để bảo vệ trẻ khỏi những xung đột và tác động tiêu cực từ quá trình tranh chấp quyền nuôi con, lắng nghe nguyện vọng của trẻ mà không để trẻ bị áp lực, tác động từ cha mẹ cũng là một thử thách.
Ông Lê (bác sĩ thẩm mỹ) và bà Yến từng là vợ chồng, họ có 2 con chung. Năm 2020 họ ly hôn, Phúc, 7 tuổi được giao cho bố nuôi, người em 6 tuổi được tòa giao cho mẹ.
Tuy nhiên, trong quá trình nuôi dưỡng Phúc, ông Lê đã có những hành vi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần và sự phát triển của trẻ; xâm phạm đến quyền thăm nom con của bà Yến…
Cụ thể, trong thời gian sống cùng ông Lê, ông này đã giao Phúc cho giúp việc và bà Minh (vợ cũ, đang sống cùng ông Lê) chăm sóc. Lúc này, trên cơ thể Phúc xuất hiện nhiều vết thương bầm tím, khi được hỏi, Phúc khóc, nói “mẹ Minh đánh con”. Sau khi bà Yến trình báo vụ việc với cơ quan chức năng Q.1, TP.HCM thì ông Lê mới biết.
Ngoài ra, ông Lê có nhiều mối quan hệ phức tạp như đang nuôi bé Trung – là con riêng của ông này và người phụ nữ khác. Mặt khác, ông Lê còn xâm phạm đến quyền thăm con của bà Yến, yêu cầu chỉ được thăm 15 phút/tuần, không được dẫn con đi chơi, không được đưa con về nhà vào cuối tuần…
Từ đó, bà Yến khởi kiện lên TAND Q.1, đề nghị HĐXX giao bé Phúc cho bà trực tiếp nuôi dưỡng, không chấp nhận đơn phản tố của ông Lê.
Theo nội dung đơn phản tố, ông Lê cho rằng bà Yến bị bệnh tâm thần, rối loại âu lo mức nặng, không có tài sản cố định trong khi ông này là giám đốc một bệnh viện tại TP.HCM… Do đó, bà Yến không đủ điều kiện chăm sóc 2 trẻ, cho các con tương lai tốt đẹp.
Nêu quan điểm, đại diện Viện KSND Q.1 cho rằng, căn cứ hồ sơ vụ án và lời trình bày của các đương sự, có đủ cơ sở để xác định ông Lê là người trực tiếp nuôi bé Phúc nhưng không còn đủ điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ chưa thành niên; còn bà Yến hiện có đủ khả năng trực tiếp nuôi dưỡng Phúc.
“Ông Lê cho rằng bà Yến bị tâm thần, ông yêu cầu được nuôi dưỡng 2 con; song, người này không cung cấp được tài liệu chứng cứ chứng minh nên không có cơ sở”, kiểm sát viên nói và cho rằng trẻ còn nhỏ nên giao cho mẹ nuôi dưỡng để được sống cùng mẹ, ổn định tâm lý, gắn bó tình cảm anh em là phù hợp.
Từ đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là bà Yến về việc thay đổi trực tiếp nuôi con, giao cho bà Yến trực tiếp nuôi dưỡng Phúc và em gái. Ghi nhận sự tự nguyện của bà này về việc không yêu cầu ông Lê cấp dưỡng nuôi con. Đồng thời, Viện KSND Q.1 cũng đề nghị tòa bác đơn phản tố của ông Lê về việc thay đổi trực tiếp nuôi con.
HĐXX cấp sơ thẩm nhận định, ông Lê và bà Yến đều có quyền và nghĩa vụ như nhau trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con và đều có đủ điều kiện để có thể nuôi dưỡng, giáo dục con. Tuy nhiên, ông Lê tuy chưa lập gia đình nhưng ngoài con chung với bà Yến thì ông này vẫn đang trực tiếp nuôi dưỡng con riêng. Bên cạnh đó, việc chăm sóc, học tập của con ông Lê đều giao cho vợ cũ trực tiếp chăm lo nên sẽ không đảm bảo quyền lợi mọi mặt của con.
Còn bà Yến chưa lập gia đình nhưng có điều kiện thuận lợi hơn ông Lê trong việc trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng các con. Do đó, có cơ sở xác định ông Lê là người trực tiếp nuôi trẻ Phúc nhưng không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ chưa thành niên theo quy định tại khoản 2 Điều 84 luật Hôn nhân và gia đình. Có cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Yến về việc giao trẻ Phúc cho bà này nuôi dưỡng.
Không đồng ý với phán quyết của tòa cấp sơ thẩm, ông Lê kháng cáo. Xử phúc thẩm, TAND TP.HCM bác đơn kháng cáo của ông Lê, tòa cho rằng bản án sơ thẩm đã giải quyết vụ án khách quan, đúng quy định pháp luật nên không có cơ sở chấp nhận.
Tương tự, ông Thái và bà Hiền từng là vợ chồng, có 2 con gái chung. Năm 2015 họ ly hôn, 2 con chung của họ đều được giao cho mẹ nuôi.
Bốn năm sau, ông Thái bất ngờ gửi đơn yêu cầu TAND Q.4, TP.HCM thay đổi người trực tiếp nuôi con vì cho rằng bà Hiền hiện đã có chồng khác và có thêm con thứ 3; thường xuyên gây khó dễ khi ông đến thăm con, nói xấu ông với các con… gây ảnh hưởng đến sự giáo dục, phát triển của con.
Xử sơ thẩm tháng 7.2019, TAND Q.4 cho rằng, ông Thái đã lớn tuổi và đang sống một mình, cần con cái chăm sóc, nuôi dưỡng và đây cũng là đạo lý tốt đẹp. Từ đó, tòa chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, giao bé thứ 2 cho ông Thái chăm sóc.
Bà Hiền kháng cáo ngay sau đó. Viện KSND Q.4 cũng kháng nghị, chỉ ra hàng loạt vấn đề không phù hợp của bản án sơ thẩm, đề nghị tòa phúc thẩm không chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện của ông Thái.
Xử phúc thẩm hồi 2021, bà Hiền đề nghị tòa sửa bản án sơ thẩm theo hướng để bà trực tiếp nuôi 2 con. Còn ông Thái yêu cầu giữ nguyên bản án sơ thẩm.
HĐXX đánh giá tòa sơ thẩm giao một bé cho ông Thái nuôi dưỡng là không phù hợp với Điều 84 luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Tòa phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bà Hiền và kháng nghị của Viện kiểm sát, sửa bản án sơ thẩm, giao bà Hiền được nuôi 2 con. Tòa cũng ghi nhận sự tự nguyện của bà Hiền trong việc không yêu cầu ông Thái cấp dưỡng nuôi con.
Khó khăn và thách thức khi tham gia các vụ án ly hôn
Có hơn 15 năm kinh nghiệm trong việc bào chữa các vụ án ly hôn, trao đổi với Thanh Niên, luật sư Đào Thị Bích Liên (Văn phòng luật sư Hà Hải và cộng sự) cho biết, quá trình tham gia giải quyết vụ án bà gặp không ít khó khăn vướng mắc liên quan đến việc thu thập chứng cứ như khả năng nuôi dạy con của 2 bên, tài chính, môi trường sống, tinh thần, tâm lý, tình cảm…
Theo luật sư, khi giải quyết vụ án có con chung từ đủ 7 tuổi trở lên thì tòa án phải xem xét đến nguyện vọng của con chung. Ngoài ra, để giành được quyền nuôi con, đương sự là cha hoặc mẹ phải chứng minh được bản thân có đủ điều kiện về phẩm chất đạo đức, thời gian, nơi ở, điều kiện việc làm, thu nhập ổn định để chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con tốt nhất nhằm phát triển về mọi mặt.
Cũng theo luật sư Bích Liên, một trong những khó khăn trong quá trình tham gia các vụ án ly hôn, đó là khi một bên có cáo buộc về hành vi bạo hành, đánh đập, bỏ bê con cái… việc thu thập chứng cứ thực tế rất phức tạp. Những hành vi này thường diễn ra trong không gian riêng tư, ít có nhân chứng, chứng cứ. Bên cạnh đó, khi trẻ đủ lớn, đủ hiểu biết để lấy lời khai của trẻ một cách khách quan, không bị áp lực từ cha mẹ cũng là một thử thách lớn.
“Khi tham gia các vụ án ly hôn giành quyền nuôi con, điều mà tôi trăn trở nhất là làm sao đảm bảo quyền lợi và sự phát triển toàn diện của trẻ”, nữ luật sư nói và cho biết trong nhiều trường hợp, cha mẹ giành quyền nuôi con chỉ vì mâu thuẫn cá nhân.
“Không ít các cặp đôi trong và sau khi ly hôn giành quyền nuôi con tìm mọi cách để gây căng thẳng, đau khổ, trừng phạt nhau trong đó bao gồm cả việc tranh chấp tài sản, con cái, mức cấp dưỡng nuôi con chung. Có rất nhiều vụ án mà việc tranh chấp nuôi con kéo dài nhiều năm cũng chỉ vì sự thù hận của cha mẹ và con trẻ là người phải gánh chịu”, luật sư nói thêm.
Cũng theo luật sư Bích Liên, những vụ ly hôn thường gây ra tổn thương tâm lý sâu sắc cho trẻ, đặc biệt khi trẻ bị ép buộc phải lựa chọn giữa cha và mẹ. Do đó, việc làm thế nào để bảo vệ trẻ khỏi những xung đột và tác động tiêu cực từ quá trình tranh chấp quyền nuôi con, lắng nghe nguyện vọng của trẻ mà không để trẻ bị áp lực, tác động từ cha mẹ cũng là một thử thách.
Ngoài ra, theo luật sư, sau khi bản án có hiệu lực, việc thực thi bản án còn gặp nhiều khó khăn. Có những trường hợp một bên không tuân thủ quyết định của tòa, như ngăn cản việc thăm nom hoặc không giao con theo đúng phán quyết… Do đó, luật sư Bích Liên cho rằng cần bổ sung, điều chỉnh luật Hôn nhân và gia đình phù hợp với thực tế, nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho trẻ em trong các vụ ly hôn.
Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, quy định:
Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn:
1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
Nguồn: thanhnien.vn