Tuesday, November 26, 2024

”Núi việc” khi xây dựng dữ liệu văn hóa

Quá nhiều việc phải làm khi xây dựng cơ sở dữ liệu ngành VH-TT-DL, trong khi tiền thì thiếu.

Túc tắc làm tốt

TS Chu Thu Hường (Viện Bảo tồn di tích, Bộ VH-TT-DL) có nhiều ví dụ tốt để kể câu chuyện số hóa dữ liệu văn hóa ở đơn vị mình tại Hội thảo Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành VH-TT-DL và gia đình (ngày 1.10 ở Hà Nội). Thống kê đến tháng 12.2023, số lượng tài liệu trong kho của viện này gồm khoảng 3.000 hồ sơ tài liệu về hàng nghìn di tích trong cả nước, được lưu trữ trên nền giấy, băng, đĩa ghi âm, ghi hình, phim ảnh… Trong đó, nhiều bản vẽ tay, bản rập trên giấy dó giai đoạn 1953 – 1992 còn nguồn tài liệu quý hiếm và là tài liệu độc bản. “Những bản vẽ tay về các di tích tháp Chăm, các ngôi đình ngôi chùa, đền thực hiện từ những năm 1970 – 1980, trở thành nguồn tư liệu lịch sử vô cùng giá trị về di tích, bởi có những di tích trong số đó đã không còn nữa hoặc đã bị thay đổi rất nhiều”, TS Hường cho biết.

Theo TS Hường, những tư liệu này đã được Viện lần lượt số hóa liên tiếp trong nhiều năm qua. Không chỉ có vậy, chúng còn được khai thác thành sách – một nỗ lực đa dạng hóa nguồn dữ liệu về di tích. “Có 15 đầu sách về di tích qua tư liệu của Viện đã được xuất bản như Đình làng Việt, Chùa Việt… Ngay sau khi xuất bản, bộ sách đã trở thành bộ sách không thể thiếu trong tủ sách của các nhà bảo tồn, các nhà nghiên cứu kiến trúc, văn hóa, lịch sử và mỹ thuật truyền thống”, TS Hường chia sẻ.

'Núi việc' khi xây dựng dữ liệu văn hóa

Một kho dữ liệu online của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Trong khi đó, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN lại có nền tảng trực tuyến về cơ sở dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể và nội dung số ở VN trên trang web IchLinks. Trang web này cung cấp, quảng bá các ấn phẩm, dữ liệu về di sản văn hóa phi vật thể tới khán giả toàn cầu. Trong đó có sản phẩm khoa học: video, ảnh, báo cáo khoa học của 7 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể UNESCO ghi danh mà Viện đã xây dựng thành công.

Phép tính khó

Mặc dù vậy, công việc xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành VH-TT-DL vẫn còn bời bời. Ở Viện Âm nhạc, nhiều băng cassette ở tình trạng bị mốc mủn khi có nhà nghiên cứu tới khai thác. Điều này dẫn đến việc nhà nghiên cứu phải tự tìm cách lau mốc, rồi sao lưu lại thành dữ liệu số để nghiên cứu. Các định dạng khác nhau của tư liệu VH-TT-DL đang trở thành một “núi việc”. Ngành nóng như du lịch, rất cần liên thông dữ liệu khách hàng thì việc xây dựng kho dữ liệu này hiện cũng chưa làm được.

Ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng dữ liệu số, Trung tâm dữ liệu, Bộ VH-TT-DL, cho biết Bộ cũng nhận thức được hiện trạng này. Trung tâm đã tiến hành khảo sát sơ bộ để nhận diện dữ liệu của các cơ quan mà Bộ đang quản lý hiện ra sao. “Trước mắt, trung tâm tham mưu ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu cho việc kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu với nhau. Còn hiện nay dữ liệu của các đơn vị thuộc Bộ đang ở dưới dạng phân tán. Chúng tôi đã đưa ra đề xuất này từ năm ngoái”, ông Hùng cho biết.

Cũng theo ông Hùng, các dữ liệu sau khi số hóa cần được lưu trữ để tiện tra cứu chứ không phải chỉ xử lý dưới dạng thô. Việc số hóa dữ liệu nào trước cũng cần được tính toán để ưu tiên những tư liệu quý và có nguy cơ mai một. Sau đó, các dữ liệu cũng sẽ được đẩy về một kho dữ liệu tập trung. “Tương lai là như thế. Các lĩnh vực đều sẽ phải tính toán, nếu cần kêu gọi hợp tác công tư chứ ngân sách nhà nước không đủ. Khâu cập nhật dữ liệu và vận hành rất quan trọng”, ông Hùng nói.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img