Lợi ích do các Khu công nghiệp sinh thái mang lại là rất lớn, tuy nhiên, việc phát triển Khu công nghiệp sinh thái hiện nay vẫn còn nhiều rào cản.
Lợi ích của các Khu công nghiệp (KCN) sinh thái mang lại là rất lớn, bao gồm: giảm tác động môi trường; thúc đẩy tăng hiệu quả; tạo điều kiện cho sự gắn kết cộng đồng; cung cấp khả năng tiếp cận tốt hơn với tài chính và hỗ trợ kỹ thuật; nâng cao khả năng cạnh tranh trong kinh doanh…Tuy nhiên, việc phát triển KCN sinh thái hiện nay vẫn còn nhiều rào cản.
Cụ thể, nhiều vấn đề pháp lý về việc hình thành, phát triển KCN sinh thái, chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái chưa được hướng dẫn cụ thể. Đơn cử, Nghị định 35/2022 quy định KCN sinh thái là KCN mà các doanh nghiệp trong đó tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn. Còn theo Luật Môi trường, chỉ khi đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường thì doanh nghiệp mới được tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, sạch hơn là như thế nào, phải đáp ứng những tiêu chuẩn về môi trường ra sao… thì chưa có quy định cụ thể.
Hay xây dựng KCN phải có trong quy hoạch. Trong Luật Quy hoạch, nội dung chủ yếu của phương hướng xây dựng phải xác định hệ thống đô thị, nông thôn, KKT, KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao…
Như vậy, trước khi cấp thẩm quyền quyết định chấp nhận chủ trương đầu tư thành lập KCN sinh thái, có phải bổ sung KCN sinh thái vào nội dung chủ yếu của phương hướng xây dựng quy hoạch vùng đã được phê duyệt hay không… Đây vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải.
Về tài chính, đối với các nhà đầu tư hạ tầng KCN, chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng của 1 KCN sinh thái cao hơn ít nhất 20% so với các khu công nghiệp truyền thống. Nếu không có cơ chế riêng hoặc ưu đãi tốt hơn, doanh nghiệp sẽ vẫn phải đầu tư vào KCN truyền thống, thay vì đầu tư vào KCN sinh thái, hoặc trở thành “doanh nghiệp sinh thái”.
Mặt khác, gần 2 năm vừa qua, chúng ta chưa có danh mục phân loại xanh để căn cứ vào đó, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp dựa vào đó để quyết định mình đầu tư, để tăng khả năng tiếp cập nguồn tín dụng xanh trong nước và quốc tế.
Việc “xanh hoá” này, còn một rào cản nữa đó chính là quy trình thẩm định KCN sinh thái trước khi được cơ quan có thẩm quyền công nhận phải trải qua 6 bộ, ngành, điều này rất mất thời gian và làm mất đi cơ hội của doanh nghiệp.
Thậm chí, đến nay, tiêu chí KCN sinh thái vẫn còn khá mơ hồ. Nghị định số 35/2022/NĐ-CP nêu khái niệm KCN sinh thái phải đảm bảo tiêu chí sạch hơn, có hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp trong một KCN hoặc trong các KCN khác nhau để tối ưu hóa việc sử dụng hoặc tái sử dụng yếu tố đầu vào, đầu ra và yếu tố khác trong quá trình sản xuất, kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong một khu hoặc các KCN khác nhau.
Kỳ vọng là vậy, nhưng khó thực hiện vì mỗi doanh nghiệp và cả KCN đều phải tuân thủ quyết định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư của mình.
Trường hợp thay đổi, có thể phải xin thẩm định lại đánh giá tác động môi trường, xin cấp lại giấy phép môi trường, thanh khoản hải quan đối với nguyên liệu, phế liệu… được nhập khẩu theo loại hình gia công xuất khẩu, sản xuất xuất khẩu…
Do đó, để việc phát triển KCN sinh thái được thuận lợi, cần phải quan tâm xây dựng khuôn khổ pháp lý riêng áp dụng cho các trường hợp thành lập mới, hoặc áp dụng cho trường hợp chuyển đổi KCN cũ, truyền thống thành KCN sinh thái. Trong đó, cần có các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan, các ưu đãi cho KCN sinh thái.
Bên cạnh đó, cần sớm có luật về KCN, trong đó những quy định về KCN sinh thái cần được quy định rõ ràng thì mới thúc đẩy được doanh nghiệp đầu tư xây dựng KCN sinh thái mới, đồng thời thúc đẩy các địa phương chuyển đổi các KCN truyền thống thành KCN sinh thái.
Về phía các doanh nghiệp và các nhà đầu tư phải quan tâm nhiều hơn đến KCN sinh thái. KCN sinh thái là xu hướng tất yếu. Nhà nước có luật, có chính sách, có ưu đãi và doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm thực hiện và thúc đẩy.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn