Khánh Hòa đang khẳng định vị thế của mình để trở thành một điểm nhấn quan trọng trong bức tranh du lịch Việt Nam ngày càng tươi sáng.
Khánh Hòa đã có nhiều nỗ lực và quan tâm đến công tác quy hoạch phát triển du lịch, xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tăng cường đầu tư để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch ngang tầm quốc tế. Đồng thời, Khánh Hòa cũng đẩy mạnh hợp tác liên kết vùng lãnh thổ du lịch với các tỉnh bạn để khai thác hợp lý và có hiệu quả các lợi thế về tài nguyên du lịch.
Lợi thế so sánh trong khu vực
Nhìn ra thế giới, Khánh Hòa đang phải cạnh tranh gay gắt với những địa điểm có những tương đồng nhất định về tự nhiên cũng như văn hóa, trong đó phải kể đến hai trường hợp điển hình. Thứ nhất là Phuket của Thái Lan – nơi sở hữu nhiều tuyệt cảnh thiên nhiên, có nhiều điểm vui chơi hấp dẫn và chi phí du lịch “vừa túi tiền”. Thứ hai là Bali của Indonesia – địa điểm hội tụ nhiều yếu tố để có thể đáp ứng những tiêu chí du lịch, như thiên nhiên phong phú, thiên đường nghỉ dưỡng, văn hóa đặc trưng và nhiều trung tâm mua sắm.
Do cùng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, ba địa điểm này đều có những tương đồng nhất định về điều kiện khí hậu khi chia thành hai mùa – mùa mưa và mùa khô rõ rệt trong năm.
Mặt khác, nếu Phuket và Bali có yếu tố nhận diện về cảnh quan tự nhiên quan trọng là những đảo lớn với đường bờ biển bao quanh thì Khánh Hòa lại cho thấy sự khác biệt của một địa phương ven biển, nghĩa là có cả phần lục địa lẫn các đảo tạo nên sự phong phú đa dạng của các loại hình cảnh quan tự nhiên đồng tồn tại như rừng núi, đồng bằng, sông nước và biển đảo.
Nếu tính riêng về đặc điểm của biển thì các bãi biển Khánh Hoà ít sóng, biển khá êm, thuận lợi cho tắm biển. Điều này cũng tương tự như tại Phuket, trong khi biển Bali lại có sóng và dòng xoáy khá mạnh. Khánh Hòa cũng chưa ghi nhận hiện tượng thời tiết cực đoan là sóng thần như đã từng xảy ra với cả Phuket lẫn Bali.
Xét về các điều kiện cơ sở hạ tầng, cả ba địa điểm đều có sân bay đủ công suất để phục vụ cho việc vận chuyển du khách quốc tế nhưng bên cạnh đó, Khánh Hòa cho thấy ưu thế hơn khi có thêm hệ thống cảng biển có thể đón tiếp các “siêu” tàu biển có hải trình dài với sức chứa hàng nghìn người. Thực tế cũng đã cho thấy khách du lịch tàu biển là một trong những nguồn khách chủ lực của ngành du lịch Khánh Hòa.
Xét về các điều kiện nhân văn và văn hóa, mỗi địa điểm đều có những đặc trưng riêng về các di sản văn hóa vật thể thông qua các công trình kiến trúc lịch sử lẫn phi vật thể như các lễ hội, các thực hành nghề thủ công truyền thống để thu hút du khách. Tuy nhiên, nếu so sánh số lượng điểm du lịch nổi tiếng để làm “điểm neo” cho các tour du lịch thì Khánh Hòa lại yếu thế hơn khi chỉ có khoảng trên chục điểm, trong khi Phuket và Bali đều ghi nhận con số lên đến hai chục. Số phòng lưu trú của Khánh Hòa cũng thấp nhất khi có khoảng 1.200 cơ sở lưu trú với 64 nghìn phòng so với 70 nghìn phòng của Phuket và 75 nghìn phòng của Bali.
Từ những so sánh nói trên, nếu xét riêng từng mặt thì mỗi nơi đều có hơn, có kém nhưng xét một cách tổng thể, có vẻ như Khánh Hòa cũng ngang ngửa, thậm chí còn có phần nổi trội hơn để phát triển du lịch.
Thay đổi để thích ứng
Điều đáng suy ngẫm là tổng lượng du khách đến Khánh Hòa trong năm vừa qua lại khá khiêm tốn với 7 triệu du khách, trong khi hai địa điểm kia hơn 11 triệu du khách. Trong số đó, tỷ trọng khách du lịch quốc tế đến với Khánh Hòa chỉ được hơn 2 triệu khách, thấp hơn hẳn so với con số gần 10 triệu của Phuket và hơn 5 triệu của Bali. Từ đó, có thể điểm qua một số vấn đề cơ bản mà du lịch Khánh Hòa cần phải khắc phục trong thời gian tới:
Thứ nhất, mặc dù thiên nhiên ưu đãi nhưng các loại hình cũng như sản phẩm du lịch thiên nhiên, du lịch sinh thái của Khánh Hòa lại chưa thực sự phong phú và đa dạng, thậm chí còn đơn điệu, chủ yếu khai thác các yếu tố sẵn có từ thiên nhiên mà thiếu tính sáng tạo độc đáo và đặc thù của vùng. Các sản phẩm du lịch hiện có đôi khi trùng lặp, kém hấp dẫn và trong một số trường hợp còn gây tổn hại đến môi trường tự nhiên.
Thứ hai, mặc dù có di sản văn hóa Chăm cùng các lễ hội đậm màu sắc của ngư dân Khánh Hòa, nhưng hiện tại chưa có sự liên kết trong tổ chức tour du lịch văn hóa và lễ hội để tạo nên những điểm nhấn văn hóa riêng có trong du lịch.
Thứ ba, truyền thông, marketing du lịch chưa đủ mạnh khi các sản phẩm truyền thông cho du lịch vẫn mang nhiều tính quảng bá theo kiểu truyền thống mà chưa tận dụng được thế mạnh của truyền thông số hay sự lan tỏa của các mạng xã hội.
Cuối cùng, mặc dù đã có nhiều nỗ lực cải thiện nhưng nguồn cung du lịch ở Khánh Hòa vẫn chưa đáp ứng tốt cho nhu cầu của thị trường khách du lịch, đặc biệt là nguồn khách đến từ các thị trường khó tính nhưng lại đem đến nhiều lợi ích.
Liệu Khánh Hòa có thể trở thành “thiên đường” nghỉ dưỡng được yêu thích nhất trong khu vực? Câu trả lời hoàn toàn có thể bởi du lịch Khánh Hòa cũng đang cho thấy những nỗ lực thay đổi chính mình để khắc phục những vấn đề nội tại. Những dịch vụ du lịch chất lượng cao cùng những hạ tầng cơ sở đẳng cấp quốc tế đang được khởi tạo từng ngày nhằm hướng đến mục tiêu đưa du lịch Khánh Hòa từng bước sánh tầm với các “thiên đường” du lịch khác trong khu vực.
Nhiều năm trở lại đây, Khánh Hòa nói chung và Nha Trang nói riêng quyết tâm trở thành một điểm đến hấp dẫn với nhiều dự án kiến tạo các khu lưu trú, khu vui chơi giải trí cao cấp và nhiều dịch vụ độc đáo, hấp dẫn gắn liền với biển. Bên cạnh đó, các dự án phát triển các khu đô thị mới cũng được chú trọng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, không chỉ thu hút những cư dân mới đến sinh sống và đầu tư, tham gia phát triển kinh tế địa phương, mà còn mang đến trải nghiệm văn hóa toàn cầu, sang trọng cho du khách.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn