Khác với 4 lốp xe được nhà sản xuất gắn sẵn khi xe xuất xưởng, lốp dự phòng trên ô tô rất ít khi được dùng đến, do đó bơm áp suất lốp bao nhiêu để bảo quản bộ phận này là điều không phải bất cứ ai sử dụng ô tô cũng biết.
Tuỳ vào đặc điểm thiết kế của mỗi một dòng xe, lốp dự phòng thường được đặt bên dưới sàn khoang chứa hành lý (trên xe sedan, Crossover…). Một số dòng xe gầm cao như bán tải, SUV… để tối ưu không gian khoang hành lý, lốp dự phòng sẽ được treo dưới gầm xe phía sau. Số khác lại được nhà sản xuất trên trên cửa khoang hành lý vừa để tiết kiệm không gian, vừa tăng tính thẩm mỹ, hầm hố cho xe. Cách bố trí vị trí lốp dự phòng theo kiểu này thường thấy trên một số dòng xe như Ford EcoSport đời đầu hay Land Rover Defender…
Tuy nhiên, dù được bố trí ở đâu, lốp dự phòng trên mỗi mẫu xe đầu cần được bảo quản, kiểm tra và bơm áp suất lốp phù hợp để đảm bảo lốp luôn trong tình trạng sẵn sàng khi cần dùng đến. Thông thường phần lớn người dùng ô tô quan tâm đến thông số áp suất lốp xe thường bơm lốp ô tô ở mức khoảng 32 – 36 psi, bởi đây được xem là mức áp suất lốp thích hợp cho nhu cầu sử dụng ô tô hàng ngày. Tuy nhiên, lốp dự phòng trên ô tô lại có chút khác biệt khi ít được dùng thường xuyên như 4 lốp gắn sẵn trên ô tô, do đó mức áp suất lốp bơm cho lốp dự phòng trên một số mẫu xe cũng có sự khác biệt.
Lốp dự phòng nên bơm bao nhiêu?
Hiện nay, tùy vào mỗi mẫu xe, lốp dự phòng có thể được trang bị cùng thông số, kích thước, loại lốp, nhãn hiệu lốp… như 4 lốp gắn trên 4 bánh xe. Bên cạnh đó, cũng có một số mẫu xe được nhà sản xuất thiết kế lốp dự phòng có kích thước nhỏ gọn, chiều rộng lốp bé hơn các lốp còn lại… để giảm trọng lượng xe, cũng như tối ưu không gian.
Hầu hết những người quan tâm, chú trọng đến áp suất lốp xe thường bơm lốp dự phòng có cùng mức áp suất như 4 lốp đang sử dụng trên xe. Tuy nhiên, theo khuyến cáo được một số nhà sản xuất cũng như hãng lốp đưa ra, lốp dự phòng trên ô tô dù ít được sử dụng nhưng vẫn cần bơm căng hơn (áp suất lớn hơn) so với 4 lốp còn lại. Cụ thể, áp suất lốp tối ưu cho lốp dự phòng thường được khuyến cáo bơm ở mức 60 psi (khoảng 4.2 bar).
Lý do được đưa ra là bởi lốp dự phòng mất có thể giảm dần áp suất theo thời gian dù ít khi được sử dụng đến. Lốp dự phòng có thể được bảo quản trong nhiều năm trước khi sử dụng, vì vậy cần phải bơm căng lốp để có đủ áp suất trong lốp khi cần thiết.
Thực tế đã có không ít trường hợp chủ xe chủ quan, bơm lốp dự phòng cùng mức áp suất với các lốp còn lại. Sau một thời gian, có thể là 1 – 2 năm, khi gặp trường hợp khẩn cấp (như xe thủng lốp, lốp hư hỏng) cần sử dụng lốp dự phòng để thay thế cho một trong 4 lốp chính, áp suất trong lốp dự phòng đã giảm, thậm chí không còn đủ hơi để có thể sử dụng.
Do đó, việc bơm áp suất lốp dự phòng “căng” hơn các lốp còn lại là điều cần thiết. Bởi khi cần dùng đến lốp dự phòng, nếu không có sẵn bơm lốp, một chiếc lốp căng sẽ giúp chủ xe dễ xử lý hơn (như xì bớt hơi để đảm bảo áp suất) hơn là việc phải mất công bơm lốp.
Lốp dự phòng có cần thay không?
Mặc dù lốp dự phòng trên ô tô ít khi được dùng đến nhưng không đồng nghĩa với việc không cần phải thay lốp dự phòng. Bởi như khuyến cáo của các nhà sản xuất lốp, lốp ô tô không sử dụng trong thời gian dài cũng sẽ bị xuống cấp và có thể gây nguy hiểm cho việc lái xe khi cần sử dụng đến.
Do đó, nên thay lốp dự phòng 8 năm một lần hoặc theo quy định trong sách hướng dẫn. Về việc thay lốp dự phòng, tốt nhất nếu có thể cũng nên thay cùng lúc với việc thay cả 4 lốp mới. Lốp dự phòng luôn trong tình trạng tốt sẽ giúp chủ xe tiết kiệm thời gian, chi phí đồng thời góp phần mang đến sự an tâm, an toàn trong quá trình sử dụng ô tô hàng ngày.
Nguồn: thanhnien.vn