Thời gian qua, Thái Bình đã thúc đẩy sản phẩm OCOP bằng cách đẩy mạnh liên kết, qua đó tạo động lực thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa bền vững.
Ông Mai Xuân Định – Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Chí Hòa chia sẻ: Đầu năm 2024, doanh nghiệp đã đón nhận niềm vui khi sản phẩm gạo Bắc Thơm 7 được UBND huyện Hưng Hà công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục nâng tầm thương hiệu sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường. Theo ông Định, hiện doanh nghiệp đã quy hoạch hơn 60ha cấy lúa tại cánh đồng 3 thôn: Vân Đài, Vị Giang, Sành với trên 300 hộ tham gia.
Doanh nghiệp đã đầu tư máy sấy thóc, máy xay xát, máy hút chân không… trị giá hơn 200 triệu đồng để thực hiện quy trình xây dựng thương hiệu sản phẩm. Vụ xuân năm 2024, doanh nghiệp đã thu được hơn 360 tấn thóc tươi, trong đó đã liên kết với các công ty tiêu thụ 180 tấn sản phẩm cho bà con. Hiện doanh nghiệp đã kết nối với các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm cho bà con, từng bước chinh phục khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Minh Hiếu – Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà cho biết: Đến nay, toàn huyện có 24 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Để thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP của huyện, chúng tôi tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm.
Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, hướng đến kết nối liên thông hệ thống cơ sở dữ liệu chương trình OCOP; phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp, nhất là các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương.
Anh Đinh Xuân Tới – Giám đốc Công ty TNHH Tiến Thiết chia sẻ, nhận thấy việc tham gia chương trình OCOP sẽ giúp ích cho doanh nghiệp trong mở rộng thị trường, Công ty TNHH Tiến Thiết (xã Thụy Sơn) đã chủ động tham gia. Từ sự hướng dẫn của các ngành chuyên môn và nỗ lực không ngừng, năm 2022 sản phẩm giỏ bèo Tiến Thiết của Công ty TNHH Tiến Thiết được công nhận OCOP 3 sao.
Theo anh Tới, tham gia chương trình OCOP, sản phẩm giỏ bèo Tiến Thiết khẳng định được thương hiệu, tạo cơ hội cho Công ty mở rộng quy mô sản xuất. Hiện các sản phẩm không chỉ phục vụ khách hàng trong nước mà còn xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…
Ngoài sản phẩm giỏ bèo, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm làm từ cói, mây tre đan truyền thống như hộp đựng giấy, khay hoa quả, khay đựng chén, giỏ đựng quà, sọt đựng quần áo… Công ty đã phát triển hơn 10 cơ sở vệ tinh, sản xuất 10.000 – 20.000 sản phẩm/ tháng, tạo việc làm gần 400 lao động địa phương với mức thu nhập 2 – 4 triệu đồng/người/tháng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thực hiện chương trình OCOP, Sở đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, tuyên truyền và khuyến khích các tổ chức kinh tế trên địa bàn các xã, thị trấn tham gia; tổ chức các lớp tập huấn và nâng cao năng lực trong triển khai chuyên đề; xây dựng sản phẩm đặc trưng bảo đảm các tiêu chí, cũng như lợi thế về nguồn gốc, thế mạnh của địa phương và có tính bền vững.
Điều đáng ghi nhận, khi được lựa chọn tham gia chương trình OCOP, các doanh nghiệp đều khai thác hiệu quả thế mạnh của địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường; thay đổi tập quán sản xuất, phát huy tinh thần sáng tạo của nhân dân và ngành nghề truyền thống, mở rộng sản xuất cho khu vực nông thôn.
Ông Phạm Văn Đồng – Giám đốc Công ty TNHH Hải sản Ngọc Minh cho biết: Nhận thức được giá trị của chương trình OCOP, từ năm 2022 đến nay, Công ty đã đầu tư mở rộng sản xuất và xây dựng thành công 6 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh, gồm: tép biển khô, nõn tôm, chả cá song, chả tôm, chả cá nhạc, cá nhệch kho tộ. Từ khi được công nhận sản phẩm OCOP, các sản phẩm của Công ty được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.
Hiện nay, các sản phẩm hải sản chế biến của Công ty đã có mặt ở nhiều siêu thị, cửa hàng ở tỉnh Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương… Ngoài ra, Công ty còn đẩy mạnh việc bán hàng qua các kênh facebook, zalo của Công ty, Hội OCOP huyện Tiền Hải. Từ đó, giúp Công ty tăng doanh số bán hàng, mỗi năm đạt hơn 16 tỷ đồng.
Nâng tầm sản phẩm
Ông Đỗ Thành Trung, – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Hiện địa phương có 42 sản phẩm OCOP của 27 chủ thể ở 18 xã được nhận diện thương hiệu “nông sản 14/10”, trong đó có 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, còn lại là các sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm OCOP của huyện thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau từ nông sản như gạo, trứng, thịt, rau, tỏi, lạc, nấm đến thủy hải sản như cá, tôm, tép, mực, ốc, ếch, rồi các sản phẩm chế biến như giò, chả, bún, rượu, cá kho hay các sản phẩm dược liệu như trà, tinh dầu, các sản phẩm thủ công mây tre đan, chiếu trúc…
Theo ông Trung, để chương trình OCOP đạt được kết quả tốt, thời gian qua, Phòng đã tích cực tham mưu UBND huyện triển khai các nội dung theo kế hoạch đề ra. Cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, huyện đã hỗ cho các chủ thể tiếp cận các thị trường thông qua hoạt động quảng bá giới thiệu sản phẩm và hỗ trợ cho mỗi sản phẩm OCOP và chủ thể 80 triệu đồng; hướng dẫn các chủ thể tham gia nhiều hội chợ trong và ngoài tỉnh để trưng bày, quảng bá sản phẩm của địa phương.
Mặc dù mới được thành lập từ đầu năm nay nhưng Hội OCOP huyện Tiền Hải đã thể hiện rõ vai trò trong việc hỗ trợ các hội viên hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, xây dựng quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP với thương hiệu chung “nông sản 14/10”. Không chỉ tích cực tham gia các hội chợ, Hội còn lập trang facebook, zalo và mở cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm ngay tại trụ sở Hội. Nhờ đó giúp nhiều hội viên tăng doanh thu từ việc bán hàng, kết nối được một số hội, ngành, HTX, đối tác khách hàng để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Theo ông Bùi Văn Khái – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất chế biến thủy hải sản số 6 (xã Nam Cường): Công ty hiện có một sản phẩm OCOP 3 sao “nước mắm Tiền Châu”. Khi tham gia vào Hội OCOP huyện Tiền Hải, Công ty cũng được anh em hội viên giúp đỡ kết nối tới các đơn vị, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ bán hàng qua các kênh bán hàng điện tử; tham gia quảng bá, bày bán các sản phẩm tại các hội chợ. Nhờ đó, giúp Công ty tiếp cận, mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng doanh số bán hàng so với trước đây.
Ông Ngô Văn Duẩn, Chủ tịch Hội OCOP huyện Tiền Hải cho biết: Hiện nay, Hội có 27 thành viên với 42 sản phẩm OCOP. Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các hội viên, ngay từ đầu năm, Hội đã xây dựng kế hoạch, chương trình để giới thiệu các sản phẩm OCOP của hội viên tham gia trong những chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ; khai trương sàn thương mại điện tử bán các sản phẩm cho hội viên trên các kênh mạng xã hội. Qua các kênh bán hàng này thì sản phẩm OCOP của các hội đã tiêu thụ nhanh chóng, được khách hàng ở nhiều nơi lựa chọn tin dùng.
Năm 2024, Toàn tỉnh Thái Bình hiện có 183 sản phẩm OCOP với 48 sản phẩm đạt 4 sao, 135 sản phẩm đạt 3 sao. Nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP, tỉnh Thái Bình sẽ củng cố và nâng cấp sản phẩm OCOP đã được đánh giá và xếp hạng. Trong đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, định hướng các chủ thể OCOP tham gia vào kênh bán hàng hiện đại như: hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử; tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm các sản phẩm OCOP
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn