Ngày 3.10, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết ông Lê Hữu Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu UBND TP.Nha Trang phối hợp với Sở Xây dựng khẩn trương thuê đơn vị tư vấn độc lập để thực hiện thẩm tra đánh giá lại kết quả thẩm định chợ Đầm tròn.
Trước đó, vào tháng 9.2022, Trung tâm Quản lý kỹ thuật và Kiểm định xây dựng thuộc Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) đã đưa ra đánh giá mức độ nguy hiểm của kết cấu công trình chợ Đầm tròn là “cấp C”, do đó kiến nghị xem xét, chỉ đạo xử lý công trình theo quy định về quản lý chất lượng công trình, không tiếp tục sử dụng để đảm bảo an toàn tính mạng cho người và tài sản.
Tuy nhiên, đánh giá này đã vấp phải sự phản ứng của các tiểu thương cũng như Hội Tri thức tỉnh Khánh Hòa. Họ cho rằng công trình chợ Đầm tròn còn khá tốt, được xây dựng khoảng 50 năm nay trong khi các chợ khác còn lâu đời hơn như chợ Bến Thành (TP.HCM), chợ Đà Lạt (Lâm Đồng), chợ Đồng Xuân (Hà Nội)… hiện vẫn còn hoạt động, nên không thể cho rằng công trình chợ Đầm tròn xuống cấp.
Tại buổi đối thoại nói trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu UBND TP.Nha Trang xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch xử lý tài sản, hàng hóa bên trong chợ Đầm tròn đúng quy định, đảm bảo khách quan, minh bạch, chính xác; tiếp nhận các hồ sơ của các hộ tiểu thương theo quy định để giải quyết dứt điểm vụ việc. Đồng thời, yêu cầu UBND TP.Nha Trang phối hợp với Sở Xây dựng khẩn trương thuê đơn vị tư vấn độc lập để thực hiện thẩm tra đánh giá lại kết quả thẩm định chợ Đầm tròn.
Chợ Đầm tròn Nha Trang được xây dựng vào những năm 1970. Khu chợ này đã gắn bó với nhiều thế hệ người dân TP.Nha Trang. Nơi đây không chỉ phục vụ mua sắm mà còn là điểm du lịch nổi tiếng tại phố biển.
Năm 2013, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Sông Đà – Nha Trang thực hiện dự án xây chợ Đầm mới. Khu chợ Đầm mới quy mô 3 tầng, tổng diện tích hơn 21.000 m2 đã hoàn thành năm 2016.
Tháng 3.2021, UBND TP.Nha Trang có văn bản thông báo sẽ đóng cửa chợ Đầm tròn cũ, thực hiện di dời các hộ kinh doanh sang khu chợ Đầm mới (nằm sát chợ cũ). Nhưng nhiều tiểu thương phản đối, quyết bám trụ ở chợ cũ, vì vậy chính quyền đã cho cưỡng chế, đóng cửa chợ Đầm tròn cho tới nay.
Từ đây, rắc rối bắt đầu nảy sinh. Nhiều tiểu thương bức xúc, họ tiếp tục kiến nghị tỉnh giữ lại chợ Đầm tròn cũ vì cho rằng chợ mới bố trí các sạp hàng không hợp lý và chính quyền chưa giải quyết quyền lợi chính đáng của họ. Tiểu thương chợ Đầm đã nhiều lần bãi thị, tập trung khiếu nại. Thậm chí một số còn kiện UBND TP.Nha Trang ra tòa về việc chỉ đạo cắt điện toàn bộ chợ Đầm tròn trong khi tiểu thương chợ này đang kinh doanh.
Tiểu thương cho rằng phá bỏ chợ Đầm tròn là một sự lãng phí, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Báo cáo kiểm định chất lượng công trình chợ Đầm tròn vào tháng 9.2022 cũng chưa chính xác, thiếu tính pháp lý. Vì vậy đề nghị tỉnh nên giữ lại công trình chợ Đầm tròn, chỉnh trang sửa chữa, nâng cấp, liên thông với chợ mới để tiểu thương chợ Đầm được ổn định kinh doanh.
Tháng 7.2023, Ban thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã có văn bản đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xem xét, quyết định việc phá dỡ công trình chợ Đầm tròn Nha Trang theo thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn công trình. Trong đó lưu ý, chợ Đầm tròn Nha Trang là công trình có kiến trúc độc đáo, mang dấu ấn lịch sử – văn hóa của thành phố Nha Trang – Khánh Hòa. Do đó, cần tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trước khi quyết định việc phá dỡ; đồng thời, cần gắn với việc đẩy nhanh tiến độ giải quyết dứt điểm các nội dung khiếu nại, tố cáo của tiểu thương chợ Đầm theo đúng quy định của pháp luật.
Nguồn: thanhnien.vn