Tuesday, November 26, 2024

Hạt cát nhỏ lấp lánh

Tôi biết tác giả Thanh Cầm qua một nhóm những người yêu văn chương và rất ấn tượng với những truyện ngắn em viết cho thiếu nhi. Ngôn từ đẹp, cách xây dựng nhân vật gần gũi và nội dung luôn mang những thông điệp giàu ý nghĩa nhân văn.

Tên thật của em là Nguyễn Thị Thư, sinh năm 1993 tại Sóc Sơn, Hà Nội, trong một gia đình làm nông. Để nuôi các con ăn học, bố mẹ Thư đã phải rất cố gắng làm thêm đủ thứ việc từ nhẹ nhàng đến nặng nhọc.
Hạt cát nhỏ lấp lánh

Những việc làm tuy nhỏ nhưng đôi khi đem lại niềm vui rất lớn cho cả mình và người khác

Ảnh: TGCC

Thương cha mẹ vất vả nên lúc đi học ở Hà Nội, Thư sinh hoạt rất tiết kiệm, mỗi tháng chỉ dám chi tiêu vài ba trăm ngàn. Còn lương thực, thực phẩm thì đem từ quê lên cho đỡ tốn kém.

Tuy cuộc sống phải tính toán căn cơ như vậy nhưng hễ có cơ hội là Thư lại làm từ thiện. Thư nói: niềm vui lớn nhất của em khi trở thành sinh viên là được khoác trên mình màu áo xanh tình nguyện. Em đã kết nối được với rất nhiều bạn bè cùng chí hướng. Nhóm của các em hoạt động khá thường xuyên. Những việc làm tuy nhỏ nhưng đôi khi đem lại niềm vui rất lớn cho cả mình và người khác. Ví như việc tự làm chong chóng bán để gây quỹ giúp đỡ cho một vài bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn ở Bệnh viện nhi Trung ương. Thư nghĩ ra việc “gieo duyên” bằng cách đặt một lọ nhựa đựng tiền lẻ ở nơi bán hàng. Người nào nhìn thấy sẽ tự động bỏ vào đó vài ba ngàn. Như vậy những ai có tâm, dù nghèo, cũng có cơ hội được góp một chút công đức.

Nhóm của Thư còn tổ chức thường niên, mỗi năm một lần quyên góp để nấu cơm phở cho Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ em khuyết tật Thụy An. Công việc đó vẫn được duy trì đến nay đã gần 10 năm rồi.

Nhưng sẽ không có gì đáng nói nếu mọi chuyện cứ êm đềm như thế. Năm Thư 23 tuổi, khi vừa tốt nghiệp và đi làm chưa bao lâu thì em được phát hiện mắc chứng phình mạch não bẩm sinh (có 2 mạch bị phình). Bệnh đã ở giai đoạn muộn, không thể phẫu thuật, chỉ có thể can thiệp bằng cách nút mạch với chi phí cao mà tỷ lệ thành công là 50%. Trường hợp thành công thì di chứng để lại cũng rất nặng nề: hoặc liệt nửa người, hoặc mù lòa hoặc cũng có thể những năm tháng sau này phải sống đời sống thực vật.

Tình huống này đặt người thân của em trước một sự lựa chọn khó khăn: hoặc còn nước còn tát, hoặc là cứ thế đợi đến một lúc nào đó mạch vỡ và điều xấu nhất sẽ xảy ra… Cuối cùng, mẹ Thư sau bao nhiêu đấu tranh đã quyết định chọn cách “tát nước”.

Nhưng khi nút thành công một mạch não phình thì mạch còn lại đột nhiên vỡ, bắt buộc phải phẫu thuật trong tình thế bị động. Sau đó, Thư rơi vào trạng thái hôn mê và không thể dự đoán được kết quả tốt xấu thế nào.

Hạt cát nhỏ lấp lánh

Học trò của em là những bạn nhỏ trong làng, đến lớp như đến một sân chơi lành mạnh để tạm rời xa điện thoại và các trò chơi công nghệ

ẢNH: TGCC

May mắn thay, vài ngày sau Thư tỉnh lại nhưng liệt nửa người bên phải, khuôn mặt biến dạng và nói năng không rõ lời. Đó là một điều thật khó chấp nhận nhưng nhờ sự động viên của mẹ, em tạm nguôi ngoai.

Mẹ nhắc em niệm Phật mỗi ngày. Không phải mê tín, chỉ là tìm một đức tin để nương vào khi tâm hồn đang bị hoang mang mất phương hướng mà thôi.

Dần dần Thư cũng bình tâm trở lại, em nghĩ: ít ra thì mình vẫn “còn sống”, còn sống nghĩa là còn hy vọng. Em chấp nhận hiện thực, coi những ngày tháng đã qua là “bản nháp cuộc đời”. Em bỏ bản nháp sang một bên và bắt đầu viết những trang mới. Nghe có vẻ đơn giản nhưng “viết lại” đâu dễ. Giống như một đứa trẻ sơ sinh, tập ăn, tập nói, tập ngồi…, nhưng khác những đứa trẻ ở chỗ, quá trình tập luyện ấy đau đớn vô cùng.

Và như có một phép màu (thực ra thì phép màu không tự nhiên mà có), sức khỏe Thư đã dần hồi phục gần như bình thường. Tâm em cũng đã chuyển khi nhận ra rằng trước kia mình từng sống quá vội, ham muốn nhiều thứ và luôn chạy đua với nó. Biến cố lần này giống như một chiếc phanh, giúp em sống chậm lại để cảm nhận rõ ràng hơn những hạnh phúc bình dị ở quanh mình.

Đức Phật chỉ ra những pháp tu chứ không phải là một đấng toàn năng có thể biến cải số phận cho ai đó. Con người muốn hạnh phúc thì phải tự chọn lấy con đường đúng nhất với mình, thay đổi cách nghĩ, cách nhìn nhận vấn đề chứ không phải cứ mãi bận lòng về những điều đã xảy ra.

Hành thiện tĩnh lặng và sâu sắc hơn

Con đường Thư chọn là con đường hành thiện. Thực ra thì vẫn là con đường cũ nhưng nay em đi với một tâm thế khác, tĩnh lặng và sâu sắc hơn.

Hạt cát nhỏ lấp lánh

Nếu chỉ nhìn thấy Thư nhẹ nhàng trong màu áo lam, gương mặt thánh thiện và đôi mắt trong veo như trẻ thơ, có lẽ không ai hình dung ra những gì em đã trải qua

ẢNH: TGCC

Năm 2018, thấy giảng đường của ngôi chùa quê mới xây lại, rộng rãi mà chưa có hoạt động nào thiết thực, Thư xin phép thầy trụ trì mở một lớp học cho trẻ em vào mỗi chủ nhật hàng tuần. Được thầy đồng ý cùng với sự hướng dẫn, tư vấn của quý thầy giảng sư ở thiền viện Sùng Phúc, Thư đã thành lập lớp học “Kiến Con”.

Học trò của em là những bạn nhỏ trong làng, đến lớp như đến một sân chơi lành mạnh để tạm rời xa điện thoại và các trò chơi công nghệ. Các bé rất thích thú với cách giảng bài của “cô giáo Thư”. Nó rất lôi cuốn, dễ hiểu, dễ nhớ, truyền tải những thông điệp đẹp một cách nhẹ nhàng, tự nhiên.

Thư dạy các em nhỏ biết lễ phép, biết giúp đỡ mọi người, biết bảo vệ môi trường “biến rác thành hoa”, tức là gom nhặt những thứ rác còn tái chế được, bán gây quỹ từ thiện.

Vài tháng một lần, Thư tổ chức lễ “rửa chân cho mẹ” để các bé được thực hành đạo hiếu. Thi thoảng em phát động phong trào tự làm những đồ chơi đơn giản để bán góp thêm cho quỹ. Các em nhỏ rất vui với công việc đó.

Cuối năm 2022, Thư mở thêm một lớp ở Bắc Giang nhưng được một thời gian ngắn sư thầy lại muốn gửi em đến TP.HCM để đi học nên cả hai lớp chính thức dừng hoạt động.

Ở TP.HCM, Thư học được cách làm nến từ những nguyên liệu tự nhiên để cúng dường cho các chùa. Công việc này yêu cầu phải rất cẩn trọng, trang nghiêm trong từng cử chỉ. Thư cho rằng đấy cũng là một cách thực hành chánh niệm, giúp con người ta tập trung, an trú trong hiện tại, không bị mệt mỏi vì những suy nghĩ lung tung. Nếu như chính mình bị sụp đổ vì những ý niệm tiêu cực đó thì đâu có thể giúp gì được cho ai.

Đến nay, sau gần chục năm, Thư khá tinh tấn trên con đường tu học. Bệnh tật ngày một ổn định hơn chưa gặp biến chứng nào nặng nề như lời cảnh báo của bác sĩ.

Gần đây, Thư hay xuất hiện trên mạng xã hội, khi thì đăng bài bán hàng gây quỹ, lúc phát động phong trào thu gom vỏ hộp sữa để tái chế trong chương trình “bớt một cọng rác, thêm một mầm xanh”. Lúc lại thấy em gom pin cũ để gửi đi xử lý độc hại trước khi thải ra môi trường. Cũng có lúc em kêu gọi cộng đồng mạng chung tay giúp đỡ ai đó đang gặp hoạn nạn. Gần đây nhất là gây quỹ phẫu thuật tim cho em Đinh Quang Bình ở thôn Hiển Lễ, Cao Minh, Phúc Yên, Vĩnh Phúc.

Nếu chỉ nhìn thấy Thư nhẹ nhàng trong màu áo lam, gương mặt thánh thiện và đôi mắt trong veo như trẻ thơ, có lẽ không ai hình dung ra những gì em đã trải qua. Cũng thật khó tin một cô gái trẻ lại có thể làm được nhiều điều như thế.

Khi tôi đặt vấn đề muốn viết về em, Thư nói rằng: “Thực ra không phải là em có nghị lực phi thường gì đâu. Những việc em làm đơn giản chỉ vì biết ơn cuộc đời đã cho em còn được sống. Em tự nhận thấy mình chỉ là một hạt cát nhỏ bé thôi…”.

Đúng, tôi cũng nghĩ vậy, em chỉ là hạt cát. Nhưng đó là hạt cát biết lấp lánh tự thân, càng lấp lánh hơn khi được chiếu rọi bởi ánh sáng của những điều tốt đẹp. Và tôi cũng tin rằng, dưới vầng dương quang minh có rất nhiều những hạt cát lấp lánh như thế.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img