Các đối thủ trong khu vực tăng cường mạnh mẽ lực lượng bằng nguồn cầu thủ nhập tịch trong vài năm gần đây, đặt ra thách thức rất lớn cho bóng đá VN.
Nhập tịch ngoại binh từng là xu thế sớm xuất hiện trong quá trình phát triển của bóng đá châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. “Thế hệ vàng” một thời của bóng đá VN với những Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Đỗ Khải… hẳn vẫn còn nhớ chân sút đáng gờm nhất khu vực lúc bấy giờ: Natipong Sritong-In (còn có tên Tây là Alfred). Natipong sinh tại Bangkok (Thái Lan), học bóng đá tại Pháp và có bà nội là người VN. Trong 25 bàn thắng sau 55 trận cho đội tuyển Thái Lan, tiền đạo sinh năm 1972 có 6 bàn thắng vào lưới đội tuyển VN, mà điểm nhấn phải kể đến cú đúp trong trận chung kết giúp “Voi chiến” đoạt HCV SEA Games Chiang Mai 1995 và cú đúp khiến chúng ta dừng chân tại bán kết Tiger Cup 1996. Có thể nói, Natipong là khắc tinh lớn nhất của hàng phòng ngự VN tại các giải cấp khu vực.
Bóng đá Thái Lan sau đó tiếp tục đẩy mạnh chính sách sử dụng cầu thủ nhập tịch với Jamie Wawite (sinh năm 1986) ra mắt năm 2002; Charyl Chappuis (1992) năm 2014; Tristan Do (1993), Mika Chunuonsee (1989) năm 2015; Manuel Bihr (1994), Kevin Deeromram (1997) ra mắt năm 2017; Elias Dolah (1993) ra mắt năm 2019; Ernesto Amantegui Phumipha (1990) ra mắt năm 2021… Mới đây, tại giải giao hữu quốc tế trên sân Mỹ Đình hồi tháng 9 vừa qua, “Voi chiến” đã ra mắt thêm chân sút Patrick Gustavsson (sinh năm 2002) bên cạnh Nicholas Mickelson (1999), Elias Dolah (1993), Jonathan Khemdee (2002), William Weideersjo (2001)… Những cầu thủ có một phần dòng máu nước ngoài này đã góp công không nhỏ giúp bóng đá Thái Lan lấy lại vị thế dẫn đầu Đông Nam Á của thầy trò HLV Park Hang-seo, qua cú đúp vô địch AFF Cup 2020, 2022.
CƠN BÃO NHẬP TỊCH CHƯA TỪNG CÓ CỦA INDONESIA
Bóng đá Indonesia đang “phất” mạnh cũng nhờ vào cơn “bão” nhập tịch chưa từng có, dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) tỉ phú Erick Thohir cùng sự hỗ trợ đặc biệt của Chính phủ Indonesia. Đội bóng xứ vạn đảo đã và đang thu hút nhiều cầu thủ kiều bào chất lượng. Ngày 30.9, 2 ngôi sao Mees Hilgers (sinh năm 2001, FC Twente) và Eliano Reijnders (sinh năm 2000, PEC Zwolle) đã trở thành công dân Indonesia. Họ được đặc cách làm lễ tuyên thệ ở TP.Brussels (Bỉ) thay vì phải bay sang Indonesia như trước đây, với thời gian làm thủ tục kỷ lục chỉ 1 tháng. Cả 2 cầu thủ này, một trung vệ từng cầm hòa M.U 1-1 tại Europa League 2024 – 2025, một tiền vệ công là em trai của ngôi sao Tijjani Reijnders của đội tuyển Hà Lan và CLB AC Milan đều có gốc gác Indonesia. Trước đó, có không ít ngôi sao Indonesia kiều được tạo điều kiện nhập tịch ngay trong đêm, tại sân bay ở Indonesia để kịp bay về thi đấu cho CLB châu Âu.
Mees Hilgers (có giá trị chuyển nhượng 7 triệu euro – khoảng 192 tỉ đồng, đắt nhất Đông Nam Á) và Eliano Reijnders (giá trị chuyển nhượng 650.000 euro) giúp kéo dài bản danh sách ngoại binh nhập tịch hùng hậu nhất Đông Nam Á và có lẽ cả châu Á của bóng đá Indonesia. Đội tuyển nước này có đủ đội hình toàn Tây với Maarten Paes (Dallas FC, Mỹ), Jay Idzes (Venezia, Ý), Justin Hubner (Wolves, Anh), Nathan Tjoe-A-On (Swansea, Anh), Thom Haye (Almere City, Hà Lan), Ragnar Oratmangoen (Fortuna Sittard, Hà Lan), Ivar Jenner (Utrecht, Hà Lan), Rafael Struick (Brisbane Roar, Úc), Jordi Amat (Johor Darul Ta’zim, Malaysia), Elkan Baggott (One Blackpool, Anh), Marc Klok (Persib Bandung, Indonesia)… Ngoài giấc mơ World Cup cho đội 1, Indonesia đang mạnh mẽ nhập tịch cho các đội tuyển U.20, U.23 Indonesia để nhắm đến sân chơi Olympic, làm lực lượng kế thừa lâu dài cho tương lai.
SỐNG CHUNG VÀ VẬN DỤNG XU HƯỚNG CHUNG
Làn sóng nhập tịch cầu thủ của Thái Lan và Indonesia đặt ra những thách thức rất lớn cho bóng đá VN không chỉ ở các giải đấu khu vực mà còn ở sân chơi lớn hơn như Asian Cup hay vòng loại World Cup. Nhìn ra xung quanh, Trung Quốc và Malaysia, Singapore cũng từng bỏ ra rất nhiều tiền để nhập tịch cho các “anh Tây”. Điều này từng giúp Singapore thống trị Đông Nam Á với 3 chức vô địch AFF Cup 2004, 2007 và 2012 nhưng rồi sau đó suy yếu dần đến nay. Nhiều cầu thủ được nhập tịch Trung Quốc, Singapore đã bị “lệch pha” văn hóa, thậm chí thiếu khát vọng cống hiến khiến dư luận và CĐV ở 2 nước này phản ứng mạnh mẽ. Đó cũng là lý do khiến Indonesia sau giai đoạn đầu “săn Tây” đã bỏ cách làm này để chuyển hướng triệt để khai thác nguồn kiều bào từ châu Âu.
Trong quá trình phát triển của mình, bóng đá VN từng mở cửa cho những ngoại binh nhập tịch, như thủ môn Phan Văn Santos, tiền đạo Huỳnh Kesley ra sân trong màu áo đội tuyển VN. Nhưng vì một số lý do mà xu hướng gọi cầu thủ nhập tịch vào đội tuyển VN đã phải dừng lại. Bóng đá VN lúc này có Nguyễn Xuân Son (tên cũ là Rafaelson, gốc Brazil) đã nhập tịch VN thành công. Cầu thủ rất tài năng này đang chờ đủ 5 năm ở VN để có cơ hội được HLV Kim Sang-sik gọi lên đội tuyển VN. Nhưng đó là câu chuyện của thì tương lai.
Đội tuyển VN hiện có Đặng Văn Lâm, Nguyễn Filip là những cầu thủ mang một nửa dòng máu Việt được ăn tập ở châu Âu, trước đó có Mạc Hồng Quân bên cạnh Patrick Lê Giang chờ cấp quốc tịch VN. Điều này cho thấy tiềm năng nguồn cầu thủ Việt kiều chơi bóng ở nước ngoài là có, nhưng sẽ cần thời gian và chiến lược đồng bộ như Indonesia để khai thác hiệu quả.
Nguồn: thanhnien.vn