Saturday, December 21, 2024

Giữ khoảng cách đủ gần nhưng không quá xa với học sinh

Giáo viên cần xác định rõ vị trí của bản thân và giữ khoảng cách ‘đủ gần nhưng không quá xa’ để tạo động lực học tập và giáo dục học sinh một cách hiệu quả nhất.

Đề cập vấn đề giáo dục giới tính trong trường học, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho hay học sinh (HS) thời nay quá dễ dàng tiếp cận với những cuốn sách, bộ phim về giới tính. Vì vậy, nhà trường và gia đình cũng phải nhìn thẳng vào thực tế để hiểu, đồng hành và có sự giáo dục định hướng cho HS một cách phù hợp. Tùy vào lứa tuổi cũng như điều kiện thực tế, mỗi trường học đều có cách giáo dục kỹ năng sống về chủ đề này cho HS.
Giữ khoảng cách đủ gần nhưng không quá xa với học sinh

Sự thân thiện giúp học sinh cảm thấy thoải mái hơn trong giao tiếp và học tập, nhưng giáo viên cần có những kỹ năng sư phạm và giao tiếp phù hợp

ẢNH: THANH LÊ

Theo ông Phú, các bài học về giáo dục giới tính, cư xử giao tiếp chuẩn mực cần phải được thực hiện một cách khách quan, thẳng thắn để HS hiểu rõ đúng, sai. Mối quan hệ thầy trò rất quan trọng mang lại hiệu quả cho giáo dục trên tinh thần lắng nghe và tôn trọng. Giáo viên (GV) lưu ý không dùng lời lẽ, hành vi thô tục, phản cảm giao tiếp với HS. Giữa HS và GV phải có khoảng cách nhất định thể hiện tính chuẩn mực, văn minh. Sâu xa hơn đó còn là đạo lý bởi nghề giáo là nghề “thước ngọc khuôn vàng” nên lời nói và hành vi cần sự chuẩn mực.

Đặc biệt theo ông Phú, ở trường THPT thường xuyên có giáo sinh thực tập, tuổi đời không chênh lệch nhiều so với HS, lại cùng là tuổi trẻ nên càng phải ý thức, giữ gìn sự chuẩn mực.

Tương tự, ông Nguyễn Quang Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho biết giáo dục giới tính hay hướng dẫn giao tiếp ứng xử trong môi trường học đường là hoạt động thường xuyên được nhà trường tổ chức. Các quy tắc ứng xử hành vi giữa HS và GV đều được quy định trong nội quy.

Ông Đạt cũng nhìn nhận khoảng cách độ tuổi giữa HS với GV mới ra trường không xa trong khi HS THPT hiện nay dậy thì sớm, tiếp xúc nhiều trên không gian mạng và có sự phát triển như người trưởng thành. Cho nên giữa GV và HS cần có khoảng cách.

Là một GV trẻ, thạc sĩ Phạm Lê Thanh, Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM), cho rằng trong thời đại hiện nay, sự tương tác giữa GV và HS ngày càng được coi trọng. Tuy nhiên, người thầy chỉ nên đóng vai trò là “người bạn lớn” của HS, cần xác định rõ vị trí của bản thân và giữ khoảng cách “đủ gần nhưng không quá xa” để tạo động lực học tập và giáo dục HS một cách hiệu quả nhất.

Giữ khoảng cách đủ gần nhưng không quá xa với học sinh

Trong thời đại hiện nay, sự tương tác giữa giáo viên và học sinh ngày càng được coi trọng

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Khi làm việc với HS, việc xây dựng một mối quan hệ thân thiện là vô cùng quan trọng. Mỗi thầy cô giáo có một phong cách dạy học khác nhau, nhưng cảm xúc luôn là sợi dây kết nối kỳ diệu giữa thầy và trò. Trong giờ lên lớp, các thầy cô cần chú ý đến cảm xúc của HS đối với bài giảng, nhưng điều cốt lõi vẫn là giúp các em dễ dàng tiếp thu kiến thức.

Thầy cô cần gần gũi và chia sẻ với HS để hiểu các em hơn, đồng thời cố gắng kiểm soát những cơn nóng giận và chuyển hóa nó thành những phản ứng tích cực có lợi. “Sự thân thiện giúp HS cảm thấy thoải mái hơn trong giao tiếp và học tập. Tuy nhiên, GV cần có những kỹ năng sư phạm và giao tiếp phù hợp với HS. Thân thiện nhưng không nên quá thân mật, bởi điều này có thể dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc. Người thầy cần thể hiện sự mô phạm trong ứng xử sư phạm, bắt đầu từ việc tôn trọng giới tính của nhau, xác định giới hạn trong tiếp xúc và ứng xử văn minh”, thầy Thanh nói.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img