Luật sư đề nghị HĐXX xem xét loại trừ 545 triệu USD được 5 pháp nhân nước ngoài chuyển về mua cổ phần của SCB, sau đó hòa vào dòng tiền của SCB và bị cáo Lan đang bị quy buộc vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Đây là giai đoạn 2 của vụ án sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Giai đoạn 1 của vụ án đã được TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm hồi tháng 4.2024, và tòa tuyên bị cáo Lan án tử hình vì chiếm đoạt của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hơn 677.000 tỉ đồng. Vụ án giai đoạn 1 đang chờ xét xử phúc thẩm.
Ngày thứ 12 xét xử giai đoạn 2, phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư đối với các bị cáo, sau khi Viện kiểm sát luận tội và đề nghị mức án. Trước đó, ngày 4.10, đại diện Viện KSND TP.HCM đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Lan tù chung thân ở 3 tội danh trên, và bồi thường toàn bộ thiệt hại hơn 30.869 tỉ đồng; 33 bị cáo đồng phạm bị Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên từ 2 năm tù đến 27 năm tù.
Bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan, các luật sư đề nghị HĐXX xem xét loại trừ 545 triệu USD được 5 pháp nhân nước ngoài chuyển về mua cổ phần của SCB, sau đó hòa vào dòng tiền của SCB và Trương Mỹ Lan đang bị quy buộc vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Theo luật sư, hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới về bản chất là xuất phát từ các khoản tiền vay và thanh toán cho các đối tác nước ngoài thông qua tài khoản của SCB.
Bào chữa cho bị cáo Trương Huệ Vân (cháu ruột bị cáo Trương Mỹ Lan), luật sư cho rằng Viện kiểm sát đề nghị mức án từ 6 – 7 năm tù đối với Huệ Vân là thể hiện sự nhân văn. Nhưng ngoài vụ án này, bị cáo còn đối diện với mức án rất nghiêm khắc 17 năm tù ở giai đoạn 1, nên mong tòa xem xét bối cảnh phạm tội, vai trò để xem xét cho bị cáo Huệ Vân mức án khoan hồng hơn.
Bào chữa cho bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Trương Mỹ Lan), luật sư cũng cho rằng Viện kiểm sát đã đề nghị mức án nhân văn với thân chủ (2 năm – 2 năm 6 tháng tù). Nhưng luật sư xin tòa xem xét bối cảnh, điều kiện và các tình tiết giảm nhẹ để miễn hình phạt cho thân chủ về cáo buộc giúp sức cho vợ rửa tiền 33 tỉ đồng (có nguồn gốc phạm tội mà có, thông qua việc sử dụng thẻ tín dụng của SCB).
Theo luật sư, bị cáo Chu Lập Cơ không tham gia bất cứ giao dịch nào nhằm mục đích che giấu dòng tiền. Bản thân bị cáo là một thương nhân, việc sử dụng thẻ tín dụng với mức chi tiêu hơn 10 tỉ đồng mỗi thẻ là bình thường. Hơn nữa, do quá bận rộn với công việc, lịch trình di chuyển nhiều nơi, nên các thẻ tín dụng của bị cáo Cơ cũng như các thành viên khác trong gia đình đều được giao cho nhân viên quản lý, vợ bị cáo nộp tiền khi đến hạn. Do đó, bị cáo Cơ không có điều kiện để biết số tiền do vợ nộp vào thẻ tín dụng có nguồn gốc từ tiền phạm tội, bởi bản thân bị cáo hoàn toàn có đủ điều kiện để thực hiện các nghĩa vụ chi trả đó. Hiện, bị cáo đã khắc phục toàn bộ hậu quả.
Bào chữa cho bị cáo Hồ Bửu Phương (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP chứng khoán Tân Việt – TVSI, cựu Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), bị Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt từ 10 – 11 năm tù vì giúp sức tích cực cho bị cáo Lan lừa đảo chiếm đoạt tiền trái phiếu của người bị hại, luật sư đề nghị HĐXX xem xét bị cáo Phương đã nhận thức được sai phạm; tích cực hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng để làm rõ, sáng tỏ vụ án; là người làm công hưởng lương, không hưởng lợi… Hơn nữa, giai đoạn 1 của vụ án, bị cáo Phương đã bị tuyên phạt 20 năm tù, vì vậy, mong được mức án thấp hơn Viện kiểm sát đề nghị để bị cáo có cơ hội sửa chữa, khắc phục sai lầm.
Luật sư đang tiếp tục bào chữa cho các bị cáo.
Nguồn: thanhnien.vn