Để thu hút tài xế trong những ngày đầu, Anthony Tan đã đi khắp Đông Nam Á và cố gắng thuyết phục các tài xế taxi chạy thử Grab.
Ở thời điểm hiện tại, ông là nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Grab, gã khổng lồ trong lĩnh vực xe công nghệ. Sau khi niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ vào tháng 12/2021, Grab đem về doanh thu hơn 2 tỷ đô năm 2023, theo số liệu từ CNBC. Ngoài dịch vụ gọi xe, Grab còn cung cấp dịch vụ giao đồ ăn, vận chuyển hàng hóa cùng các dịch vụ tài chính như thanh toán, cho vay và ngân hàng kỹ thuật số. Tính đến năm 2023, Grab đã phục vụ hơn 35 triệu lượt khách và cung cấp 13 triệu việc làm tại 8 quốc gia Đông Nam Á.
Bắt đầu khởi nghiệp
Tan gặp Hooi Ling Tan, người đồng sáng lập Grab, trong thời gian học tại Harvard Business School. Một ngày trong năm 2011, họ trò chuyện về hệ thống taxi của Malaysia, nhận xét rằng hệ thống không an toàn, đặc biệt đối với phụ nữ. Vậy nên cả hai nghĩ đến ý tưởng về Grab. Họ soạn thảo kế hoạch kinh doanh, gửi đến cuộc thi khởi nghiệp tại Harvard và giành được giải thưởng 25.000 đô. Đây chính là số vốn ban đầu của Grab.
Từ 25.000 đô, đến hiện nay Grab có vốn hóa thị trường hơn 14 tỷ đô. Thế nhưng hành trình khởi nghiệp với Grab không hề dễ dàng.
Ông từng trình bày ý tưởng về Grab với ba mình nhưng không nhận được sự ủng hộ. Sau đó ông tìm đến mẹ mình, và thuyết phục bà trở thành nhà đầu tư cá nhân cho Grab. Ông dùng tiền từ cuộc thi khởi nghiệp, tiền vốn đầu tư của mẹ và tiền trong ngân hàng để thành lập công ty vào tháng 6/2012. Ở thời điểm đó, công ty của ông mang tên “MyTeksi”.
Làm việc 20 tiếng mỗi ngày
Những năm đầu kinh doanh không hề khả quan. Bộ đôi nhà sáng lập chỉ mới định vị bản thân sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng mới cho hệ thống taxi của Malaysia, nhưng tiền lại trở thành trở ngại lớn nhất. Nhóm của họ cũng gặp khó khăn trong việc thu hút tài xế về chạy cho họ vì không đủ kinh phí.
Cái khó ló cái khôn. Để thu hút tài xế trong những ngày đầu, Tan đã đi khắp Đông Nam Á và cố gắng thuyết phục các tài xế taxi chạy thử Grab. Ông để ý rằng trước khi vào ca sáng, tài xế ở TP. Hồ Chí Minh thường dừng tại trạm xăng, đổ xăng và uống cà phê quanh đó rồi mới bắt đầu ngày làm việc. Vậy nên ông dậy từ 4 giờ sáng, đi các trạm xăng, mời các tài xế uống cà phê và “gạ” họ chạy Grab.
Còn ở Manila, ông cũng áp dụng chiêu tương tự. Ông cũng nhận thấy các hãng taxi ở đây thường giao ca lúc 4 giờ sáng. Ông cũng xuất hiện ở đó lúc 4 giờ sáng, mời những người tài xế vừa tan ca vài ly bia và thuyết phục họ gia nhập Grab.
Ông chia sẻ rằng trong giai đoạn đó, mỗi tuần ông bay qua bay lại từ hai đến ba thành phố, làm việc trong 15, 18 thậm chí 20 tiếng mỗi ngày, từ Thứ Hai đến Chủ Nhật.
Thúc đẩy thị trường Đông Nam Á
Năm 2018, sau một cuộc chiến pháp lý kéo dài về thuế, Uber đồng ý bán hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á cho Grab để đổi lấy 27,5% cổ phần. Là một phần trong thỏa thuận, CEO của Uber khi đó, tức Dara Khosrowshahi, đã gia nhập ban giám đốc Grab. Thương vụ này đưa Grab trở thành dịch vụ gọi xe thống trị thị trường Đông Nam Á.
Tuy Grab phải đối mặt với những cáo buộc về độc quyền, thế nhưng không ai có thể phủ nhận một sự thật rằng Grab đã định hình lại cơ sở hạ tầng của Đông Nam Á. Họ thay đổi cách người dân địa phương sống, giúp những người “dưới đáy kim tự tháp” có thể tự kiếm tiền chỉ với một chiếc xe và một chiếc điện thoại thông minh. Thậm chí Grab cũng đưa ra một số chính sách ưu đãi để các đối tác tài xế đủ khả năng sắm điện thoại.
Khi Grab đã phát triển ổn định, Tan vẫn thường xuyên đi vi hành, thử làm tài xế Grab xe hơi, Grab giao hàng, giao đồ ăn để hiểu được những gì đang thực sự xảy ra trong quy trình làm việc hằng ngày của các đối tác tài xế, từ đó tìm ra cách tháo gỡ khó khăn. Đồng thời những trải nghiệm thực tế ấy giúp ông biết được khách hàng nhìn nhận và đánh giá các dịch vụ của họ ra sao.
Theo ông, “thấu hiểu những gì đang xảy ra” chính là chìa khóa giúp Grab khác biệt so với những dịch vụ gọi xe khác.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn