Việc bốc thăm ngẫu nhiên môn thứ 3 thi vào lớp 10, theo Bộ GD-ĐT nhằm để tránh học sinh học tủ, học lệch, tạo cơ hội công bằng giữa các môn học.
Mới đây, Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT. Theo đó, về phương thức thi tuyển lớp 10, có 3 môn thi gồm toán, ngữ văn và môn thứ 3 do Sở GD-ĐT bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn tính điểm của chương trình cấp THCS như ngoại ngữ, khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, giáo dục công dân, tin học, công nghệ.
QUY CHẾ TUYỂN SINH THCS, THPT HIỆN HÀNH CÒN NHIỀU BẤT CẬP
Từ năm 2006, Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh THCS, THPT theo Quyết định số 12/2006/QĐ-BGD-ĐT ngày 5.4.2006. Theo quy chế này, về tuyển sinh THPT có 3 phương thức: Xét tuyển, thi tuyển, kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Áp dụng quy chế này, các địa phương đã chủ động trong việc chọn phương án tuyển sinh phù hợp với tình hình thực tiễn, giảm áp lực thi cử, dạy thêm – học thêm đối với học sinh (HS) tốt nghiệp THCS.
Cần cân nhắc kỹ khi bỏ phương án thi kết hợp
Trong dự thảo Quy chế tuyển sinh THPT, Bộ GD-ĐT chỉ giữ lại 2 phương án là xét tuyển và thi tuyển, không còn phương án kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển như trước đây. Theo các chuyên gia giáo dục, kết hợp cũng là một phương án hay, vì nó kết hợp giữa đánh giá quá trình (điểm học bạ) và đánh giá tại một thời điểm. Vì vậy Bộ GD-ĐT cũng cần cân nhắc kỹ khi bỏ phương án kết hợp.
Trong đó, về xét tuyển, điểm xét tuyển bao gồm tổng số điểm tính theo kết quả rèn luyện, học tập 4 năm học ở THCS và điểm cộng thêm cho đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên, điểm khuyến khích.
Về thi tuyển, có 3 môn thi viết, gồm toán, ngữ văn và môn thứ 3 được chọn trong số những môn học còn lại của chương trình THCS. Giám đốc sở GD-ĐT chọn và công bố môn thi thứ 3 sớm nhất 15 ngày trước ngày kết thúc năm học.
Về kết hợp thi tuyển và xét tuyển, có 2 môn thi là toán và ngữ văn, được tính thang điểm 10 cho mỗi môn, sau đó nhân hệ số 2, kết hợp với điểm học tập, hạnh kiểm của 4 năm THCS, điểm ưu tiên, khuyến khích.
Qua gần 20 năm thực hiện quy chế tuyển sinh năm 2006 cho thấy, mỗi phương án tuyển sinh có những ưu – nhược điểm khác nhau. Phương án xét tuyển giảm áp lực thi cử, nhưng dẫn tới HS giảm động lực học tập và nảy sinh tiêu cực trong dạy và học. Vì vậy, sau nhiều năm áp dụng xét tuyển, nhiều địa phương đã trở lại thi tuyển để nâng cao chất lượng giáo dục THCS. Phương án thi tuyển có ưu điểm là tạo động lực học tập cho HS, giảm tiêu cực trong kiểm tra đánh giá. Tuy nhiên, đa số địa phương chọn môn thi thứ ba là ngoại ngữ, dẫn đến tình trạng HS học tủ, học lệch. Và dẫn đến việc dạy thêm, học thêm 3 môn thi từ năm lớp 6.
Phương án kết hợp thi tuyển và xét tuyển có ưu điểm vừa kết hợp đánh giá tại thời điểm và đánh giá quá trình. Tuy nhiên, cũng dẫn đến tình trạng tập trung cho 2 môn toán, ngữ văn và một số nơi tiêu cực trong đánh giá HS.
HƯỚNG ĐẾN GIÁO DỤC TOÀN DIỆN
Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 với mục tiêu trọng tâm là phát triển phẩm chất và năng lực, song song với đó là phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho từng cá nhân HS. GDPT chia làm 2 giai đoạn: giáo dục cơ bản (tiểu học và THCS) và định hướng nghề nghiệp (THPT). Mục tiêu giáo dục và sự phân chia làm 2 giai đoạn chính là hiện thực hóa mục tiêu giáo dục của Đảng, được xác định tại Nghị quyết số 29/NQ-TW, đó là: “Bảo đảm cho HS có trình độ THCS (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS; THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”.
Để đạt được tri thức và kỹ năng nền tảng, phát triển phẩm chất, năng lực, ở cấp THCS HS học các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Để đạt được kiến thức và kỹ năng nền tảng, nhà trường, giáo viên và HS cần phải chú trọng đến tất cả các môn học, không coi trọng môn này và xem nhẹ môn kia. Nếu ở cấp THCS, HS lơ là một số môn học nào đó, rồi sau này lên THPT không chọn học những môn này sẽ dẫn đến tình trạng không nâng cao được chất lượng giáo dục cho giai đoạn sau phổ thông.
Việc tập trung mục tiêu giáo dục toàn diện cấp THCS là xu hướng chung của giáo dục thế giới, coi trọng và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục cơ bản. Chương trình đánh giá năng lực HS lứa tuổi 15 (PISA) cũng nhằm hướng đến mục tiêu này.
Chính vì vậy, với phương án thi tuyển, trong đó môn thứ ba do sở GD-ĐT bốc thăm ngẫu nhiên, dẫn đến các môn đều có cơ hội được chọn thi. Điều này yêu cầu các nhà trường, giáo viên và HS phải chú trọng đến nâng cao chất lượng tất cả các môn học, không coi trọng môn này mà bỏ môn kia. Như vậy, việc bốc thăm môn thi thứ ba sẽ hướng đến tính phổ thông nền tảng, toàn diện và công bằng giữa các môn học đối với cấp THCS.
VIỆC BỐC THĂM NGẪU NHIÊN CẦN THẬN TRỌNG
Tuy nhiên, việc bốc thăm môn thi thứ ba có thể dẫn đến một số khó khăn cho một số địa phương và bất lợi với môn ngoại ngữ, khi tiếng Anh được hướng tới mục tiêu là ngôn ngữ thứ hai được sử dụng trong trường học.
Trước hết, đó là do điều kiện một số địa phương thiếu đội ngũ giáo viên và thiết bị dạy học với tin học, công nghệ nên chất lượng dạy và học 2 môn này không đồng đều giữa các trường. Việc ra đề thi cho 2 môn học này rất mới nên sẽ khó khăn cho một số địa phương.
Thứ hai, ngoại ngữ (trong đó tiếng Anh là chủ yếu) không phải là môn thi cố định như trước đây, dẫn đến chất lượng dạy và học môn này bị giảm, ảnh hưởng về mục tiêu nâng cao chất lượng môn ngoại ngữ để hội nhập quốc tế.
Thứ ba, nếu bốc thăm ngẫu nhiên trúng các môn tích hợp như khoa học tự nhiên hay sử – địa, dẫn đến HS phải học tập rất nặng, vì kiến thức HS phải ôn luyện thi là 5 lĩnh vực (toán, ngữ văn, lý, hóa, sinh) hay 4 lĩnh vực (toán, ngữ văn, sử, địa).
Để hạn chế những rủi ro và bất lợi trên, trong quy chế tuyển sinh THPT, cần thiết khẳng định việc bốc thăm ngẫu nhiên môn thi thứ ba là cần thiết và phù hợp với mục tiêu đạt trình độ phổ thông nền tảng đối với HS tốt nghiệp THCS.
Tuy nhiên, không nên bắt buộc tất cả các địa phương phải bốc thăm đầy đủ 6 môn học, mà số môn đưa vào bốc thăm phải đạt 4 môn trở lên, sau 3 năm học phải đầy đủ 6 môn.
Cần khắc phục tình trạng không thi là không học hoặc thi gì học nấy đối với HS. Vì vậy, nhà trường, giáo viên và HS cũng như phụ huynh phải coi trọng các môn học như nhau, bởi vì môn học nào cũng dẫn đến sự thành công của HS, chứ không chỉ có toán, ngữ văn hay ngoại ngữ.
Đối với các môn tích hợp khoa học tự nhiên hay sử – địa, tổ chức dạy và học để nâng cao chất lượng và từng bước thay đổi quan điểm môn tích hợp là một môn học với nhiều phân môn, chẳng hạn như môn toán có đại số, hình học chứ không phải nhiều môn học trong môn tích hợp.
Nguồn: thanhnien.vn