Nhiều khi mình chẳng cần đao to búa lớn làm gì, mỗi người chỉ cần làm tốt công việc, sống tốt cuộc đời của mình, tự khắc những đóa hoa đẹp sẽ bung cánh và tỏa hương…
Ngoài những khó khăn chung do đặc thù của ngành thực phẩm, như sản phẩm có vòng đời ngắn, khó bảo quản, dễ hư hỏng… thì khi lựa chọn ngách thực phẩm hữu cơ, chị Hương còn gặp phải vô số những vấn đề khác.
Thứ nhất, do nguồn cung hạn chế nên thời gian đầu, cửa hàng của chị rất khó đa dạng hóa sản phẩm, bởi tâm lý của người đi chợ là một công đi sẽ muốn mua được nhiều thứ. Nếu chỉ bán mỗi rau, người ta lại phải đi mua thịt, mua gạo nơi khác thì khó mà duy trì được được việc kinh doanh lâu dài. Là một người nội trợ, chị Hương hiểu được nhu cầu của khách hàng. Từ đó, chị cùng các cộng sự dày công tìm tòi và kết nối với rất nhiều trang trại, nông hộ lớn, nhỏ để đưa các mặt hàng nông sản về với cửa hàng của mình. Trong quá trình hợp tác, chị Hương luôn đầu tư thời gian, công sức vào việc thăm hỏi nhà cung cấp cũng như kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu vào định kỳ và ngẫu nhiên để đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra cho khách hàng.
Thứ hai, đầu ra của thực phẩm hữu cơ khá kén khách. Đặc điểm khác của hàng hữu cơ là ngoại hình không đồng đều. Đất, nước, thiên nhiên cho sao thì nhận vậy. Có quả rất to, đẹp nhưng cũng rất thường xuyên vẹo vọ. Thời gian đầu, không ít lần chị Hương cảm thấy tủi thân vì những đánh giá gay gắt của một khách hàng về mẫu mã sản phẩm. Nhưng bên cạnh đó chị cũng nhận được nhiều lời động viên từ phía gia đình, bạn bè và cả những người lựa chọn đồng hành cùng chị. Mỗi khi nản chí, chị đều nghĩ về lý do ban đầu mình lựa chọn công việc này để lấy lại tinh thần và tiếp tục cố gắng.
Dần dần, những nỗ lực của chị Hương và các cộng sự cũng được đền đáp. Mọi người hiểu thực phẩm nhiều hơn và biết đến cửa hàng của chị nhiều hơn. Các nhà cung cấp uy tín tìm đến chị hợp tác cũng ngày một đông. Chị Hương mạnh dạn mở thêm 2 cửa hàng nữa trong địa bàn Hà Nội. Chị mong muốn ngày càng có nhiều người được tiếp xúc và trải nghiệm thực phẩm chất lượng cao vì “bạn là những gì bạn ăn”. Càng làm chị càng thấy con đường mình đang đi là đúng đắn: đúng với cá nhân, với gia đình và với xã hội.
Sau bão Yagi, các tỉnh miền Bắc từ miền biển, đồng bằng tới miền núi đều gồng mình đối mặt với hậu quả của thiên tai. Các cửa hàng của chị Hương cũng gặp không ít khó khăn khi những nhà vườn hợp tác với chị đều chịu ảnh hưởng nặng nề của bão. Rau củ, hoa màu không bay mất thì cũng dập nát, hư hỏng nhiều. Cầu gãy, đường phố ngổn ngang, ngập lụt, giao thông khắp mọi nơi đều gặp cản trở. Với những người làm cầu nối như chị, thách thức gấp đôi khi con đường vận chuyển hàng hóa từ nhà cung cấp tới cửa hàng hay từ cửa hàng tới người tiêu dùng đều ách tắc. Có những ngày, không thể gọi được dịch vụ giao hàng, chính chị Hương và nhân viên cửa hàng phải phải đội mưa chở hàng đến cho khách, chỉ vì họ cần được giúp đỡ.
Đứng trước những trở ngại ấy, chị Hương vẫn lựa chọn làm theo tiêu chí ban đầu chị đã đặt ra cho con đường kinh doanh của mình: bình ổn giá. Tất cả các mặt hàng tại cửa hàng chị đều giữ nguyên giá so với khi trước bão. “Mình kinh doanh lâu dài và đã lựa chọn thực phẩm tốt thì không có cớ gì mà đi theo hướng chộp giật cả. Bà con đang khó khăn, bảo đánh vào điểm yếu ấy để làm giàu thì mình không làm được”.
Ngoài thực hiện bình ổn giá tại các cửa hàng, chị Hương quyết định trích 50.000 đồng từ mỗi đơn hàng trong Hội chợ trăng rằm – sự kiện đón trung thu được tổ chức tại cửa hàng của mình – để ủng hộ đồng bào vùng lũ.
Không chỉ vậy, sau bão lũ, gia đình chị Hương cùng một vài người bạn trực tiếp đến tỉnh Yến Bái trao tặng gạo và một phần tiền mặt cho những gia đình chịu thiệt hại rất nặng nề tại vùng lũ. Và những ngày sau bão lũ, giữa bao nhiêu tin xấu về những mất mát trên khắp các tỉnh thành miền Bắc, chúng ta vẫn bắt gặp thật nhiều tấm lòng chân thành, thơm thảo giống như chị Hương – những người làm hết sức sứ mệnh của bản thân và san sẻ với cộng đồng.
Nguồn: thanhnien.vn