Đó là nhận định của ông Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương, tại hội thảo ‘Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững’ do Báo Thanh Niênphối hợp với UBND tỉnh Bình Dương tổ chức vào ngày 8.10.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương, cho rằng: “Trách nhiệm xã hội (TNXH) đã và đang là xu hướng tất yếu trên cơ sở đề cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và đội ngũ doanh nhân trong việc phát triển bền vững, thông qua việc cải thiện môi trường làm việc, chăm lo đời sống của người lao động, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tạo ra lợi ích hài hòa cho DN, cộng đồng và xã hội”. Cũng theo ông Mai Hùng Dũng, TNXH còn giúp cán bộ quản lý các cấp, cộng đồng DN và đội ngũ doanh nhân tiếp cận, nắm bắt xu hướng trong bối cảnh kinh tế tuần hoàn đúng theo định hướng của Chính phủ và cũng là chìa khóa để các DN gia tăng giá trị và thương hiệu để phát triển bền vững.
Còn theo TS Phan Bảo Giang, Trưởng khoa Marketing Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM, thể hiện TNXH cũng là một cách làm tăng uy tín, phát triển thương hiệu cho DN, đồng thời nâng cao lòng trung thành của khách hàng và dễ thu hút nhân tài. “Khi chúng ta làm nhiều điều tốt cho cộng đồng, cho xã hội; lúc này khách hàng, đối tác… dễ dàng nhận thấy và cảm giác yêu mến DN hơn. Những nhân tài từ đó cũng muốn được về đầu quân, được làm việc cho DN, nơi có xu hướng tạo ra giá trị cho cộng đồng”, TS Phan Bảo Giang phân tích. Từ đó, TS Phan Bảo Giang cho rằng: “TNXH là nghĩa vụ và chiến lược của DN. Và để thực hiện TNXH hiệu quả, cần có sự nhất quán và liên tục, có sự sáng tạo và liên quan tới hoạt động của DN; ngoài ra cần đo lường được tính hiệu quả. Bên cạnh đó phải minh bạch thông tin và tận dụng truyền thông để đưa hình ảnh đẹp của DN đến cộng đồng”.
Nhiều cách làm thể hiện trách nhiệm xã hội
Phát biểu tại hội thảo, nhà báo Lâm Hiếu Dũng, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, nhận định thời gian qua, các DN đã biết cân bằng giữa hài hòa lợi ích của mình với lợi ích của cộng đồng xã hội. “Nhiều DN đã lựa chọn hoạt động TNXH một cách âm thầm, bên cạnh nhiều DN cũng thông qua các hoạt động TNXH để lan tỏa tinh thần thiện nguyện, tinh thần dấn thân vì cộng đồng, thúc đẩy mô hình kinh doanh bền vững, hoạt động kinh doanh không gây hại cho các thiết chế xã hội, không làm suy giảm phúc lợi của các thế hệ tương lai… Qua đó cải thiện hình ảnh, thương hiệu và góp phần xây dựng văn hóa DN”, nhà báo Lâm Hiếu Dũng phát biểu.
Trong những năm qua, tùy thuộc vào khả năng của mình, nhiều DN cũng như cơ quan, tổ chức… có hoạt động thể hiện TNXH với vô số hình thức khác nhau. Ông Nguyễn Phú Đức, thành viên HĐQT Tập đoàn Kim Oanh, tiết lộ ngay từ những ngày đầu thành lập, tập đoàn luôn đặt tâm nguyện an sinh xã hội thông qua hoạt động kinh doanh. Qua 16 năm, Kim Oanh đã hỗ trợ gần 400 tỉ đồng cho hơn 230.000 người. “Hiện tập đoàn vừa mới đổi tên quỹ từ thiện Kim Oanh sang quỹ khởi sự từ tâm, với mong muốn có những tác động dài hạn cho đối tượng thụ hưởng, trong đó nhắm đến nhóm trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt. Với hy vọng và tầm nhìn đến năm 2030, sẽ có 4.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được Tập đoàn Kim Oanh hỗ trợ, với số tiền cam kết tối thiểu 100 tỉ mỗi năm”, ông Đức nói.
Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Trưởng ban Trách nhiệm xã hội Tập đoàn giáo dục IGC, thì cho hay đối với giáo dục TNXH không chỉ dừng lại ở việc làm công tác thiện nguyện mà còn phải triển khai những kế hoạch, chương trình tác động sâu vào nhận thức nhằm hình thành nhân cách, thái độ cho học sinh trở thành những tầng lớp công nhân toàn cầu tiếp theo. Bà Ánh dẫn chứng, ở Tập đoàn IGC, việc thực hiện TNXH tập trung vào “3 lĩnh vực, 3 mục tiêu”. Đó là môi trường học tập an toàn, hạnh phúc và sáng tạo cho học sinh; môi trường làm việc an toàn, khỏe mạnh cho cán bộ công nhân viên và những hoạt động phải hài hòa với lợi ích của xã hội.
Xây dựng hệ sinh thái, lấy con người làm trọng tâm
Đi tiên phong với nhiều hoạt động thể hiện TNXH, Tập đoàn Becamex IDC cũng đã có những đóng góp hiệu quả vào sự phát triển, vươn mình mạnh mẽ của Bình Dương để trở thành thành phố sáng tạo. Đặc biệt Becamex cũng là DN tiên phong đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; giảm thiểu phát thải khí, nhà kính, thực hành những tiêu chuẩn ESG (môi trường – xã hội và quản trị doanh nghiệp); cung cấp năng lượng xanh cho khách hàng trong KCN; phủ xanh KCN và đô thị… “Becamex cũng đang xây dựng hệ sinh thái lấy con người làm trọng tâm qua các hoạt động xây dựng hạ tầng y tế, dịch vụ, giao thông, trường học, nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động; chăm lo đời sống cho người dân và người lao động; chính sách BHXH theo quy định…”, TS Lý Duy Khiêm, Giám đốc Trung tâm điều hành thông minh – phụ trách công tác phát triển bền vững của Becamex IDC, chia sẻ.
Còn ông Phạm Thành Nam, thành viên HĐQT Tập đoàn Trường Tươi Bình Phước, cho biết sứ mệnh lớn nhất của tập đoàn là phát triển vì cộng đồng. “Từ những ngày đầu tiên thành lập đến nay, tập đoàn luôn nỗ lực hết mình để có thể góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Thế nên hoạt động an sinh xã hội thông qua các hoạt động tài trợ cộng đồng luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Tập đoàn đã và đang tham gia nhiều công tác tài trợ cho những dự án, chính sách xã hội; quyên góp hàng trăm tỉ đồng vào quỹ nhân đạo, từ thiện, xây nhà tình nghĩa, tình thương, hỗ trợ cho các quỹ khuyến học; tài trợ máy móc, thiết bị y tế, xe cứu thương cho các bệnh viện… Và gần đây nhất là ủng hộ 2 tỉ đồng cho đồng bào miền Bắc chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi) gây ra”, ông Nam cho hay.
Ngoài ra, tập đoàn còn đặc biệt quan tâm đến việc phát triển thể thao bền vững, với mục tiêu đưa bóng đá Bình Phước vươn cao. Đặc biệt hơn cả phải nhắc đến hơn 30 năm, kể từ năm 1993 đến nay, “bằng tất cả nguồn lực trong từng thời kỳ”, Tập đoàn Trường Tươi đã gìn giữ vẹn nguyên 512 ha rừng tại Chiến khu D, xã Tân Hòa, H.Đồng Phú (Bình Phước). Nơi đang bảo tồn quần thể 162 cây di sản được Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam công nhận.
Báo Thanh Niên xin cảm ơn các DN, gồm: Tổng công ty Becamex IDC, Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ – CTCP, Tổng công ty nước – môi trường Bình Dương (Biwase), Công ty CP Tập đoàn địa ốc Kim Oanh, Công ty CP Tập đoàn Trường Tươi, Công ty CP khoáng sản và xây dựng Bình Dương, Công ty CP Nông nghiệp U&I, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và phát triển địa ốc Song Long, Trường ĐH Thủ Dầu Một, Trường ĐH Quốc tế Miền Đông, Cục Hải quan Bình Dương, Công ty CP đầu tư xây dựng số 1 Mê Kông, Công ty CP Vàng bạc, đá quý Phú Nhuận PNJ, Tập đoàn Giáo dục IGC, Trường song ngữ Á Châu, Công ty TNHH Bún Bò Huế Bà Ba, UBND TP.Thuận An đã đồng hành tổ chức hội thảo.
TS Nguyễn Hồng Tây, Phó trưởng đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB-XH tại TP.HCM, nhận định thời gian vừa qua, cộng đồng DN đã thực hành TNXH rất tốt. “Tại hội thảo này, chúng tôi cũng đã lắng nghe và ghi nhận những ý kiến thảo luận, quan điểm của các nhà khoa học, chuyên gia, đại diện DN… qua đó có đề xuất điều chỉnh các luật, chính sách, chủ trương về lao động, việc làm, an sinh xã hội. Chúng tôi sẽ lưu ý hơn, tạo điều kiện tốt nhất để cộng đồng DN thực hiện TNXH”, ông Tây nói và cho biết để phát triển bền vững, DN cần làm sao ngay trong nội bộ DN mình tốt hơn, trong đó có việc chăm lo cuộc sống cho người lao động, xem người lao động như là một tài sản của DN mình. Phải làm sao đảm an toàn lao động, lương, thu nhập cũng như việc học hành của con cái người lao động…
Nguồn: thanhnien.vn