Tuesday, November 26, 2024

Hoa bưởi trắng – Truyện ngắn dự thi của Minh Ngọc

Một buổi chiều tháng ba, ở khu chợ nhỏ xuất hiện một ông già đội mũ beret cũ kỹ với chiếc xe đạp chở đầy hoa bưởi. Chùm hoa trắng muốt nép mình vào phiến lá xanh như những đứa trẻ lần đầu ra phố. Lúc im lìm ngơ ngác, lúc hiếu kỳ đong đưa theo cơn gió. Cứ thế, chiếc giỏ tre chở đầy hương hoa dịu dàng lướt qua dòng người hối hả.

Đến ngay cổng chợ, ông thả hai chân là là trên mặt đất rồi dừng lại ở vỉa hè chật hẹp. Chỗ này, đất đá lởm chởm, lại có một vũng nước nhỏ. Có lẽ vì thế mà người bán trứng và người bán xôi ngồi nép sang hai bên chừa ở giữa khoảng trống chừng hơn một sải tay. Ông bỏ bụng mừng gạt chân chống xuống. Vừa mở cọng dây thừng vắt ngang qua giỏ thì một người phụ nữ khệ nệ bưng thúng trái cây đến. Ả chẳng nói chẳng rằng, giũ tấm bạt phành phạch rồi trải ngay dưới bánh xe. Như hiểu ra điều gì, ông cười hiền từ rồi đẩy chiếc xe đạp ra. Anh bán xôi và cô bán trứng lắc đầu nhìn theo thương hại. Ông lão vừa đi vừa dòm quanh quất rồi dừng lại ở bãi đất trống cách chợ vài chục mét. Thế nhưng người đi chợ đổ dồn về phía con đường ngược lại nên chỗ này khá vắng vẻ.
Hoa bưởi trắng - Truyện ngắn dự thi của Minh Ngọc

ẢNH: LƯU QUANG PHỔ

Khi mặt trời khuất sau tháp chuông nhà thờ thì nắng cũng bắt đầu dịu hẳn. Gió thôi hiu hiu. Hai mắt ríu lại, ông giơ tay vỗ mạnh vào má, đầu lắc nguây nguẩy để chống lại cơn buồn ngủ. Ngồi ê ẩm lưng cả buổi chiều mà chẳng có ai mở hàng. Ông đứng dậy vươn vai hướng về phía ngã tư chợ, nơi nhộn nhịp kẻ mua người bán. Nhìn đám hoa bưởi đã bắt đầu rụng lã chã xuống giỏ, những chiếc búp non cũng héo rũ lại, ông lão bắt đầu thấy nóng ruột. Ông châm điếu thuốc lá, rít một thật sâu rồi phì phào trong làn khói. Dù vậy, ông cũng không giấu được tiếng thở dài. Đóm lửa lập lòe trên tay ngún dần rồi tắt lịm, chỉ để lại vệt màu xám ngoằn ngoèo trong nắng chiều nhàn nhạt.

Đứng ở góc này, ông nhìn rõ mồn một mọi thứ diễn ra ở cổng chợ. Quán tạp hóa ngay lối vào bao giờ cũng đông nghịt. Xe máy dựng ngổn ngang phía trước chật kín cả đường đi. Gã bảo vệ cầm cây gậy chừng hai gang tay gõ liên tục xuống yên xe, miệng không ngừng la hét. Họ bắt đầu tản ra, nhưng khi gã vừa quay đi thì mọi thứ lại về như cũ. Tiếng nhao nhao của tụi trẻ con bán hàng rong vừa lướt qua làm ông giật mình. Vài đứa chạy thình thịch, đứa đi thong thả, có đứa quay lại nhìn ông. Chúng tập trung ở cổng chợ rồi tản ra tứ phía. Người thương tình mua vài bịch tăm bông, cái bấm móng tay ủng hộ, cũng có người lắc đầu bỏ đi. Lão gật gù quan sát. Trong đám trẻ, có một thằng bé trạc tuổi cháu ngoại ông đang đứng tần ngần bên gốc kèn hồng. Hai ống quần tây xanh rộng thùng thình được xắn lên tới gối. Chân không mang dép. Một tay túm vạt áo sơ mi dài thòng, tay kia rụt rè chìa bịch ổi về phía trước. Dòng người chảy theo thời gian một cách vô tình, chẳng ai dừng lại để ý đến nó. Mãi đến khi vãn chợ, tụi bạn ngồi lại xúm xít nhau đếm tiền, nó mới ôm rổ ổi đầy nhóc lủi thủi bỏ đi. Khi ngang qua ông, nó chăm chăm nhìn vào giỏ bưởi. Bắt gặp đôi mắt nheo lại nhìn mình, nó quay ngoắt sang chỗ khác. Cái dáng bé xíu nhỏ dần rồi khuất sau con hẻm vắng.

Chuông nhà thờ bính boong thì phố xá cũng lên đèn. Ngã tư chợ chỉ còn lèo tèo vài dáng người vội vã. Sợi dây thừng của anh thanh niên giữ xe cũng được buông lỏng xuống nằm sát đất. Vì thế, xe máy tự do ra vào, dựng chỏng chơ ngay trước cổng chợ. Ông lão dắt xe xuống lòng đường ngoái đầu nhìn những gian hàng hai bên đã trùm kín bạt, che lưới sắt. Tiếng kéo cửa ki-ốt soàn soạt như chà xát nỗi buồn của lão. Xe chầm chậm quay bánh. Đến đoạn ngã ba, ông rẽ vào con đường nhỏ. Một nhà thờ cổ kính với tháp chuông cao chót vót hiện ra trước mắt. Không chần chừ, ông dựng xe bên hàng tường vi, lom khom tiến lại gần dãy ghế đá. Cầm chuỗi hạt đủ sắc màu trên tay, ông đọc kinh cầu nguyện. Bầu trời tối tăm và sâu hun hút, tiếng thạch sùng tặc lưỡi bên tai làm đêm thêm lạnh. Ông ngồi lặng im trước tượng Chúa Giê-su, mắt không rời khỏi cây thánh giá. Ông cảm thấy bất hạnh cứ bủa vây, bám riết lấy cuộc đời mình.

Vợ mất cách đây hai năm. Đứa con gái nhất quyết theo mai mối lấy chồng Đài Loan để đổi vận. Nhưng nào ngờ ở xứ người, nó phải làm lụng khổ cực, gồng gánh cả nhà chồng. Chỉ thi thoảng nó mới gọi điện về cho cha. Từ khi sống một mình, ông thấy ngày đêm cứ dài thượt ra. Mấy nay bệnh dạ dày trở nặng, thuốc thang đắt đỏ nên chút tiền hưu ít ỏi chẳng thấm vào đâu. Đã hai hôm nay ông chỉ ăn cháo trắng với muối. Nhiều lúc nhìn con qua màn hình, ông lén dụi mấy giọt nước mắt chực rơi. Cô đơn. Nhớ con. Bệnh tật. Tất cả như cố kéo ông ra khỏi dòng chảy của thời gian rồi nhấn chìm ông xuống cõi vĩnh hằng. Nhưng ông không muốn cái khổ vồ lấy con thêm nữa, nên chỉ bịa chuyện vui vẻ cười khà khà. Sáng nay, ông ra vườn nằm hóng gió. Mùi hoa bưởi nồng nàn gợi lên cho ông ý nghĩ kiếm tiền. Thế rồi ông lấy kéo cắt một bó to đem ra chợ. Ông sẽ có tiền mua ít gạo và thịt bò tẩm bổ. Ấy thế mà, buôn bán đâu có dễ dàng gì. Ông đứng dậy hít một hơi thật sâu rồi lặng lẽ bước đi dưới ánh đèn leo lét. Chiếc bóng đổ dài trên nền xi măng loang lổ.

Bỗng dưng, đôi chân khựng lại. Ông thấp thỏm nhìn đứa trẻ đang nhón chân, thò vào giỏ vớ lấy bông bưởi. Tay kia vẫn cầm chặt vạt áo. Khi nhận ra khuôn mặt nửa lạ nửa quen kia, ông nép vào một góc. Đợi khi nó bước ra khỏi cánh cổng nhà thờ, ông mới tiến lại gần chiếc xe như không có chuyện gì xảy ra.

Vòng quay lại tiếp tục chầm chậm lăn trên con đường tấp nập người qua lại. Ánh trăng vằng vặc soi sáng khoảng không trước mắt. Hàng thông già vun vút trong đêm. Gió khuya lùa về mỗi lúc mạnh hơn, vỗ vào lồng ngực lạnh toát. Chiếc xe đạp rẽ qua lối nhỏ trở về nhà. Hình ảnh đứa trẻ ở nhà thờ cứ lởn vởn mãi trong tâm trí. Trong tiếng chó sủa, có hơi thở dài bực dọc. Ông buồn. Mà có lẽ chẳng phải vì giỏ bông bưởi sau lưng đã vơi đi vài nhành.

***

Hôm sau, rút kinh nghiệm, ông có mặt ở chợ từ rất sớm. Ấy vậy mà trước cổng cũng đông nghẹt người. Tiếng nói cười inh ỏi, tiếng pô xe phành phạch, tiếng thình thịch của những bước chân vội vã. Mấy con gà bị buộc chân nằm im lìm trên mặt đất, thỉnh thoảng vỗ cánh kêu quang quác. Ông lách người dắt xe vào bên trong.

– Ông bán bông bưởi ơi, qua đây!

Nghe có người kêu mình, ông mừng rỡ. Dáo dác nhìn quanh, ông nhận ra thằng bé. Hình ảnh đêm qua khiến ông chẳng thể nào quên được. Một đứa trẻ trông có vẻ hiền lành như thế sao lại có thể là kẻ trộm chứ? Sáng ra chưa mở hàng, nó lại kêu mình qua đó là có ý đồ gì? Chẳng lẽ… Thôi mặc kệ.

– Tới đi ông ơi. Đứng giữa đường thế này sao người ta đi lại – Anh thanh niên vừa bíp còi vừa nhướng cổ lên ra hiệu.

– Xin lỗi! – Ông gật đầu nhìn lại phía sau và nép sang một bên cho xe cộ qua lại.

Thằng bé dường như muốn chạy sang nhưng sợ người ta lấy mất chỗ nên cứ đứng vẫy tay thúc giục. Chiếc xe đạp chở đầy bông bưởi len lỏi qua đám đông và dừng chân ở khoảng trống hẹp. Bên cạnh là con bé bán hoa có đôi mắt long lanh và nụ cười tỏa nắng. Nó nhanh nhẹn kéo thùng nước nằm ngổn ngang trước mặt chừa chỗ cho ông. Vừa nhấc xe lên vỉa hè thì người phụ nữ bán trái cây hôm qua cũng ôm tấm bạt đi ra. Lần này, ả không hung hăng chiếm chỗ mà chỉ trải ra bên cạnh. Thỉnh thoảng cũng liếc sang với ánh mắt khó chịu.

– Cháu đi bán lâu chưa?

– Dạ mới chiều hôm qua thôi. Còn ông?

– Cũng vậy – Ông nhún vai nhìn nó mỉm cười.

– Ông ơi! Mẹ cháu thích hoa bưởi lắm đấy.

Giọng nó lạc hẳn đi. Như vừa nhận ra điều đó, nó tằng hắng vài cái rồi rao lớn: “Ổi vườn thơm ngon, hai mươi ngàn một ký đây”, “Bông bưởi đây! Bông bưởi thơm ngát giữa lòng thành phố đây cô ơi!”, “Chị ơi mua hoa bưởi về chưng nhà đi chị ơi!”…

Ông không biết nó tập bao nhiêu lần mà trở nên mạnh dạn như vậy. Nó cũng vừa mới ra chợ giống ông, nhưng hôm nay đã sành sỏi hơn rồi. Nhìn nó chạy tới lui mời khách, ông thương hại.

– Vào đây ngồi nghỉ một lát đi cháu!

– Ông cứ mặc cháu.

Nó ôm rổ ổi cùng mấy chùm bông bưởi rôm rả mời khách. Mới đầu chỉ lèo tèo vài người lại mua nhưng sau mỗi lúc một đông hơn. Họ truyền tai nhau hoa bưởi gội đầu rất thơm, cắm bình để trong phòng khách đẹp, nấu chè thả vào… Ông vui như mở cờ trong bụng.

Hoa bưởi trắng - Truyện ngắn dự thi của Minh Ngọc

ẢNH: LƯU QUANG PHỔ

Tầm mười giờ sáng, ông mừng rỡ nhìn giỏ hoa vơi dần rồi hết sạch. Rổ ổi của thằng bé cũng chẳng còn trái nào. Ông lôi bịch tiền ra móm mém nhìn đứa trẻ đang ngồi bên cạnh.

– Cháu cầm lấy ít tiền này mua bánh.

– Dạ, thôi ạ. Cháu phải về nhà ngay – Nó khoát tay.

Rồi cúi xuống móc trong túi tờ năm chục ngàn nhét vào tay ông, giọng run run: “Gửi ông tiền hoa bưởi ngày hôm qua. Cháu… xin lỗi ông ạ, hôm qua cháu là đứa trẻ hư”. Vừa dứt lời, nó bỏ chạy. Ông gọi với theo nhưng nó đã mất hút trong dòng người qua lại. Ông lão quay sang hỏi con bé bán hoa:

– Cháu biết nhà nó ở đâu không?

– Nó sống cùng bà ở phía sau nhà thờ đấy ông ạ. Ngôi nhà có chè tàu bao phủ xung quanh.

Ông vội vã rời khỏi chợ giữa. Ông nheo mắt nhìn về hướng tháp chuông cao chót vót giữa nền trời xanh thẳm không một gợn mây. Mồ hôi nhễ nhại chảy dài xuống bện vào lưng áo ướt sũng. Con hẻm sau nhà thờ yên ắng như một vùng quê thu nhỏ giữa thị trấn ồn ào, nhộn nhịp.

Ông tần ngần nhìn ngôi nhà gạch lọt thỏm giữa bốn bề chè tàu xanh biếc. Bên hông nhà, cây ổi sai trĩu quả. Một nhánh gãy nằm rẹp xuống thân cây nhẵn bóng, lá úa khô quéo lại chờ chực rơi. Bên góc sân vài con gà đang nhặt thóc, thấy người lạ chúng dáo dác nhìn quanh rồi bỏ chạy ra phía sau hè. Khi thấy bộ quần áo hôm qua nó mặc được giặt phơi móc ngoài sào ông mới chắc chắn mà tiến vào. Không có ai ở nhà. Ông rón rén ghé mắt vào kẽ hở trên cửa sổ. Trong nhà chẳng có gì ngoài chiếc giường gỗ, cái bàn nhựa và mấy thứ đồ linh tinh. Đồ đạc được sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ. Bất chợt, đôi mắt dừng lại ở chùm bưởi trắng tinh trên bàn thờ. Tò mò, ông nheo mắt nhìn di ảnh của người phụ nữ trẻ. Trong lòng ông quặn lên một nỗi niềm xót xa.

Đợi hồi lâu không thấy thằng bé về nhà, ông buồn bã bỏ đi. Một lát sau, chiếc xe đạp lại cọc cạch chậm chạp rẽ vào con hẻm nhỏ. Ông lặng lẽ đặt hai thùng mì tôm, một bao gạo và đôi dép nhựa ngay trước cửa nhà với dòng chữ viết vội “Món quà dành cho đứa trẻ ngoan”.

Nắng chiều khuất xuống chân mây. Bầu trời chuyển mình rực rỡ. Sắc đỏ tím quyện vào nhau hài hòa, êm ả như bức tranh của người nghệ sĩ tài ba. Trên con đường nhỏ dẫn vào làng, ông lão thong thả đạp xe, nghêu ngao hát. Hai bên đường, hàng thông già đã sẫm lại chờ ánh trăng non. Chốc chốc, ông mỉm cười. Hôm nay, ông vui. Nhưng đâu phải chỉ vì giỏ bưởi sau lưng không còn lấy một nhành.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img