VTV.vn – Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) vừa tiếp nhận và điều trị thành công cho bệnh nhi 3 tuổi bị tắc ruột do hội chứng Rapunzel (rối loạn ăn tóc).
Bệnh nhi H.L.H. (nữ, 3 tuổi, trú tại Đắk Lắk) nhập Khoa Cấp cứu với triệu chứng đau bụng quanh rốn âm ỉ khoảng 5 ngày kèm bụng chướng, trung tiện ít, bí đại tiện 5 ngày.
Trước đó, bệnh nhi được đưa vào cơ sở y tế khác, chẩn đoán lồng ruột, tháo lồng bằng hơi 2 lần, nhưng tình trạng bệnh không giảm nên gia đình xin chuyển đến Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột.
Người nhà chia sẻ: Bệnh nhi có thói quen tự bứt tóc bản thân và ăn khoảng 3 tháng nay. 1 tháng nay, người nhà thấy bệnh nhi chán ăn, gầy sụt cân, có đi khám phòng khám tư nhưng không đỡ.
Bệnh nhi được các bác sĩ thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng, phát hiện thấy có khối ở vùng thượng vị, kích thước khoảng 15×10 cm, mật độ chắc di động, ấn đau tức và 3 khối nhỏ quanh rốn kích thước 2×3 cm, mật độ chắc, di động, ấn đau tức.
Với bệnh cảnh lâm sàng, tiền sử của bệnh nhi và các dấu hiệu cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán trước phẫu thuật là lồng ruột non và dị vật đường tiêu hóa nghĩ do búi tóc.
Bệnh nhi được tiến hành phẫu thuật mở hỗng tràng lấy khối tóc kéo thành sợi dài từ dạ dày xuống gần hết hỗng tràng gây nên lồng ruột nhiều đoạn hỗng tràng. Mở dạ dày lấy khối tóc kích thước 15x10x10 chiếm gần toàn bộ dạ dày và tá tràng.
Sau phẫu thuật, bệnh nhi ổn định, không có biến chứng sau mổ. Bệnh nhi được chuyển Khoa Nhi điều trị viêm phổi, chăm sóc dinh dưỡng và hướng dẫn thăm khám chuyên khoa tâm thần để tránh tái phát.
Hội chứng nghiện giật tóc là cảm giác thôi thúc một cách trói buộc ý muốn giật (đôi khi là ăn) lông, tóc của bản thân dẫn đến việc mất đáng kể lông hay tóc, lo lắng và tình trạng suy giảm về chức năng sống, hay xu hướng làm việc không tốt khi có sự hiện diện của người khác.
Hội chứng nghiện giật tóc ảnh hưởng tới 1-2% dân số thế giới. Bệnh gặp ở cả nam và nữ bất kỳ tuổi nào nhưng ở trẻ em hay gặp hơn, thường phát triển ngay trước hoặc trong độ tuổi thiếu niên – thường gặp nhất là từ 10 đến 13 tuổi. Ở độ tuổi càng lớn, bệnh gặp ở trẻ gái nhiều hơn ở trẻ trai.
Mức độ giật tóc tùy thuộc vào từng thời điểm nhưng dấu hiệu để chẩn đoán một người mắc hội chứng nghiện giật tóc bao gồm: rụng tóc, không thể kiềm chế bản thân thực hiện những hành vi tổn hại tóc gây nhiều phiền toái đáng kể. Nếu không điều trị sẽ dẫn đến một số biến chứng.
Do đó, người thân nên quan sát kỹ lưỡng khi chăm sóc trẻ nhằm phát hiện sớm vấn đề về sức khỏe tâm lý, khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu bất thường như ăn tóc, phụ huynh nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời, đồng thời tham gia cùng nhân viên y tế trong việc hỗ trợ hạn chế hành vi nuốt tóc và nâng đỡ tinh thần cho trẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!