Đến nay, người ta vẫn cho rằng Hồ Chủ tịch ra đi tìm đường cứu nước từ bến Nhà Rồng, Sài Gòn trên con tàu Amiral Latouche Tréville thuộc Hãng Năm Sao. Nhưng sự thật địa điểm con tàu khởi hành không phải từ bến Nhà Rồng.
Nhà Rồng và Năm Sao là hai hãng chuyên chở tàu biển lớn nhất khi ấy. Mỗi hãng cho tàu cập bến riêng, không thể lẫn lộn được.
Hãng Nhà Rồng (Messageries Impériales) là hãng chuyên chở kỳ cựu của Pháp, sang hoạt động ở Sài Gòn từ 1862, xây trụ sở đồ sộ bên rạch Bến Nghé với nóc nhà uốn cong và trang trí bằng hình lưỡng long tranh nguyệt. Trên ống khói các tàu của hãng có vẽ đầu ngựa, nên bình dân còn gọi là Hãng Đầu Ngựa. Sau cuộc cách mạng năm 1870 ở Pháp, hãng đổi tên là Messageries Maritimes. Tất cả các tàu viễn dương của Hãng Đầu Ngựa, khi cập bến Sài Gòn, đều tới đậu ở bến Nhà Rồng, nơi dành độc quyền cho hãng.
Theo báo cáo đọc tại Khu lưu niệm Nhà Rồng ngày 19.5.1986 của Giám đốc Nhà máy Ba Son: Hãng Năm Sao tức Hãng Chargeurs Réunis tổ chức chuyên chở thường kỳ giữa Pháp và Đông Dương từ năm 1901. Hãng có một đội thương thuyền gồm 7 chiếc. Sáu chiếc tàu lớn chia nhau chạy các tuyến giữa hải cảng Pháp và Đông Dương. Chiếc Chợ Lớn nhỏ hơn, chạy bổ túc quanh năm. Từ Đông Dương đi Pháp có hai nơi khởi hành: từ Hải Phòng và từ Sài Gòn.
Tàu Amiral Latouche Tréville do xưởng đóng tàu La Loire kiến tạo trong vùng Saint Nazaire, hạ thủy ngày 21.9.1903, đăng ký tại cảng La Havre năm 1904. Đây là một trong những tàu cỡ lớn đầu thế kỷ 20, vừa chở người vừa chở hàng.
Tài liệu Direction générale des TP – Port de Commerce de Saigon (Saigon, 1912) ghi rõ: Tàu Amiral Latouche Tréville từ Hải Phòng vào cập bến Sài Gòn ngày 2.6.1911 có trọng tải 3.572 tấn, với thuyền trưởng Maisen và đoàn thủy thủ 69 người. Ngày 3.6.1911, anh Văn Ba xuống tàu làm phụ bếp, ngày 5.6.1911 tàu nhổ neo. Từ đây, ta hãy tìm xem tàu này cập bến nào khi tới cảng Sài Gòn.
Cảng Sài Gòn hồi 1911 chia làm 2 phần: quân cảng và thương cảng. Quân cảng dài chừng 600 m, kể từ nhà máy Ba Son tới công trường Mê Linh. Thương cảng cũng dài 600 m, kể từ công trường Mê Linh tới cầu Khánh Hội (khi ấy gọi là Quai Francis Garnier, nay phần đường Tôn Đức Thắng). Bến Nhà Rồng ở bên Khánh Hội, coi như nối tiếp với thương cảng. Bờ sông bên Khánh Hội từ ranh Nhà Rồng tới cầu Tân Thuận dài trên 1 km gọi là bến Tam Hội. Bến đó chưa có cầu tàu, kho hàng và trang bị cần thiết cho việc bốc xếp hàng hóa. Cầu Khánh Hội chưa làm kiên cố để nối đường xe hỏa từ Sài Gòn sang.
Như vậy, các tàu lớn viễn dương chưa thể cập bến Tam Hội. Năm 1914, cảng Tam Hội – sau gọi cảng Khánh Hội – mới được khánh thành (đồng thời với chợ Bến Thành mới bây giờ). Do đó, tàu Amiral Latouche Tréville và các tàu khác của Hãng Năm Sao tất cả phải cập bến thương cảng Sài Gòn, ở phía Q.1 ngày nay.
Thương cảng hồi 1911 khá tấp nập, trang bị đầy đủ và ở vào đầu mối giao thông rất thuận lợi, chỉ dài 600 m mà có tới 6 đại lộ châu đầu vô bến. Đó là các đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng), Catinat (Đồng Khởi), Charner (Nguyễn Huệ), Krantz và Duperré (Hàm Nghi). Nhà ga đường sắt đi Mỹ Tho và đi Phan Thiết đặt ở đầu đường Hàm Nghi tiếp cận với thương cảng. Chợ Bến Thành (cũ) nằm gần đầu đường Nguyễn Huệ, nay là kho bạc. Qua thương cảng, khối chuyên chở hành khách và hàng hóa ngày càng gia tăng.
Thương cảng Sài Gòn khi ấy có 5 cầu tàu: 3 cầu tàu nhỏ ở đầu đường Catinat (Đồng Khởi) dành cho các hãng chuyên chở đường sông, 1 cầu tàu lớn ở đầu đường Charner (Nguyễn Huệ) dành cho các tàu viễn dương lớn và 1 cầu tàu nhỡ ở đầu đường Krantz Duperré (Hàm Nghi) dành cho hãng tàu người Hoa. Như Brébion đã mô tả thương cảng Sài Gòn hồi 1911 trong Revue Indochinoise: “Trên bến Francis Garnier (nay là một phần đường Tôn Đức Thắng kể từ công trường Mê Linh tới cầu Khánh Hội), phía bờ sông có nhiều loại cầu tàu chiếm chỗ. Một trong số cầu tàu lớn nhất là nơi cập bến các tàu lớn thuộc Hãng Chargeurs Réunis. Phía đầu cầu thương cảng (đầu đường Catinat – Đồng Khởi) là các cầu tàu dành cho tàu thuyền của Hãng Messageries Fluvialles (chuyên chở đường sông)” (Antoine Brébion – Monographie des Rues et Monument de Saigon, trong Revue Indochinoise, 1911, tr.357-376).
Như vậy, có thể khẳng định tàu Amiral Latouche Tréville trên có anh Văn Ba làm phụ bếp đã cập bến ở cầu tàu lớn nơi cuối đường Nguyễn Huệ ngày nay. Một vị trí khang trang và khoảng khoát nhìn vào đất liền qua đường Nguyễn Huệ rộng rãi thấy nhà Xã Tây cũ, nhìn sang phía sông thấy ngôi Nhà Rồng đồ sộ với dáng vẻ Âu Á pha trộn dễ gây ấn tượng (nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh) và sông nước bao la rừng cây bát ngát lan rộng thẳng tới Thái Bình Dương. (còn tiếp)
(Trích Tạp ghi Việt Sử Địa của cố học giả Nguyễn Đình Đầu do NXB Trẻ ấn hành)
Nguồn: thanhnien.vn