Việc hình thành thói quen tự học cho học sinh tiểu học là điều khiến nhiều phụ huynh trăn trở trong bối cảnh học tập ngày càng áp lực.
Chị Bùi Thị Cẩm Tiên, có con trai học lớp 4 tại H.Hóc Môn (TP.HCM), cho biết: “Ở nhà, con tôi không bao giờ ngồi vào bàn học nếu không có tôi nhắc nhở. Ngày nào tôi cũng phải theo sát con, vừa mệt mỏi vừa áp lực. Chương trình mới không yêu cầu con phải làm bài tập về nhà nhiều, nhưng mỗi ngày đều có một vài bài tập nhỏ. Nhiều lúc làm việc về muộn nhưng tôi vẫn phải ép con ngồi vào làm bài tập. Dù tôi luôn dặn dò con nên tự giác làm bài tập nhưng phải có mặt tôi ở nhà thì con mới chịu làm”.
Anh Nguyễn Thanh Tùng, một phụ huynh có con học lớp 4 tại Q.Tân Phú (TP.HCM), cũng chia sẻ về hành trình khó khăn trong việc giúp con tự học. Anh cho biết ban đầu anh thường dùng cách phạt con khi không hoàn thành bài tập. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ làm tăng thêm áp lực chứ không tạo được động lực cho con. “Sau một thời gian, tôi nhận ra việc dùng hình phạt không mang lại kết quả tốt. Con tôi học chỉ để đối phó, càng ép thì trẻ càng bực bội”, anh Tùng nói.
Điều này cho thấy thói quen tự học không phải dễ dàng hình thành chỉ bằng cách nhắc nhở, ép buộc hay thưởng phạt từ phía phụ huynh giữa lúc có quá nhiều thứ để học, và yếu tố gây mất tập trung lớn nhất chính là điện thoại thông minh.
Cô Nguyễn Minh Thúy An, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Văn Triết (TP.Thủ Đức, TP.HCM), chia sẻ: “Việc làm gương cho con là bước đầu tiên và quan trọng nhất. Cả gia đình học tập là tấm gương và động lực cho các con”.
Theo cô Thúy An, khả năng tập trung của học sinh chưa được cao nên phụ huynh cần hiểu điểm đặc trưng tâm sinh lý này để kiên trì rèn luyện cho trẻ ngồi vào bàn học từ 5 phút, rồi tăng dần lên 10 phút, 15 phút, 20 phút… với lượng bài phù hợp năng lực. Theo cô An, phụ huynh chỉ cần rèn được cho con kỹ năng tự học sẽ góp phần chắp cho con đôi cánh tự do, tính tự lập lâu dài.
Cô Trần Thị Hoài Nghi, giáo viên Trường tiểu học Kim Đồng (Q.Gò Vấp, TP.HCM), lưu ý để hình thành thói quen tự học, phụ huynh tuyệt đối không làm giúp cho con, hãy động viên con suy nghĩ, nỗ lực tìm cách giải quyết.
“Con cần có một không gian học tập yên tĩnh, giảm thiểu những yếu tố gây mất tập trung trong gia đình. Chúng ta không thể yêu cầu con làm bài tập khi cha mẹ mải mê lướt điện thoại, mở ti vi, hoặc các thành viên đang nói chuyện sôi nổi…”, cô Nghi nói.
Nguồn: thanhnien.vn