Ngày 9.10, tiếp tục phiên họp 38, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về báo cáo kết quả KT-XH năm 2024, dự kiến kế hoạch năm 2025. Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn dự và cho ý kiến tại phiên họp.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 cao hơn mục tiêu đề ra, quý sau cao hơn quý trước. Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng cả năm đạt và vượt 7%. Tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng năm 2024 tiếp tục phục hồi; đầu tư tư nhân tăng 7,1% (cùng kỳ năm 2023 tăng 2,1%). Thu hút FDI là điểm sáng với tổng vốn FDI đăng ký đạt hơn 24,8 tỉ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ.
Công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật được chỉ đạo quyết liệt, với tinh thần cải cách, đổi mới trong tư duy, cách nghĩ, cách làm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Phát triển kết cấu hạ tầng được thúc đẩy mạnh mẽ, có bước đột phá rõ nét, nhất là hạ tầng giao thông, điện lực…
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cũng chỉ ra các vấn đề mà Chính phủ cần quan tâm, đánh giá kỹ hơn.
Cụ thể, cơ quan thẩm tra đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) còn nhiều khó khăn. Tính chung 9 tháng năm 2024, bình quân 1 tháng có 18.200 DN rút lui khỏi thị trường. Thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn thách thức, nợ xấu ở mức cao, việc xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm còn thấp, khả năng hấp thụ vốn và tiếp cận vốn tín dụng của DN còn hạn chế.
Đáng lưu ý, Ủy ban Kinh tế của QH đánh giá, quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá. Rủi ro an ninh mạng đối với hệ thống tài chính VN trở nên thường trực và hiện hữu với hậu quả khó lường. Thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn. Cơ cấu sản phẩm trên thị trường thiếu cân đối khiến giá nhà chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp bị đẩy lên cao, dẫn đến người có nhu cầu thực về nhà ở khó có khả năng tiếp cận.
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của QH cho hay ngay cả đối với nhà ở xã hội, hiện diễn ra thực trạng người có nhu cầu không thể mua do thủ tục phức tạp và tình trạng đầu cơ, chênh giá rất lớn giữa giá bán chủ đầu tư đăng ký với nhà nước và giá bán thực tế. Có ý kiến cho rằng nhà ở xã hội trên thực tế được mua bán, trao đổi, cho thuê chủ yếu bởi những người giàu, thậm chí cả người nước ngoài, không phải công nhân, người lao động, người có nhu cầu thực đối với loại hình nhà ở này.
Cùng với quá trình tăng giá đột biến của chung cư, giá đất nền tại các quận nội thành và ven đô Hà Nội đã có dấu hiệu tăng nhanh trở lại, nhất là đối với các huyện có thông tin lên quận. Đặc biệt, ông Thanh nhấn mạnh thời gian vừa qua, tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai đẩy giá đất lên cao khiến việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ, trong khi đó người dân, DN khó tiếp cận đất đai vì giá đất cao, vượt quá khả năng chi trả.
Báo cáo của cơ quan thẩm tra cũng nêu rõ vấn đề tồn kho bất động sản dở dang rất đáng được quan tâm khi hàng nghìn căn nhà bị bỏ hoang hàng chục năm qua với tổng giá trị rất lớn; nhiều khu đô thị mới có tỷ lệ số căn hộ được sử dụng thấp. Trong khi đó, người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ.
TRÁNH XÂY NHÀ XONG KHÔNG CÓ NGƯỜI Ở
Nêu ý kiến sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhìn nhận thị trường vàng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro dù Chính phủ đã rất cố gắng. Vừa rồi Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại bán vàng, rút ngắn chênh lệch giá trong nước và quốc tế nhưng Chính phủ vẫn cần quản lý, chấn chỉnh để giá vàng trong nước quốc tế gần nhau hơn. Tương tự, thị trường bất động sản đang diễn biến phức tạp. “Vừa qua, giá nhà chung cư tăng rất cao, người có nhu cầu rất khó tiếp cận với giá chung cư thế này. Đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý thị trường này”, bà Nga kiến nghị.
Cho ý kiến, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn đánh giá quản lý thị trường bất động sản cần sớm có giải pháp triệt để. Chủ tịch QH đề nghị phải làm sao ngăn chặn xu hướng suy giảm của thị trường bất động sản, kết hợp với kiểm soát tốt hơn số lượng nhà ở đang được xây dựng mới, tránh tình trạng cung nhiều hơn cầu hoặc cầu có nhưng khả năng thanh toán không có. “Hiện xây dựng nhà mới chủ yếu ở các thành phố lớn, người ta vẫn nói xây xong không khai thác, không có người ở”, ông lưu ý.
Chủ tịch QH cũng nhấn mạnh việc vực dậy thị trường vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. “Cần tăng cường hỗ trợ DN đang gặp khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tư nhân phát triển”, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn lưu ý và nhấn mạnh thêm: “Hiện Bộ Chính trị cho chủ trương giải quyết dự án đất đai liên quan các vụ việc, vụ án nhưng địa phương chưa làm quyết liệt để tháo gỡ”.
Nguồn: thanhnien.vn