Phối hợp cùng Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao Hà Nội, CLB Công an Hà Nội (CLB CAHN) khánh thành hệ thống đào tạo trẻ kéo dài từ U.9 với U.21, với hy vọng mài giũa thêm nhiều gương mặt tiềm năng cho bóng đá Việt Nam.
CLB CAHN gây tiếng vang ở V-League 2023 với chức vô địch sau khi đoạt vé thăng hạng. Dấu ấn trong thành công của đội bóng này, là những ngôi sao như Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Jhon Cley, Nguyễn Filip, Bùi Hoàng Việt Anh, Phan Văn Đức… Nhờ nguồn lực lớn để chiêu mộ cầu thủ, đội bóng ngành Công an đã leo lên ngai vàng bóng đá Việt Nam.
Mùa giải này, dù chưa bứt phá ở V-League, nhưng CLB CAHN đã thắng cả 2 trận tại ASEAN Club Championship, lần lượt trước nhà vô địch Thái Lan Buriram United (2-1) và nhà vô địch Singapore Lion City Sailors (5-0). Qua đó, thầy trò HLV Alexandre Polking mở toang cánh cửa vào bán kết.
Tuy nhiên, trong thành công của CLB CAHN, dấu ấn thế hệ trẻ mà đội bóng này tự đào tạo chưa hoàn toàn rõ ràng. Vẫn có những tài năng trẻ như Giáp Tuấn Dương, Hà Văn Phương, Lê Văn Đô, song không đơn giản để tìm những “ngọc quý” tự đào tạo đang đóng vai trò quan trọng trong đội hình do ông Polking huấn luyện.
Với mong muốn đào tạo cầu thủ bài bản để tạo nguồn cung cho đội một, cũng như cho bóng đá Việt Nam, CLB CAHN đã giới thiệu và ra mắt các đội bóng đá nam trẻ gồm U.9, U.11, U.13, U.15, U.17, U.19 và U.21. Đây là lớp cầu thủ được CLB CAHN phối hợp cùng Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao Hà Nội đào tạo bài bản, đại diện cho đội tham dự các giải đấu trẻ và là lớp cầu thủ kế cận trong tương lai của CLB.
Bên cạnh việc giới thiệu các đội bóng đá nam trẻ, CLB CAHN đã công bố kế hoạch, lộ trình đào tạo dành cho các lứa trẻ.
Theo đó, CLB CAHN xây dựng kế hoạch, quy chế, phối hợp giữa Công an thành phố Hà Nội và Sở VH-TT Hà Nội trong việc bổ sung HLV, tìm kiếm tuyển chọn đào tạo cầu thủ trẻ.
Qua đó, đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý, đào tạo tuyển chọn, thi đấu kết hợp với học tập văn hóa của các cầu thủ trẻ; đảm bảo công tác chuyên môn của ban huấn luyện và việc ăn, ở, tập luyện, thi đấu.
Đại tá Dương Đức Hải, Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội, Chủ tịch CLB CAHN khẳng định: “Tôi giao nhiệm vụ và kêu gọi đội bóng đá trẻ CAHN: hãy ra sức rèn luyện thi đấu hết mình, thể hiện tinh thần chiến đấu không lùi bước, kiên định với mục tiêu, đồng thời giữ gìn phẩm chất đạo đức và tinh thần thể thao Công an Nhân dân. Mỗi trận đấu là một cơ hội để các đồng chí khẳng định chính mình và mang lại niềm tự hào cho lực lượng và người hâm mộ”.
Bóng đá Việt Nam cần thêm nhiều ‘lò trẻ’
Thành công vang dội của bóng đá Việt Nam giai đoạn 2018 – 2022 gắn với hai lứa cầu thủ được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp.
Đó là lứa 1995 – 1996 với những “hạt nhân” như Lương Xuân Trường, Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Văn Toàn, Đỗ Duy Mạnh, Phạm Đức Huy, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Phong Hồng Duy, Vũ Văn Thanh, Phan Đức… cùng lứa 1997 – 1999 mà Đoàn Văn Hậu, Bùi Hoàng Việt Anh, Trần Đình Trọng, Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Tiến Linh là gương mặt tiêu biểu.
Đây là sản phẩm của những trung tâm đào tạo có tiếng như Hà Nội, HAGL, SLNA, Viettel. Điều đó cho thấy, để thành công bền vững, bóng đá Việt Nam rất cần những trung tâm đào tạo bóng đá trẻ chuyên nghiệp, chung tay “mài ngọc”.
Tuy nhiên, nhiều đội bóng ở V-League hiện nay không phát triển hệ thống đào tạo trẻ. Còn có những “lò trẻ” dù mang nhãn hiệu quốc tế, nhưng lại không giải được bài toán đầu ra, dẫn đến cầu thủ đến tuổi trưởng thành không có CLB, phải xuống chơi hạng nhất, hoặc đi đá phủi kiếm sống.
Việc đào tạo trẻ không xuyên suốt, không hình thành mối dây liên kết bền vững giữa các trung tâm đào tạo với CLB khiến nhiều tài năng bị lãng phí.
Hiện ở V-League, Hà Nội, HAGL, SLNA và Thể Công Viettel thuộc nhóm số ít đội bóng thực sự đào tạo và trao cơ hội cho cầu thủ trẻ. Đội Hà Nội đào tạo từ U.9 (với học viện vệ tinh ở Bắc Giang) đến U.21, trong khi Thể Công Viettel có các lò vệ tinh để sàng lọc nhân tài. SLNA hay HAGL cũng rộng lòng với người trẻ, nhưng như vậy là chưa đủ.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương nhận xét: “Bóng đá Việt Nam cần có chiến lược và triết lý đào tạo trẻ thông suốt giữa các trung tâm đào tạo và các CLB. Phải có chiến lược phát triển con người, đội tuyển Việt Nam mới có nhân tài để lựa chọn”.
Ở những nền bóng đá mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, số trung tâm đào tạo trẻ có thể lên tới hàng trăm. Các đội bóng chuyên nghiệp tại J-League, K-League đều có “lò luyện ngọc” đẳng cấp, thu hút hàng chục nghìn cầu thủ mỗi năm. Còn ở Việt Nam, số trung tâm trẻ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Với việc CLB CAHN gia nhập cuộc chơi đào tạo trẻ, hy vọng bóng đá Việt Nam sẽ có thêm “ngọc quý”.
Nguồn: thanhnien.vn