Monday, October 14, 2024

Cơ hội để doanh nhân Việt phát triển, hội nhập quốc tế

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm xây dựng và phát triển doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Nhờ đó, đội ngũ doanh nhân không ngừng phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.

Cơ hội để doanh nhân Việt phát triển, hội nhập quốc tế

Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, được ra đời được ví như một món quà đặc biệt mà Đảng và Nhà nước dành tặng cho đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp.

Nghị quyết đã xác định quan điểm và nêu ra nhiều giải pháp mới rất quan trọng như: tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nhân phát triển và cống hiến; bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế… Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng quan tâm củng cố và phát huy vai trò của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, cũng như các hiệp hội doanh nghiệp.

Ngày 09/05/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW. Nghị quyết cũng đã đề ra nhiều mục tiêu quan trọng về phát triển doanh nhân, doanh nghiệp như: đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; đến năm 2045 hình thành và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín trong khu vực và quốc tế…

Theo tổng hợp của VCCI và Ban Kinh tế Trung ương, đến nay đã có 55/63 tỉnh/thành ủy, 22 bộ, ngành trung ương và các tổ chức chính trị xã hội ban hành chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết. Tuy chưa đánh giá, sơ kết tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 66/NQ-CP của Chính phủ nhưng theo dự báo của VCCI số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2024 sẽ tiếp tục tăng cao hơn 159.000 của năm 2023 và là năm thứ ba liên tiếp lập kỷ lục về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Tính luỹ kế kể từ năm 2000 đến hết năm 2024, số doanh nghiệp thành lập mới sẽ vượt 2,1 triệu doanh nghiệp.

Điều đáng mừng là Việt Nam đã có những tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân lớn, đã và đang tích lũy đủ năng lực quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu mạnh vươn ra thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Trước bối cảnh toàn cầu hóa nền kinh tế phát triển nhanh, doanh nghiệp nông nghiệp được xác định là “bà đỡ” trong sản xuất nông nghiệp nước ta. Cũng như doanh nghiệp, mô hình sản xuất trang trại cũng được coi là loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tiên tiến, có quy mô lớn, hiệu quả cao hơn nông hộ.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến cuối năm 2021, cả nước có 18.945 trang trại (theo tiêu chí quy định tại Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT). Trong đó, có khoảng 2.300 trang trại đã liên kết theo chuỗi giá trị và ngày càng nhiều trang trại đã kết hợp các hoạt động du lịch cảnh quan, sinh thái và sản xuất phi nông nghiệp như: sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm, lắp đặt hệ thống điện mặt trời…

Tuy nhiên, hoạt động của nhiều trang trại này đã bộc lộ nhiều hạn chế, phần lớn còn mang tính tự phát, chất lượng lao động còn thấp, 97% lao động trong trang trại chưa qua đào tạo; năng lực quản trị, khả năng tài chính, hiểu biết về thị trường, khoa học kỹ thuật và quản lý còn hạn chế; số lượng trang trại ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao chưa nhiều; sản phẩm chưa đa dạng, chất lượng chưa cao và không ổn định, sản phẩm bán ra chủ yếu dưới dạng thô hoặc tươi sống. Nhiều trang trại chưa xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, mã số, mã vạch cho sản phẩm hàng hóa.

Ngoài ra, việc đầu tư lắp đặt điện mặt trời áp mái ở các trang trại nông nghiệp, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm….hiện đang vướng nhiều luật, chưa có sự thống nhất nên đứng trước nguy cơ gặp nhiều rủi ro, khó khăn trong hoạt động. Chính quyền các cấp vẫn còn lúng túng trong chỉ đạo xử lý các trường hợp này.

Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh cũng như chính quyền các cấp trong chỉ đạo, xử lý, điều cần thiết hiện nay là Chính phủ sớm ban hành Thông tư hay Nghị định để thống nhất chỉ đạo một cách đồng bộ, nhất là về đất đai, xây dựng, tín dụng và thuế… kịp thời đáp ứng những vấn đề mới nảy sinh, vướn mắc, các yếu tố tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần phải bảo đảm các nguồn lực để triển khai chính sách, nhất là ngân sách để thực hiện các hỗ trợ của Nhà nước, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và động lực cho các chủ trang trại chuyển đổi mô hình hoạt động, không để cho các chủ trang trại, doanh nghiệp phải chạy nhiều nơi, dẫn đến nản chí và bỏ cuộc.

Đối với các bộ, ngành và địa phương, cần hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, doanh nhân khi gặp rủi ro do thiên tai, cũng như những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do yếu tố thị trường. Cần thực hiện tốt chủ trương không hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế theo tinh thần của Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị để an lòng doanh nghiệp, động viên doanh nhân cống hiến hết mình cho sự phát triển của đất nước.

 
 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img