Monday, October 14, 2024

Phấn trắng – quân phục xanh

Tôi biết đến người chiến sĩ áo xanh ấy khi được một người bạn kêu gọi quyên góp sách và tập vở cho lớp học xóa mù chữ. Dù góp sách cho bạn nhưng tôi vẫn nửa tin nửa ngờ, vì lớp học “xóa mù chữ” dường như đã là những câu chuyện lùi xa vào quá khứ, từ thời đèn dầu, nhà tranh vách đất cách đây lâu lắm.

Tuy nhiên, khi đặt chân đến lớp học tình thương của trung úy Lê Tuấn Thành tại làng Kret Krot, xã H’Ra, H.Mang Yang, Gia Lai, tôi mới biết ngay giữa cuộc sống đủ đầy mà mình đang sống vẫn còn nhiều lắm những mảnh đất và thân phận người đầy nhọc nhằn, trăn trở. Tôi đến thăm lớp vào một đêm mưa, lớp học chỉ có hơn 20 người, hầu hết đều là phụ nữ đồng bào dân tộc với nhiều độ tuổi khác nhau. Người đã hai thứ tóc, người thì chừng đôi mươi, đông nhất là tầm 25 đến 30 tuổi. Có 3 chị phải địu theo con nhỏ tới lớp. Hai em bé nằm ngoan trong địu, một em ngồi trên bàn học của mẹ, tự nhìn ra ngoài chơi thơ thẩn một mình để mẹ cầm phấn nắn nót viết từng con chữ. Nhìn những gương mặt chăm chú nghe giảng, rồi cẩn thận lật sách, ê a đánh vần như trẻ con mới thấy hết sự yêu thương và cần thiết của lớp học này.
Phấn trắng - quân phục xanh

Em bé ngủ ngoan trong giờ học của mẹ

Ảnh: Tác giả cung cấp

Từ những dấu tay lăn đầy ám ảnh

Trung úy Lê Tuấn Thành được điều động về nhận nhiệm vụ công an xã phụ trách làng Kret Krot, xã H’Ra. Đây từng là làng đặc biệt khó khăn của H.Mang Yang và là điểm nóng liên quan tới tà đạo Hà Mòn. Trong quá trình tiếp xúc, làm việc với người dân, anh nhận thấy rất nhiều người chỉ lăn tay điểm chỉ chứ không biết viết tên mình khi làm thủ tục giấy tờ. Những dấu lăn tay đó cứ ám ảnh người chiến sĩ công an trẻ.

Được sự ủng hộ của chính quyền, anh khéo léo vận động bà con đến lớp. Đây là việc hết sức khó khăn, vì cả ngày đi làm nương rẫy mệt nhọc, ai cũng chỉ muốn nhanh chóng được về nhà nghỉ ngơi. Những người phụ nữ làng Kret Krot cũng vậy, ngoài việc nương rẫy, còn phải nấu nướng và chăm con, nhưng nhờ sự nhiệt tình của trung úy Thành mà các chị, các mẹ đều cố gắng thu xếp việc nhà để 19 giờ có mặt tại lớp học của “nhong Thành”. Trưởng làng Kơ cho hay: “Nhong theo tiếng Ba Na là anh, gọi là nhong Thành để biết Thành đã như người nhà, đã là anh em với mình”.

Phấn trắng - quân phục xanh

Học vì mình và học vì con

Ảnh: Tác giả cung cấp

Phấn trắng - quân phục xanh

Trung úy Thành phát quà cho các em bé trong một chuyến từ thiện

Ảnh: Tác giả cung cấp

Một tuần chỉ học 2 buổi tối thứ hai và thứ năm, nên các học viên có con nhỏ chọn cách đem những đứa trẻ theo mình đến lớp. Chị Wenh nhìn đứa trẻ trong địu chia sẻ: “Nhong Thành cũng phải làm cả ngày mà vẫn tranh thủ đến lớp để giúp mình biết chữ, mình chẳng thể phụ lòng anh em được. Phải cố gắng thôi”.

Anh Thành cho biết Wenh sinh năm 1997, hiện tại một mình nuôi 2 con nhỏ, chồng bỏ đi nơi khác nên hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Khi biết anh mở lớp thì chị đã cố tham gia học. Thời gian đầu còn rụt rè, thu mình nhưng đến nay nhờ các học viên khác động viên, giúp đỡ, Wenh đã mạnh dạn, biết đọc và viết tốt hơn. Hiểu được cố gắng của Wenh, anh Thành đã kết nối các nhà hảo tâm hỗ trợ chị 1.000 cây keo giống để trồng phát triển kinh tế.

Muốn lớp học sôi động hơn, anh Thành mượn thêm máy chiếu để phát tin tức, giải trí, đồng thời lồng ghép các video tuyên truyền vào buổi học. Nhân những việc xảy ra trong làng, trên thời sự để lồng ghép nói chuyện, tuyên truyền chính sách, pháp luật và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, chăn nuôi…

Phấn trắng - quân phục xanh

Những nét chữ yêu thương trong lớp học của trung úy Lê Tuấn Thành

Ảnh: Tác giả cung cấp

Tận tụy vì cộng đồng

Trung úy Lê Tuấn Thành bắt đầu các hoạt động thiện nguyện từ năm 2018, đến nay anh đã sáng lập, điều hành cũng như triển khai thực hiện hiệu quả dự án “Tủ sách thắp sáng đạo đức” và “Hành trình xanh”. Dự án “Tủ sách thắp sáng đạo đức” đã trao hơn 3.000 phần quà, 40.000 cuốn sách với tổng giá trị gần 2 tỉ đồng cho các trường học, trại trẻ mồ côi, trại giam và trại cai nghiện trên khắp cả nước. Anh Thành cũng vận động một số đơn vị cùng đồng hành và thực hiện dự án “Hành trình xanh” để tổ chức dọn rác và trồng gần 200.000 cây đa dạng như giáng hương, trắc, sưa đỏ, kơ nia… cùng nhiều loại cây ăn quả và gần 300.000 cây keo tạo mô hình sinh kế cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, góp phần phát triển kinh tế với tổng kinh phí hơn 1 tỉ đồng.

Tháng 9.2023, anh sáng lập ra dự án “Tuyến đường bình yên” để san lấp, vá lại ổ gà, ổ voi trên các tuyến đường thôn xóm, đường liên thôn nhằm giúp người dân đi lại thuận lợi hơn, góp phần hạn chế tai nạn giao thông với hơn 20 lần triển khai trên 20 đoạn đường với tổng chiều dài gần 20 km trong địa bàn tỉnh Gia Lai.

Anh tâm sự: ” Đây chỉ là những việc làm nhỏ bé so với rất nhiều anh chị ngoài kia đã và đang có nhiều đóng góp to lớn cho xã hội. Bản thân tôi sẽ không làm được gì cả nếu không có đồng đội giúp sức, các nhà hảo tâm cùng đồng hành trong các hoạt động chính. Vì vậy, tôi rất tâm đắc câu nói của tỉ phú Warren Buffett: Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”.

Với những đóng góp bền bỉ và thiết thực của mình, trung úy Lê Tuấn Thành là một trong 20 gương Thanh niên tiêu biểu toàn quốc được T.Ư Hội LHTN Việt Nam tặng danh hiệu “Thanh niên sống đẹp” năm 2023. Cũng trong năm 2023, anh vinh dự là một trong 10 cá nhân trên toàn quốc được T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng giải thưởng “Tình nguyện quốc gia”. Anh còn là một trong số 100 tấm gương được tôn vinh hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2024 với 42 lần hiến máu tình nguyện.

Phấn trắng - quân phục xanh

Sách về các trường học trong khuôn khổ chương trình “Tủ sách thắp sáng đạo đức”

Ảnh: Tác giả cung cấp

Phấn trắng - quân phục xanh

Dự án “Tuyến đường bình yên” của anh Thành dặm vá các tuyến đường ở Gia Lai

Ảnh: Tác giả cung cấp

Hậu phương vững chắc

Nhìn lịch làm việc dày đặc của Thành, tôi tỏ ý thắc mắc về chuyện lo toan nhà cửa. Thành cười rất tươi, nói mình hoàn thành tốt được nhiều việc như vậy là nhờ sự ủng hộ và giúp sức của vợ. “Cô ấy là Bí thư Chi đoàn Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai, cùng tham gia các hoạt động Đoàn và công tác xã hội nên có lẽ chính vì vậy mà cô ấy luôn ủng hộ các hoạt động em đang làm”, Thành chia sẻ.

Ksor Hội – vợ Thành là người Jrai ở thị xã AyunPa, khi nghe hỏi về chồng mình cũng chỉ cười. Cô nói: “Khi mình yêu Thành, anh ấy đã là người say mê các hoạt động thiện nguyện rồi. Nhiều khi cũng bực lắm, nhưng khi thấy anh ấy chụp ảnh, hay quay phim về lớp học, về việc đi trồng rừng giúp bà con là mình hết bực thôi”. Có lẽ, nhờ có hậu phương vững chắc như vậy mà trung úy Thành ngày càng xông xáo, hết mình vì các công tác cộng đồng hơn.

Buổi học vì mưa nên có rất nhiều mối bay vào, nhưng các học viên vẫn chăm chú nhìn lên bảng đọc bài chứ không hề sao nhãng. Các em bé sau một lúc tự chơi, đã ngủ ngon trong địu hay ngay trên bàn. Nhìn giấc ngủ ngon lành của các em, tôi bỗng dưng liên tưởng đến bài thơ Khúc hát ru những em bé ngủ trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm. Giấc ngủ của em “cu Tai” ngày ấy là trên lưng mẹ, để “mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội”. Còn ở lớp học này, những em bé ngủ ngon lành để mẹ có thể tự tin thay dấu lăn tay thành những con chữ và dùng những con chữ đó để viết tên con mình. Đến lúc ra về, trong khi người chiến sĩ áo xanh đang cúi người giảng thêm về bài học cho học viên, những bạn khác cẩn thận kê lại bàn ghế, quét lại lớp học cho sớm mai, lớp học con trẻ lại rộn ràng. Trong ánh đèn dìu dịu, tiếng cười nói vui vẻ khi tan học của các bà, các mẹ, các anh khiến ngày dài kết thúc một cách vô cùng ý nghĩa…

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img