VTV.vn – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã xây dựng Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp tại ĐBSCL.
Theo NHNN, việc phối hợp các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng chương trình trên là nhằm thực hiện Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc tại Văn bản số 7142/VPCP-KTTH ngày 03/10/2024 về việc triển khai Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo.
Ngày 11/10/2024 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có các văn bản số 8363/NHNN-TD gửi UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL; và văn bản số 8364/NHNN-TD gửi các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL hướng dẫn một số nội dung để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai thực hiện.
Mức cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa sẽ từ 100 triệu đồng đến 3 tỷ đồng.
Chương trình cho vay được thực hiện theo 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn thí điểm từ nay tới cuối năm 2025 do Agribank là ngân hàng chủ lực cho vay và giai đoạn mở rộng từ khi kết thúc thí điểm tới năm 2030 tại các TCTD. Các TCTD thực hiện cho vay bằng nguồn vốn tự huy động của TCTD do đó, việc cho vay được thực hiện theo cơ chế thương mại với các điều kiện cho vay theo quy định hiện hành của TCTD đối với khách hàng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn ngắn, trung, dài hạn của tất cả các khâu, từ sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ… trong liên kết lúa gạo.
Theo đó, các TCTD sẽ chủ động cân đối nguồn vốn, tiết giảm chi phí để xem xét áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 01%/năm so với lãi suất cho vay của kỳ hạn tương ứng đang áp dụng đối với khách hàng cùng kỳ hạn hoặc cùng nhóm. Mức cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa sẽ từ 100 triệu đồng đến 3 tỷ đồng, tùy đối tượng vay là khách hàng cá nhân hay tổ hợp tác, hợp tác xã…
Chương trình cũng có chính sách khuyến khích người dân mua bảo hiểm trong nông nghiệp thông qua giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm so với lãi suất của các khoản cho vay cùng loại và có thời hạn tương ứng.
Theo NHNN, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các tỉnh, TP vẫn chưa công bố định mức chi phí thực tế thực hiện khâu sản xuất lúa gạo trong liên kết lúa gạo và xác định, công bố các vùng chuyên canh, các liên kết và chủ thể tham gia liên kết theo Quyết định 1490 nên các TCTD chưa có cơ sở đánh giá về nhu cầu vốn phục vụ các chuỗi liên kết theo đề án. Tuy nhiên, về nguyên tắc, khả năng giải ngân phụ thuộc vào khả năng hấp thụ vốn thực tế của các chủ thể tham gia liên kết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!