Monday, November 25, 2024

Đề xuất giảm 30% tiền thuê đất năm 2024

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về việc giảm tiền thuê đất năm 2024, để có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Đề xuất giảm 30% tiền thuê đất năm 2024

 

Theo dự thảo, đối tượng áp dụng là tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất, trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (tính tại thời điểm người thuê đất nộp hồ sơ đề nghị giảm tiền thuê đất theo quy định) dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm (gọi là người thuê đất). 

Quy định này áp dụng cho cả trường hợp người thuê đất không thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền thuê đất, và trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai (Luật và các văn bản hướng dẫn chi tiết Luật) và pháp luật khác có liên quan; Cơ quan có thẩm quyền giải quyết hồ sơ giảm tiền thuê đất; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Về mức giảm tiền thuê đất, dự thảo đề xuất 2 phương án như sau:

– Phương án 1: Giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2024 đối với người thuê đất quy định tại Điều 2 Nghị định này.

– Phương án 2: Giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2024 đối với người thuê đất quy định tại Điều 2 Nghị định này.

Bộ Tài chính trình Chính phủ đề xuất Phương án 2. Theo Bộ Tài chính, phương án này phù hợp với tình hình diễn biến mới về kinh tế – xã hội của cả nước; cụ thể: Tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại. Tăng trưởng GDP Quý III của cả nước có thể giảm 0,35%, Quý IV giảm 0,22% so với kịch bản không có Bão số 3. Phương án 1 do Bộ Tài chính đề xuất trong kịch bản không có Bão số 3.

Số tiền thuê đất, thuê mặt nước được giảm trung bình các năm 2020, 2021, 2022, 2023 là 2.890 tỷ đồng/năm (riêng trung bình các năm 2021, 2022, 2023 là 3.734 tỷ/năm). Qua đó đã góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân trong việc tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để có thể sớm khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch (các năm 2020, 2021, 2022) và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh (năm 2023).

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img