Giữa một người đồng nghiệp có IQ cao và một người có EQ cao, bạn sẽ chọn làm việc với ai?
Chỉ số EQ (Emotional Quotient) là chỉ số cảm xúc. Đây là thước đo nhằm đánh giá khả năng kiểm soát và điều tiết cảm xúc; sự đồng cảm và lòng trắc ẩn; động lực thúc đẩy và kỹ năng giao tiếp xã hội… của một con người. Biểu hiện của người có EQ cao là quan tâm tới cảm xúc của người khác, cư xử có chừng mực, khoan dung, chân thành…
Mỗi người đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng trong công việc. Một người có chỉ số IQ cao không đồng nghĩa với việc EQ cũng cao. Điều gì sẽ xảy ra khi bạn có một người đồng nghiệp như thế?
Mệt mỏi với đồng nghiệp EQ thấp
Chị Thanh Bình (23 tuổi, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) làm việc tại một công ty nghiên cứu thị trường, thường xuyên gặp tình huống “éo le” khi làm việc với đồng nghiệp IQ cao nhưng EQ lại thấp.
“Khi mới vào công ty, tôi rất hào hứng khi được sếp chỉ định làm chung dự án với một đồng nghiệp rất giỏi. Anh ấy có kỹ năng phân tích, xử lý số liệu rất xuất sắc nhưng đôi khi lại không kiềm chế được cảm xúc của mình. Khi tôi làm gì không vừa ý thì anh ấy sẽ nặng lời, thậm chí đôi khi lại quở trách tôi ngay trước mặt các đồng nghiệp khác”, chị Bình bày tỏ.
Cùng hoàn cảnh đó, chị Kim Tuyến (24 tuổi, ở Q.Bình Tân, TP.HCM) nhiều lần muốn nghỉ việc vì thường xuyên xảy ra xung đột với đồng nghiệp. Chị Tuyến đang làm tại một công ty truyền thông đã hơn 3 năm.
“Làm việc với đồng nghiệp thiếu sự tinh tế trong giao tiếp rất mệt mỏi. Mỗi khi bàn luận cho dự án mới, tôi thường bị bác bỏ và chê bai thẳng, dù đôi khi ý kiến của tôi không hoàn toàn sai. Khi mới làm việc chung, tôi thấy rất tổn thương vì nghĩ rằng mình không có năng lực”, chị Tuyến nói.
Cách ứng xử khôn khéo
Chia sẻ về vấn đề này, anh Vũ Quang Tiến, đại diện nhân sự Công ty TNHH thương mại – dịch vụ HB-KMIX chia sẻ: “Bản thân tôi cũng đã từng trải qua trường hợp này. Theo tôi, khi rơi vào tình huống có phần khó xử như thế, trước hết chúng ta nên xử lý một cách nhẹ nhàng, điềm tĩnh, thông minh. Nếu đồng nghiệp có lời nói không hay hoặc họ không biết suy nghĩ cho người khác thì cũng đừng nên tranh cãi quá gay gắt.
Tôi sẽ chọn cách giao tiếp rõ ràng, thẳng thắn, nếu được thì dĩ hòa vi quý. Bởi vì khi mình tranh cãi, làm lớn chuyện thì không ai là người được lợi. Đôi khi còn làm xấu đi hình ảnh của mình trong mắt các đồng nghiệp khác và sếp”.
Anh Tiến trao đổi thêm, kỹ năng làm việc nhóm và tinh thần hợp tác là những yếu tố then chốt, quan trọng cần có khi đi làm. Việc giữ một tinh thần cởi mở, tích cực, biết cách tôn trọng, lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp sẽ mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội hơn.
Và không có ai là hoàn hảo nên đừng quá khắt khe nếu bản thân hay đồng nghiệp của mình lỡ phạm lỗi, quan trọng là phải rút ra được bài học từ những sai lầm và không ngừng cải thiện nó.
Nguồn: thanhnien.vn