Quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) cùng các quân nhân vận hành của Mỹ tới Israel được cho là tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với Washington.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Pat Ryder ngày 13/10 xác nhận Tổng thống Joe Biden và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã đồng ý triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) cùng các quân nhân vận hành của Mỹ tới Israel. Quyết định này được cho là tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với Washington.
“Việc triển khai THAAD tại Israel nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ Israel và bảo vệ công dân Mỹ tại Israel khỏi bất kỳ cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo nào của Iran. Đây cũng là một phần trong những điều chỉnh mà quân đội Mỹ đã thực hiện trong vài tháng qua nhằm hỗ trợ bảo vệ Israel cũng như bảo vệ công dân Mỹ khỏi các cuộc tấn công của Iran và các lực lượng dân quân liên kết với Iran”, ông Ryder nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi cùng ngày nhấn mạnh, với việc chuyển giao số lượng vũ khí kỷ lục cho Israel, Washington “đang đặt tính mạng của quân nhân nước này vào vòng nguy hiểm khi triển khai họ để vận hành các hệ thống tên lửa của Mỹ tại Israel”.
“Mặc dù chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều trong những ngày gần đây để ngăn chặn một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực, nhưng tôi phải tuyên bố rõ ràng rằng chúng tôi không có ranh giới đỏ nào trong việc bảo vệ người dân và lợi ích của mình”, ông Araghchi nói, ám chỉ đến cam kết của Tehran trong việc đáp trả bất kỳ hành động nào của Tel Aviv nhằm trả đũa cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran hôm 1/10.
Tên lửa Iran có khả năng xuyên thủng THAAD
Trong khi đó, truyền thông Iran cảnh báo, sự hiện diện của THAAD ở Israel sẽ không khiến Tehran phải thay đổi chiến lược quân sự. Tên lửa của Iran đã chứng tỏ có khả năng xuyên thủng lá chắn phòng không nhiều lớp tinh vi của Israel và Tehran có thể làm như vậy một lần nữa khi cần thiết và khi hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ được triển khai tại Israel.
Kênh Press TV ngày 14/10 trích dẫn đoạn video công bố cuối tuần trước cho thấy một radar Raytheon X-band giống như một phần của hệ thống THAAD bị phá hủy trong một cuộc tấn công chính xác của Iran trước cuộc tấn công tên lửa hôm 1/10. Nếu được xác minh là chính xác, đoạn video này sẽ giỉa thích lý do vì sao hàng chục tên lửa của Iran đã có thể tiếp cận mục tiêu mà không bị phòng không Israel đánh chặn.
Theo giải thích của Press TV, tên lửa Kheibar của Iran “dễ dàng xuyên thủng các hệ thống phòng không nổi tiếng của Israel”, bao gồm cả hệ thống David’s Sling và Arrow-3. Kênh này cũng đưa ra thông tin chi tiết về cách Iran có thể làm được điều tương tự với hệ thống THAAD của Mỹ.
“Kheibar Shekan-1 đã né tránh được hệ thống Arrow-3, vốn chỉ hoạt động bên ngoài bầu khí quyển, bằng cách bay dưới phạm vi giao chiến của nó. Khi đến gần phạm vi của hệ thống Arrow-2, tên lửa bay ở tầm cực thấp khiến nó rất khó bị đánh chặn. Khả năng cơ động cũng cho phép Kheibar Shekan-1 dễ dàng đánh bại David’s Sling”, phân tích của Press TV cho hay.
Trong khi khả năng giao chiến với các mục tiêu tầm thấp của THAAD có thể giúp nó đối phó hiệu quả với Kheibar Shekan-1, thì tầm bắn xa hơn của Kheibar Shekan-2 và phương tiện lướt khí động học cho phép nó ‘đánh đổi’ tầm bắn mở rộng để lấy khả năng lướt ở độ cao thấp, dưới phạm vi giao chiến của hệ thống THAAD, đặc biệt là ở độ cao dưới 35km. Điều này cho phép tên lửa lọt qua THAAD và tiếp cận mục tiêu.
Phân tích của Press TV cũng chỉ ra rằng ngay cả Kheibar Shekan-1 cũng có cơ hội đánh bại THAAD nếu nó nhắm vào các địa điểm ở rìa tầm đánh chặn của hệ thống phòng không Mỹ. Đó là chưa kể đến thực tế là THAAD, mặc dù tiên tiến nhưng cũng cực kỳ tốn kém với số lượng tên lửa đánh chặn có sẵn rất hạn chế, đặc biệt là khi so với số lượng và quy mô kho tên lửa đạn đạo của Iran, về mặt lý thuyết có thể làm ngợp hệ thống phòng thủ của Israel/Mỹ.
Thất bại của THAAD, hệ thống có giá lên tới 1 tỷ USD, trong trường hợp như vậy có thể ảnh hướng tới uy tín của vũ khí Mỹ cũng như sự thống trị toàn cầu của Washington trong lĩnh vực này, kể cả trong mắt đồng minh.
Rủi ro cả về đối nội và đối ngoại của Mỹ
Mỹ cũng sẽ phải đối mặt với là những rủi ro cả về chính sách đối ngoại và đối nội khi triển khai hệ thống THAAD tới Israel.
“Mỹ triển khai THAAD như một phần trong quá trình chuẩn bị cho phản ứng của Iran trước cuộc tấn công trả đũa sắp tới của Israel”, Yeghia Tashjian, nhà phân tích chính trị, điều phối viên nhóm các vấn đề khu vực và quốc tế tại Viện Chính sách công và Quan hệ quốc tế Issam Fares, tại Beirut, Lebanon nói với Sputnik.
“Các kế hoạch liên quan tới THAAD báo hiệu rằng Mỹ hiện đang ‘mắc kẹt’ trong cuộc chiến ở Trung Đông, mặc dù đây là điều mà chính quyền Biden không mong muốn”, ông Tashjian giải thích, đồng thời cho biết ông sẽ không ngạc nhiên nếu hoạt động triển khai quân sự của Mỹ tại Israel mở rộng hơn nữa.
Nhà quan sát Lebanon nhấn mạnh, Nhà Trắng có mọi lý do để muốn tránh can thiệp sâu hơn, nhất là khi cuộc bầu cử tổng thống đang gần kề và sức mạnh của khối cử tri Arab rất quan trọng đối với đảng Dân chủ tại bang chiến địa Michigan, chưa kể đến việc công chúng Mỹ nói chung không muốn Mỹ can dự sâu vào một “cuộc phiêu lưu” mới ở Trung Đông.
Về các mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ, ông Tashjian cho rằng, xung đột ở Trung Đông leo thang có thể làm chậm trễ thêm các đợt cung cấp vũ khí của Mỹ và NATO cho Ukraine
“Phương Tây không thể chiến đấu trên nhiều mặt trận cùng lúc”, ông Tashjian nhấn mạnh, chỉ ra rằng bên cạnh Gaza, Lebanon và Ukraine, Mỹ còn phải đối mặt với các mối đe dọa tiềm tàng từ Nga, Trung Quốc và chứng kiến chu kỳ leo thang mới trên Bán đảo Triều Tiên.
Nguồn: vov.vn