Các nhà phân tích dự đoán Singapore sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ vào đầu năm tới nhằm phòng ngừa các rủi ro bên ngoài.
Cơ quan tiền tệ Singapore vừa quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ, khi nền kinh tế nước này đã cải thiện trong quý III. Các nhà phân tích dự đoán Singapore sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ vào đầu năm tới nhằm phòng ngừa các rủi ro bên ngoài.
Dữ liệu sơ bộ từ Bộ Thương mại cho hay, trong quý III, kinh tế Singapore đã tăng trưởng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, nhờ sự mở rộng của lĩnh vực sản xuất, cao hơn tốc độ tăng trưởng trong quý II. Với số liệu này, các nhà hoạch định chính sách Singapore đã thể hiện sự lạc quan về triển vọng tăng trưởng cho năm 2025. Dự báo lạm phát lõi của “đảo quốc sư tử” sẽ giảm xuống khoảng 2% vào cuối năm, mở đường cho việc hạ lãi suất vào tháng 1 của năm sau.
Triển vọng tăng trưởng của “đảo quốc sư tử” đang trở nên sáng sủa hơn
Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS, ngân hàng trung ương) cho biết, cơ quan này sẽ duy trì tỷ giá hối đoái hiện tại theo biên độ chính sách dựa trên tỷ giá hối đoái danh nghĩa hiệu quả bằng đồng nội tệ (S$NEER). MAS có phương pháp thực hiện chính sách tiền tệ riêng với việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái của SGD thay vì thay đổi lãi suất trong nước như hầu hết các nền kinh tế khác. S$NEER là chỉ số kết hợp được tạo thành từ tỷ giá hối đoái song phương giữa Singapore và các đối tác thương mại lớn của nước này.
Theo MAS, những rủi ro đối với triển vọng lạm phát của Singapore đang cân bằng hơn so với ba tháng trước và động lực tăng trưởng đã được cải thiện. MAS dự kiến lạm phát lõi sẽ giảm xuống khoảng 2% vào cuối năm 2024, sau khi đạt đỉnh 5,5% vào đầu năm 2023.
Nhà kinh tế Selena Ling của ngân hàng OCBC, cho rằng triển vọng tăng trưởng của “đảo quốc sư tử” đang trở nên sáng sủa hơn. Tuy nhiên, bà Ling cũng nhấn mạnh rằng căng thẳng địa chính trị và các xung đột thương mại vẫn là những mối lo ngại đối với Singapore. Theo bà Ling, MAS có cơ hội nới lỏng chính sách trong đợt đánh giá tiếp theo vào tháng 1.
Nhà kinh tế Shivaan Tandon, tại công ty nghiên cứu kinh tế độc lập Capital Economics, đồng tình với quan điểm của bà Ling và cho rằng nguy cơ từ việc giữ chính sách tiền tệ quá chặt trong thời gian dài sẽ buộc ngân hàng trung ương phải điều chỉnh chính sách.
MAS kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng sẽ tăng trưởng ở mức cao trong phạm vi dự báo của Bộ Thương mại từ 2-3% cho năm 2024. Tuy nhiên, cơ quan này cảnh báo những rủi ro bên ngoài đặt ra sự không chắc chắn “đáng kể” cho năm tới.
MAS nhấn mạnh rằng sự leo thang các xung đột địa chính trị và thương mại có thể tạo ra những tác động lớn đến đầu tư và thương mại trong nước cũng như toàn cầu.
Nguồn: vtv.vn