Sunday, November 24, 2024

Cần cơ chế đặc thù xử lý tài sản đại án?

Viện KSND tối cao đang xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội, trong đó đề xuất một số ‘cơ chế đặc thù’ về xử lý vật chứng, tài sản, áp dụng trong các vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế, tham nhũng, chức vụ.

Trả tiền cho bị hại mà không cần chờ tòa tuyên án

Cơ quan soạn thảo cho biết, thời gian qua xuất hiện nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, số tiền thiệt hại đặc biệt lớn, liên quan đến nhiều bị hại. Dù cơ quan thụ lý vụ án đã thu giữ được số tiền đủ để trả cho bị hại, nhưng lại không thể thực hiện bồi thường cho bị hại, vì pháp luật tố tụng chưa có quy định về nội dung này. Cũng theo quy định hiện hành, vật chứng, tài sản là tiền (thu giữ được của đối tượng để bồi thường thiệt hại cho bị hại) phải được bảo quản tại kho bạc nhà nước, không được gửi vào ngân hàng thương mại để sinh ra lợi tức, dẫn đến thiệt hại không nhỏ cho bị hại và các chủ sở hữu khác có liên quan.

Cần cơ chế đặc thù xử lý tài sản đại án?

Vụ án Tân Hoàng Minh là ví dụ điển hình được Viện KSND tối cao viện dẫn về những bất cập trong việc xử lý vật chứng, tài sản

 

Vụ án Tân Hoàng Minh là điển hình cho câu chuyện trên, khi số tiền tạm giữ lên tới gần 8.400 tỉ đồng. Mặc dù đã xác định rõ bị hại và số tiền bị chiếm đoạt, thế nhưng cơ quan điều tra không được phép trả lại cho bị hại mà phải chờ bản án của tòa. Chưa kể, do phải gửi vào kho bạc nhà nước nên số tiền bị “đóng băng”, nếu được gửi vào ngân hàng thương mại thì có thể sinh ra lợi tức khoảng 700 tỉ đồng.

Một bất cập nữa được Viện KSND tối cao đề cập, đó là biện pháp kê biên vật chứng, tài sản là bất động sản (BĐS) và tài sản gắn liền với đất. Những tài sản này sau khi bị kê biên sẽ được giao cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp và bị “đóng băng”, không được khai thác, sử dụng. Điều này dẫn đến lãng phí nguồn lực. Hay như chứng khoán là loại tài sản có chỉ số biến động giá trị rất nhanh (có thể tăng, giảm, thậm chí về 0), nếu niêm phong và không được phép lưu thông thì có thể gây thiệt hại cho chủ sở hữu.

Để khắc phục, Viện KSND tối cao cho rằng cần có quy định nhằm xử lý sớm, chủ động, linh hoạt hơn đối với vật chứng, tài sản; không nhất thiết phải đợi đến khi có bản án hoặc quyết định của tòa.

Cơ quan soạn thảo đề xuất nếu vật chứng, tài sản là tiền đã thu giữ, tạm giữ, phong tỏa tài khoản để bồi thường thiệt hại mà đã xác định được chủ sở hữu, bị hại, giá trị phải bồi thường, thì cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trả lại ngay số tiền đó cho bị hại. Riêng với tiền trong tài khoản đang bị phong tỏa, cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét, quyết định cho chủ sở hữu tài khoản đó được chuyển đổi thành hình thức tiền gửi tiết kiệm có thời hạn, sau đó phong tỏa tài khoản tiết kiệm này để chờ xử lý.

Với vật chứng, tài sản là giấy tờ có giá, BĐS hoặc tài sản gắn liền với đất đã thu giữ, tạm giữ, kê biên mà có đủ điều kiện để mua bán, chuyển nhượng theo quy định của pháp luật, cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét, quyết định cho chủ sở hữu hoặc người đại diện của họ được mua bán, chuyển nhượng. Số tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản nêu trên, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ tạm giữ, xử lý theo quy định.

Cần hết sức thận trọng, tránh tùy tiện

Bày tỏ sự ủng hộ đối với một số chính sách trong dự thảo nghị quyết, luật sư (LS) Hà Công Tâm, Đoàn LS TP.Hà Nội, kỳ vọng việc cho phép mua bán, chuyển nhượng đối với vật chứng là BĐS sẽ đảm bảo cho BĐS được đưa vào quản lý, sử dụng, tránh hoang hóa, giảm giá trị, dẫn đến bị thu hồi. Hay như đề xuất tiền trong tài khoản đang bị phong tỏa được chuyển đổi thành hình thức tiền gửi tiết kiệm, việc này sẽ đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho chủ sở hữu tài sản, thông qua lợi tức phát sinh. Khoản lợi tức sẽ được xác định là chính đáng, góp phần nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản hoặc khắc phục hậu quả cho bị hại.

Cần cơ chế đặc thù xử lý tài sản đại án?

Các nhà đầu tư được xác định là bị hại làm thủ tục tham dự phiên tòa xét xử vụ án Tân Hoàng Minh

ẢNH: PHÚC BÌNH

LS Nguyễn Thị Kim Vinh, Đoàn LS TP.HCM, nguyên thẩm phán TAND tối cao, cũng đánh giá cao về mục tiêu của dự thảo nghị quyết, khi hướng đến giải quyết nhanh gọn đối với vật chứng, tài sản, từ đó bảo đảm quyền lợi cho người liên quan, tránh thất thoát và hao mòn giá trị. Tuy vậy, việc thực hiện các chính sách ra sao thì phải hết sức thận trọng, tránh tùy tiện.

Theo nữ LS, cần có quy định phân loại tài sản nào thuộc diện được chuyển nhượng, tài sản nào không. Với vụ án đã rõ, ít người liên quan, tài sản thuộc diện mau hỏng (lương thực, thực phẩm…) thì áp dụng như đề xuất là rất hợp lý. Ngược lại, với vụ án phức tạp, tài sản có tính ổn định, khó bị hao hụt (tiền, BĐS…) thì cần cân nhắc. Bởi việc chuyển nhượng sẽ kèm theo vấn đề định giá sao cho hợp lý, cho chuyển nhượng nhưng sau này phát sinh tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án thì quyền lợi các bên sẽ giải quyết ra sao.

Tương tự với việc trả tiền cho bị hại ngay trong giai đoạn điều tra, làm sao để thực hiện công bằng giữa tất cả bị hại, tránh “người ít, người nhiều”, vụ án có 2 giai đoạn mà xử lý trả tiền ngay ở giai đoạn 1 thì giai đoạn 2 sẽ thế nào? Chưa kể có những vụ án tòa phải xem xét giải quyết phần hình sự và dân sự đồng thời hay tách ra, nếu thực hiện luôn trong giai đoạn điều tra có thể sẽ dẫn tới nhầm lẫn.

“Một tình huống nữa, đó là khi điều tra thì cơ quan điều tra xác định mức độ thiệt hại từng này, nhưng khi xét xử tòa án lại xác định mức độ thiệt hại từng kia. Tiền thì đã trả lại rồi, người nhận tiền đã tiêu hết rồi, sẽ xử lý như thế nào đây?”, LS Vinh đặt giả thiết.

Xử lý sao nếu phát sinh tình tiết mới?

Ông Trương Việt Toàn, nguyên thẩm phán, nguyên Phó chánh tòa hình sự TAND TP.Hà Nội, bày tỏ băn khoăn đối với một số chính sách tại dự thảo nghị quyết, nhất là đề xuất trả lại tiền cho bị hại mà không cần chờ tòa tuyên án.

Ông Toàn nói, theo nguyên tắc hiến định, một người chỉ được coi là có tội khi người đó bị kết tội bởi bản án có hiệu lực pháp luật. Nghĩa là, chỉ khi được cho là có tội thì các hậu quả pháp lý khác mới phát sinh với tội danh tương ứng, gồm mức hình phạt, trách nhiệm bồi thường dân sự… Nếu áp dụng quy định như dự thảo, trước khi vụ án được tòa xét xử thì ai, cơ quan nào, liệu có đầy đủ tài liệu, chứng cứ để tính toán mức thiệt hại và chế định bồi thường tương ứng cho bị hại hay không?

“Theo tôi, sẽ không có chủ thể nào bảo đảm việc này một cách chính xác, khách quan, toàn diện ngoài hội đồng xét xử”, ông Toàn nêu quan điểm. Bởi lẽ, khi xét xử, hội đồng xét xử mới có đầy đủ hồ sơ, tài liệu, chứng cứ, diễn biến tranh tụng công khai tại phiên tòa…; cũng có khả năng tại phiên tòa người bị hại mới xuất trình những tài liệu, chứng cứ về thiệt hại của mình; lúc đó hội đồng xét xử mới tính toán được mức thiệt hại mà hành vi phạm tội gây ra để tuyên bồi thường cho bị hại.

Vẫn theo vị nguyên thẩm phán, có những tội danh về chiếm đoạt, dựa trên nguyên tắc tự định đoạt, tại phiên tòa, bị hại từ chối nhận bồi thường. Trường hợp này liệu áp dụng dự thảo nghị quyết có vướng mắc hay không? Hoặc, nếu giai đoạn điều tra đã thực hiện trả tiền cho các bị hại, đến lúc tại tòa án, qua tranh tụng xuất hiện những tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án, xuất hiện người bị hại mới, hoặc xác định bị cáo không phạm tội, thì lúc đó tài sản đã chi trả trước cho bị hại sẽ xử lý ra sao? Điều này sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy tiếp theo.

Băn khoăn quy định về tạm ngừng giao dịch tài sản

Một nội dung khác khiến ông Trương Việt Toàn cũng băn khoăn, đó là dự thảo quy định về tạm ngừng giao dịch tài sản. Theo ông Toàn, bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) chỉ áp dụng các biện pháp cưỡng chế gồm áp giải, dẫn giải, kê biên và phong tỏa, mà không có biện pháp tạm ngừng giao dịch. Bản thân chế định kê biên đã bao gồm cấm chuyển dịch, cấm mua bán… trong giai đoạn đang điều tra, truy tố, xét xử. Vậy có thật sự cần thiết quy định thêm biện pháp tạm ngừng giao dịch?

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img