Thursday, October 17, 2024

Dịch giả Trịnh Lữ trở lại làng sách qua… hội họa

Được biết đến là một trong những dịch giả kỳ cựu với những dịch phẩm gây được sự chú ý như ‘Cuộc đời của Pi’, ‘Đại gia Gatsby’…, mới đây, Trịnh Lữ đã trở lại làng sách nhưng không phải qua công tác dịch thuật mà là tập ký ‘Đi vẽ’, ghi lại quá trình sáng tác của mình.

Đi vẽ – Nhật ký hội họa 2014 của Trịnh Lữ bao gồm 70 đoạn ghi chép kèm theo gần 70 bức tranh phong cảnh được in màu toàn bộ của họa sĩ Trịnh Lữ trong hơn 100 ngày đạp xe đi vẽ phong cảnh trên đất Mỹ.

Trong buổi triển lãm tranh vào năm năm 2015 tại Hà Nội trưng bày những tác phẩm này, Trịnh Lữ đã viết: “Phong cảnh là gì? Là hình tượng của trời, đất, và đời. Vẽ phong cảnh là đi tìm những hình tượng ấy chăng? Cũng không hẳn thế. Vậy thì vẽ gì? Vẽ cái hữu duyên chợt nhìn thấy, nhận ra. Gọi là gì? Là cái ‘giao cảm’ riêng tư giữa mình với cảnh. Khi mình cũng đang là khóm cây, ngọn cỏ, vệt nắng, vầng mây đang cùng thầm hát theo tiếng nhạc đời trầm lắng…”.

Dịch giả Trịnh Lữ trở lại làng sách qua... hội họa

Đi vẽ – Nhật ký hội họa 2014 của Trịnh Lữ gồm 70 đoạn ghi chép và tranh trong hơn 100 ngày đạp xe đi vẽ phong cảnh trên đất Mỹ

ẢNH: O.P

Có thể nói những tự vấn ấy đã len lỏi vào lời, vào tranh khiến lời nào, tranh nào cũng bồi hồi, tha thiết. Từ mối “giao cảm” của tác giả với cảnh mà ta nghe ra mối giao cảm của ta với tác giả. Vậy nên, cuốn sách này vẽ cảnh xứ người mà cái tâm tình thì gần gũi với chính chúng ta. Từ đó, đọc những lời Trịnh Lữ viết, xem tranh Trịnh Lữ vẽ, bạn đọc hẳn sẽ có cảm giác ngồi xuống, uống trà, xem tranh, trò chuyện thân tình…

Thế giới phẳng bây giờ đâu cũng là nhà chăng?

Lần “tái xuất” này, tác phẩm đã được ra đời với những thay đổi so với 10 năm trước, như khổ sách 17×22 cm – to hơn, mang đến cho bạn đọc những trải nghiệm đọc và xem tranh tốt hơn. Ngoài ra ấn phẩm cũng bổ sung thêm những suy tư chưa có ở bản cũ.

TS Phạm Long – người chủ trương và giới thiệu tác phẩm – đã chia sẻ rằng: “Bài ký nào, bức họa nào trong tác phẩm này cũng mộc như cái tình chân thành của người nghệ sĩ yêu đất, yêu trời, yêu đời, yêu người, rủ rỉ một mình, mà sao khiến người đọc dễ lây đến thế cái an nhiên tự tại”.

Ông cũng nói thêm: “Càng xem tranh ông, đọc các ghi chép đi vẽ hằng ngày của ông, người mê tranh mê chữ như được đồng thỏa niềm khát. Bảng màu của ông dung dị mà sang trọng, bút pháp hàn lâm, thâm hậu, ấn tượng và biểu cảm. Giọng văn ông gần gũi, nhẹ nhàng, giàu thi tính, khiến người đọc thấy như đang được rong ruổi xe đạp cùng ông, dựng giá vẽ bên lối mòn trong rừng hay ngồi phệt xuống đâu đó bên vệ cỏ một chiều ẩm ướt, nghe ông thủ thỉ chuyện đời trong khi chứng kiến những nét thiên nhiên hiện dần lên dưới tay bút kỳ tài. Tranh ông vẽ đất khách người dưng mà sao không thấy xa lạ cảnh sắc hay cách trở nhân tình. Thế giới phẳng bây giờ đâu cũng là nhà chăng?…”.

Dịch giả Trịnh Lữ trở lại làng sách qua... hội họa

Có thể nói những tự vấn ấy đã len lỏi vào lời, vào tranh khiến lời nào, tranh nào cũng bồi hồi, tha thiết…

ẢNH: O.P

Vào năm 2016, dân làng Shorewood – nơi Trịnh Lữ chọn để họa lại phong cảnh – đã tổ chức buổi triển lãm tranh và nhóm vẽ tranh hằng tuần với Trịnh Lữ là người truyền cảm hứng. Cuối năm 2018, tạp chí Shorewood Hôm nay giới thiệu Trịnh Lữ là một “hàng xóm” tốt lành của cộng đồng địa phương.

Trịnh Lữ từng theo học tại Đại học Mỏ – Địa chất. Ông tốt nghiệp thạc sĩ Khoa học Truyền thông tại Đại học Cornell. Ông từng đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau, như làm công tác địch vận trên sóng phát thanh trong chiến tranh chống Mỹ, chuyên gia Truyền thông Phát triển của Liên Hiệp Quốc, tư vấn độc lập về chiến lược và truyền thông phát triển (Việt Nam và Mỹ)…

Trong những năm qua ông đã dịch và viết sách văn học, hội họa, nhiếp ảnh, tham gia podcast và làm diễn giả trong nhiều sự kiện của thanh thiếu niên hiện nay; đã có nhiều triển lãm cá nhân cũng như tham gia triển lãm nhóm tại Mỹ và Việt Nam.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img