Khởi nghiệp từ nghề nông, người nông dân ấy mang trong mình khát vọng đổi mới, nâng cao giá trị nông sản địa phương.
Khát vọng đổi đời
Trong bối cảnh nhiều nông dân “chán ruộng, bỏ đồng, vào nhà máy” thì ông Nguyễn Đức Mệnh lại quyết định tập trung đầu tư vào nông nghiệp để làm giàu trên chính quê hương mình, dù biết con đường này rất vất vả, gian nan.
Ngày trước, cũng giống như các hộ khác tại địa phương, kế sinh nhai của gia đinh ông Mệnh là trồng cà rốt. Sau đó, nhà ông bắt đầu thu gom cà rốt của người dân để buôn bán kiếm lời. Song công việc này không phải lúc nào cũng thuận lợi, bởi mặt hàng tươi nếu không tiêu thụ kịp thời sẽ mất nhiều hơn được.
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm mì ăn liền, ông Mệnh thấy được cơ hội làm ăn.
Nhìn quy mô Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương với các trang thiết bị đầu tư hiện đại trị giá cả trăm tỷ đồng như ngày nay ít ai biết ông Nguyễn Đức Mệnh xuất phát điểm từ nông dân thực thụ.
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Đức Mệnh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương nói: Nhìn những người nông dân “một nắng, hai sương”, cũng trồng lúa, rau màu như bao nông dân khác mà năm được mùa thì lại mất giá, thu nhập bấp bênh. Tiếc công sức bỏ ra, năm 1992, gia đình ông đứng ra làm đơn vị thu mua nông sản phẩm của bà con nông dân trong vùng, đồng thời tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản tại địa phương giúp cho bà con yên tâm sản xuất.
Ông Mệnh kể, lúc đầu, tôi buôn bán nông sản tươi nhưng hiệu quả không cao. Sau đó, tôi quyết tìm hướng tiêu thụ mới. Khi trên thị trường xuất hiện các công ty sản xuất mì ăn liền, tôi đã nhìn thấy cơ hội làm ăn, bởi các gói gia vị bên trong có một số loại nông sản như hành lá, cà rốt sấy khô. Hồi ấy không có thông tin hay điện thoại để liên lạc như bây giờ. Tôi thường lấy địa chỉ trên các sản phẩm rồi đến tận các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Thời điểm mới khởi nghiệp, công ty phải đi khắp nơi để tìm đầu ra cho sản phẩm thì nay nhiều doanh nghiệp tự tìm đến đặt mua. Có thời điểm, năng lực sản xuất của công ty không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Tất cả là nhờ chất lượng và uy tín làm nên thành công.
Đưa nông sản vươn xa
Sau hơn chục năm hoạt động, hiện Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương đã xây dựng được uy tín, chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trên 30 sản phẩm rau, quả như cà rốt, hành, tỏi, ớt… tươi và sấy khô với gần 40 đối tác trên khắp cả nước.
Doanh nhân Nguyễn Đức Mệnh chia sẻ, những năm qua Công ty cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương đã liên kết chặt chẽ với hàng nghìn nông dân ở Hải Dương và nhiều tỉnh thành trên cả nước xây dựng những vùng nguyên liệu lớn với diện tích hàng trăm ha.
Theo hợp đồng liên kết, phía Công ty sẽ cung cấp giống, phân bón, hướng dẫn tập huấn kỹ thuật và ký hợp đồng thu mua đảm bảo đầu ra nông sản nên nông dân yên tâm và phấn khởi. Còn về phía Công ty cũng có lợi ích là có được vùng nguyên liệu ổn định, sản phẩm nông sản đồng đều về mẫu mã và có chất lượng cao, chinh phục được các đối tác nước ngoài như châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Hằng năm, công ty thu mua và cung ứng ra thị trường trên 10.000 tấn cà rốt tươi; khoảng 3.000 tấn hành, tỏi; hơn 1.000 tấn củ cải; 3.000 tấn rau gia vị và trên 3.000 tấn rau vụ đông.
Năm 2023, doanh thu của công ty đạt 95 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí thu lãi 7 tỷ đồng. Hiện nay, công ty giải quyết việc làm cho 100 lao động thường xuyên với thu nhập 7,5 triệu đồng/người/tháng, 120 lao động thời vụ. Theo ông Mệnh, hiện Công ty đã xây dựng khu sản xuất chế biến theo mô hình khép kín, từ khi sơ chế sản phẩm đến khi thành phẩm. Công ty có 4 dây chuyền sơ chế phân loại củ cà rốt và rau các loại với công suất 18 tấn/dây chuyền.
Để áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, Công ty đã đầu tư máy móc công nghệ hiện đại, nên chúng tôi tiết kiệm được công lao động, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế. Đơn cử như dây chuyền này khi phân loại cà rốt xuất khẩu sẽ thay thế cho 70 lao động làm việc thủ công.
“Nếu không chế biến để tạo ra sự đa dạng về sản phẩm nông sản, để khách hàng có thêm nhiều lựa chọn thì nông sản vẫn mãi trong vòng luẩn quẩn được mùa, mất giá”, doanh nhân Nguyễn Đức Mệnh khẳng định.
Đến nay, dù trải qua không ít khó khăn nhưng Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương vẫn hoạt động ổn định, khẳng định vị thế doanh nghiệp nông sản chủ lực tại Hải Dương. Không chỉ tiêu thụ nông sản chế biến trong nước, Công tycòn kết nối, đưa cà rốt xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản…
Nhận xét về mô hình của doanh nhân Mệnh, ông Nguyễn Văn Doanh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Văn cho biết, với sản lượng mỗi năm hàng chục nghìn tấn nông sản, Công ty của hội viên doanh nhân Nguyễn Đức Mệnh đã góp phần quan trọng bảo đảm đầu ra cho nông dân trong và ngoài tỉnh.
Cùng với phát triển sản xuất, doanh nhân Nguyễn Đức Mệnh cũng luôn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới… do địa phương tổ chức. Hằng năm, ông Mệnh giúp đỡ từ 20 – 30 hộ nghèo, khó khăn về vốn, vật tư, kỹ thuật, kinh nghiệm… để phát triển sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn, phố biến kiến thức về khoa học kỹ thuật trồng trọt theo quy trình an toàn cho từ 40-50 hộ; trao tặng từ 20 – 30 suất quà, trị giá trên 20 triệu đồng cho những nông dân có hoàn cảnh khó khăn.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn