Theo Sky Germany, HLV Thomas Tuchel đã ký vào bản hợp đồng 18 tháng với LĐBĐ Anh (FA), sẽ dẫn dắt đội tuyển Anh từ đầu năm 2025 đến hết World Cup 2026. Khó mà tìm ra một chọn lựa hợp lý hơn cho đội tuyển Anh trong lúc này.
Ông Thomas Tuchel (người Đức) sẽ là HLV ngoại thứ 3 của đội tuyển Anh, sau Sven Goran Eriksson và Fabio Capello. Khác biệt rất rõ: Capello và Eriksson đều chưa bao giờ chơi bóng hoặc huấn luyện ở Anh trước khi họ dẫn dắt “Tam sư”. Ngược lại, HLV Tuchel không chỉ dẫn dắt Chelsea mà đã thành công, được giới hâm mộ ở Stamford Bridge vô cùng yêu mến. Bản thân Tuchel cũng yêu bóng đá Anh và luôn tin rằng ông được tôn trọng trong làng bóng Anh hơn cả ở đất nước mình. Chắc chắn ông Tuchel sẽ là HLV nước ngoài đầu tiên thực sự hiểu rõ bóng đá Anh.
Cách xếp quân như thể “tấu hài” của HLV tạm quyền Lee Carsley, khiến Anh thua đối thủ yếu Hy Lạp ngay trên sân nhà Wembley, là điều không thể chấp nhận. “Tam sư” không thể trông mong vào nhân vật này. Cái nhìn rộng hơn cho thấy: chất lượng HLV của quê hương bóng đá hiện đã rơi xuống tận đáy. Giải Ngoại hạng đang có đúng 3 HLV người Anh, và đấy cũng là tổng số HLV người Anh đang cầm quân ở 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu mùa này (chưa bằng một nửa số HLV người Mỹ – 7 vị). Dứt khoát phải giao “Tam sư” cho HLV nước ngoài. Mà trong diện này, chỉ có Thomas Tuchel vừa sáng giá, vừa đang… rảnh rỗi.
FA chỉ hơi chậm chân một tí, Juergen Klopp và Mauricio Pochettino đã có công việc mới. Ngoài Tuchel, diện tuyển chọn chỉ còn mỗi Pep Guardiola, nhưng phải đến cuối mùa bóng thì Pep mới hết hợp đồng ở Manchester City. Khi ấy, vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Âu (cuối năm nay bốc thăm chia bảng) đã trải qua 2 lượt trận. Khách quan mà nói, giả sử FA mời được Pep Guardiola thì đấy mới là sự kết hợp “trong mơ”. Nếu FA được toàn quyền lựa chọn, thì Pep là số 1. Nhưng đây là trường hợp ngược lại: Pep mới có quyền chọn “Tam sư” hay không.
HLV TUCHEL CÓ THỂ THÀNH CÔNG TỨC THỜI
Thật ra, chẳng ai không có nhược điểm. Mẫu HLV cầu toàn đến mức độ tuyệt đối như Pep không dễ thành công trong loại hình bóng đá của các ĐTQG, vì ĐTQG không được thoải mái mua sắm cầu thủ cho đúng ý của HLV. Mặt khác, ngay cả các ngôi sao hàng đầu, khi chịu sự huấn luyện của Pep cũng không dễ thành công chóng vánh. Phải đến mùa thứ hai họ mới “thấm” triết lý của Pep và thực sự tỏa sáng trong hệ thống chiến thuật của HLV này. Đến đây, lại nảy sinh một bất lợi nữa: ĐTQG chỉ thi thoảng mới tập trung. Họ không được tập hằng ngày như ở CLB. Mỗi đợt tập trung (và thi đấu) đều không biết trước trụ cột nào sẽ vắng mặt vì chấn thương. Vậy nên không dễ áp dụng thứ bóng đá tuyệt luân của Pep Guardiola vào bất cứ ĐTQG nào.
Tuchel khác hẳn. Ông vươn lên từ đội bóng nhỏ Mainz, thành danh ở Borussia Dortmund rồi được “rước” sang CLB lớn PSG. Đội nào Tuchel cũng huấn luyện được. Chiến tích tuyệt đỉnh của Tuchel là huấn luyện PSG trong nửa đầu mùa bóng (sau khi đã giúp đội này làm nên lịch sử, lần đầu tiên lọt vào chung kết Champions League), nhưng lại dẫn dắt Chelsea trong nửa cuối mùa bóng và… vô địch Champions League. Vậy, Tuchel thuộc mẫu HLV có thể thành công tức thời, bằng lực lượng sẵn có ở đội bóng chứ không phải lực lượng do chính ông quy tụ.
Trong khi FA chọn được một HLV vừa giỏi vừa quá phù hợp, thì ở chiều hướng ngược lại, đây cũng là cơ hội quá tốt cho Tuchel. Tài năng bóng đá Anh đang tràn ngập ở giải Ngoại hạng, với đa số ngôi sao hàng đầu còn ở độ tuổi khá trẻ, đang tiến bộ từng ngày. World Cup 2026 là cột mốc kỷ niệm đúng 60 năm từ khi đội Anh đoạt được danh hiệu lớn duy nhất xưa nay (vô địch World Cup 1966). Giả sử ông Tuchel thành công, chắc chắn sẽ lại có bước tiếp theo: đôi bên gia hạn hợp đồng để tiến tới EURO 2028, trên sân Anh!
Nguồn: thanhnien.vn