Thursday, October 17, 2024

Vun đắp rường cột nền kinh tế

Nhờ mối tương quan hai chiều giữa nhà nước và doanh nghiệp ngày càng ấm áp – nền kinh tế Việt Nam bắt đầu sản sinh ra nhiều “doanh nhân dân tộc”.

Vun đắp rường cột nền kinh tế

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện doanh nghiệp.

Thường trực Chính phủ tổ chức rất nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại hàng năm, hàng quý với doanh nghiệp; các khu vực kinh tế, từ các tập đoàn lớn đến cộng đồng doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ với mong muốn lắng nghe, chia sẻ và hỗ trợ doanh nghiệp, “vun đắp” rường cột phát triển kinh tế.

Với cách tiếp cận đột phá này, vai trò vị trí của doanh nhân không đơn thuần là “cỗ máy” chỉ biết tạo ra lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh. Mà là nơi để kiểm nghiệm chính sách trong thực tiễn và phản hồi trở lại với cơ quan công quyền. Có như vậy thể chế bớt đi tính chất “duy ý chí”, “hành chính hóa quy luật khách quan trong kinh tế”.

Thực tế cho thấy, nhờ mối tương quan hai chiều giữa nhà nước và doanh nghiệp ngày càng ấm áp – nền kinh tế Việt Nam bắt đầu sản sinh ra nhiều “doanh nhân dân tộc”. Họ đã chia sẻ với đồng bào khi thiên tai dịch họa; mang vác sứ mệnh “thương hiệu quốc gia” trên thương trường quốc tế.

Khi doanh nghiệp được lột bỏ khỏi các định kiến cũ kỹ lạc hậu – những gì tinh túy nhất đã phát huy. Đơn cử, với các dự án lớn như Đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông và Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, cộng đồng doanh nghiệp Việt bày tỏ tự tin đủ năng lực để tổ chức triển khai, nhận “đơn đặt hàng” từ Chính phủ.

Vun đắp rường cột nền kinh tế

9 tháng năm 2024, cả nước có 11,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 92,8 nghìn tỷ đồng. Nguồn: TCTK

Nhất là ngành công nghiệp mới như sản xuất năng lượng sạch, sản xuất chip, bán dẫn, vi mạch, hydrogen; trong lĩnh vực thương mại như thương mại điện tử và logistics… không ai khác chính doanh nghiệp mới là lực lượng tiên phong.

Sự công bằng giữa các thành phần kinh tế được thể hiện rõ. Việt Nam trải “thảm đỏ” với doanh nghiệp nước ngoài, nhưng không có nghĩa xem nhẹ doanh nghiệp trong nước. Tại cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp FDI trong giai đoạn COVID-19, giải đáp các đòi hỏi của nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra triết lý sâu sắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Các nền kinh tế trên thế giới cũng đang đi tìm động lực tăng trưởng mới, cũng đang nhìn thấy những vấn đề phức tạp, không thuận lợi của bối cảnh kinh tế, địa chính trị hiện tại, nhưng cũng có nhiều cơ hội từ các sáng kiến của cộng đồng xung quanh.

Đặc biệt, thế giới đang đi vào sự hội tụ, khi các nền kinh tế đi trước đang chậm dần do sự nặng nề của thủ tục, quy chuẩn truyền thống, các nền kinh tế đi sau đang đi nhanh, thậm chí vượt lên trên nhờ công nghệ, đổi mới, sáng tạo…

Sự hội tụ này là cơ hội của chúng ta, của các nền kinh tế đang phát triển, thậm chí là thời điểm vàng. Lúc này, rất cần giải phóng các nguồn lực cho khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp tư nhân, để họ tham gia, khai thác các cơ hội mới. Lúc này, cần thể chế đi trước, mở đường, thể chế ổn định, minh bạch, mang tính hỗ trợ cho đổi mới, sáng tạo, bệ đỡ cho những người dũng cảm, dám làm khác, làm mới…

“Chiếc áo” thể chế phải mới, cần thay đổi để phù hợp, thích nghi với điều kiện mới. Nhưng để tạo lập thể chế mới, cần tư duy dám đổi mới của những người quyết định thể chế, chính sách mới. Cùng với đó, cần tư duy dám đổi mới trong giám sát, thực thi. Nền kinh tế không thể tăng trưởng với “bệnh kinh niên” là kém hiệu quả thực thi.

 
 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img