HLV Kim Sang-sik chưa có đủ nhân tố chất lượng để thực sự làm mới lối chơi tấn công của đội tuyển VN. Vì thế trong thời gian còn lại chuẩn bị cho AFF Cup 2024, ông cùng các cộng sự sẽ phải giải quyết bài toán rất khó làm thế nào để đội tuyển khởi sắc mà hiệu quả.
Dù không thành công trong 1 năm ngồi ghế “nóng”, nhưng ông Philippe Troussier đã đúng khi đặt vấn đề: đội tuyển VN cần xây dựng lối chơi chủ động, các cầu thủ phải tự tin cầm bóng triển khai tấn công, thay vì chờ đợi đối thủ mắc sai lầm. Tâm điểm trong triết lý của HLV người Pháp là chủ động. Ông muốn xây dựng đội tuyển VN thành một đội mạnh, có lối chơi của riêng mình, chủ động với mọi diễn biến trên sân, từ kiểm soát bóng, chuyển đổi trạng thái, dàn xếp tấn công (khi có bóng) đến tổ chức áp sát và phòng ngự (khi mất bóng).
Đây là cái thiếu của đội tuyển VN trong giai đoạn cuối thời HLV Park Hang-seo còn dẫn dắt, khi các cầu thủ đánh mất sự sáng tạo vốn có. Dù vẫn phòng ngự tốt, nhưng Quang Hải cùng đồng đội không còn tạo được những miếng đánh bài bản, đa dạng như giai đoạn đầu, bởi các cầu thủ đồng loạt xuống phong độ, thiếu đột phá trong lối chơi. HLV Troussier nhận ra vấn đề và thay thế nhóm trụ cột bằng lứa cầu thủ mới, với ý tưởng và động lực mới mẻ hơn. Tuy nhiên, triết lý chơi bóng kiểm soát chủ động của “phù thủy trắng” lại trở thành tấm áo quá rộng với nền tảng thể lực và tư duy của cầu thủ VN khi ấy. Hậu quả là thất bại nối tiếp nhau trong 4 tháng cuối HLV người Pháp nắm quyền.
HLV Kim Sang-sik lựa chọn cách tiếp cận mềm dẻo hơn, đó là vẫn trọng dụng lứa trụ cột và mở cửa với lớp trẻ để tạo ra bầu không khí dễ chịu. Sự độc đoán và áp đặt không tồn tại trong phong cách huấn luyện của ông thầy người Hàn Quốc. Thay vì gò học trò vào triết lý, thầy Kim chỉ đưa ra những tiêu chí chung để cả đội tuân thủ, đồng thời tôn trọng không gian sáng tạo của học trò. Tuy nhiên, dù cứng rắn như ông Troussier hay mềm mại như ông Kim Sang-sik, cả hai HLV đều muốn xây dựng đội tuyển VN theo thiên hướng chủ động.
Bóng đá hiện đại ngày càng chặt chẽ, sai lầm ngày càng ít xuất hiện hơn ở đẳng cấp cao. Khi khoảng cách giữa nhóm dẫn đầu châu Á với các đội xếp sau đang bị nới rộng hơn, mà thất bại của những đội “hạt tiêu” như Indonesia, Kuwait ở vòng loại thứ 3 World Cup 2026 là minh chứng, việc định hình lối chơi của riêng mình là điểm tựa của những đội tuyển non trẻ. Không thể chờ đối thủ tự thua, mà phải tiến lên và giành lấy chiến thắng.
CHẶNG ĐƯỜNG GIAN NAN
Sự chủ động của đội tuyển VN đã xuất hiện trong những trận đầu tay của ông Kim Sang-sik. Bóng được triển khai từ sân nhà, với xuất phát điểm là thủ môn, sau đó được luân chuyển tuần tự qua trung vệ, tiền vệ trung tâm để “nạp đạn” cho hàng công. Mỗi đợt triển khai đều có ý đồ rõ ràng: đan bóng ra sao, sắp xếp cầu thủ đứng vị trí thế nào để kéo lệch hàng thủ đối phương, mở ra khoảng trống và xuyên phá.
Trước đây, đội tuyển VN hiếm khi chơi nhuần nhuyễn khi ép sân đối thủ. Kiểm soát bóng nhiều, song chủ yếu là chuyền ngang hoặc chuyền về. Song ở trận gặp đội tuyển Ấn Độ, việc cầu thủ liên tục di chuyển để “săn” không gian là tín hiệu tích cực, tư duy tìm kiếm khoảng trống được ông Kim rèn rất kỹ cho học trò.
Dù vậy, tại sao đội tuyển VN vẫn… không thắng, bất chấp tín hiệu tích cực đã có? Bởi học trò ông Kim đã sáng tạo, nhưng chưa đủ nhiều. Mảng miếng tấn công còn thiếu, với chỉ một vài “điểm nổ” mới mẻ. Bùi Vĩ Hào đã chơi tốt với 3 bàn sau 2 trận gần nhất. Những bước chạy cần mẫn, khó lường của tiền đạo sinh năm 2003 là nét chấm phá mới mẻ. Song trong tay ông Kim lúc này lại quá ít những nhân tố có thể đem lại tính đột phá. Bộ khung tấn công từ tiền vệ đến tiền đạo còn nhiều vấn đề. Với nhân tố mới, là sự rời rạc và bản năng khi chưa có nhiều kinh nghiệm trong màu áo tuyển. Còn với nhân tố cũ, là sự an toàn và “một màu” của những ngôi sao hầu như không tiến bộ trong 3, 4 năm qua.
Một số tuyển thủ VN chia sẻ, ông Kim tạo ra không gian tự do để cầu thủ chơi bóng. HLV người Hàn Quốc khuyến khích học trò trong quá trình tự tư duy, ra quyết định, nhưng đây chỉ là điều kiện cần để sự sáng tạo xuất hiện. Nếu bản thân cầu thủ không tự nâng cấp lối chơi và thể lực, hay cải thiện tư duy chơi bóng vốn chưa thoát khỏi lối mòn phòng ngự phản công, sử dụng đấu pháp nào cũng… vô nghĩa. Như HLV Hector Cuper đã nói: “Chiến thuật nào cũng cần phải phù hợp với cầu thủ thì mới hiệu quả”.
Các cầu thủ chỉ còn 1 tháng ở V-League để “lột xác” cho AFF Cup 2024. Kiên nhẫn chờ đợi lứa cũ thay đổi hay mạnh dạn đặt niềm tin vào lứa mới, HLV Kim Sang-sik phải kiên quyết lựa chọn để đội tuyển VN không còn bí ý tưởng!
Nguồn: thanhnien.vn