Kiên Giang tiếp tục đẩy mạnh CCHC, “khơi thông” ách tắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch…
Năm 2024, Kiên Giang tiếp tục đẩy mạnh CCHC, “khơi thông” ách tắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thông thoáng khẳng định “đất lành” của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo báo cáo Sở KH&ĐT Kiên Giang, 09 tháng đầu năm, toàn tỉnh cấp đăng ký đầu tư mới cho 11 dự án, với tổng số vốn đầu tư 5.753,7 tỷ đồng (tăng 03 dự án và tăng 5.100,8 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2023); cấp điều chỉnh đăng ký đầu tư cho 99 dự án, trong đó 03 dự án điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đầu tư tăng 616,11 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã cấp 745 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh đạt 629.034,9 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, tỉnh cấp mới đăng ký đầu tư 02 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 460,8 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 56 dự án FDI với tổng vốn thực hiện 812,5 triệu USD.
09 tháng đầu năm, tỉnh có 1.095 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 8.603,5 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 12.445 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 213.628,6 tỷ đồng.
Hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp, nhà đầu tư
Trao đổi với DĐDN, ông Huỳnh Xuân Vũ, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Kiên Giang cho biết, để đạt được kết quả trên là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, nỗ lực của UBND tỉnh cùng với sự quyết tâm của các Sở ngành, địa phương, sự ủng hộ, của các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Cùng với đó, Sở chỉ đạo các phòng ban, đơn vị liên quan quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án trên địa bàn tỉnh, xử lý dứt điểm các vướng mắc trong GPMB gắn với nâng cao hiệu quả quản lý .., giúp các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án…
Đáng chú ý, công tác CCHC, trong đó, công tác cải cách TTHC được Sở đặc biệt quan tâm. Theo ông Trần Ngọc Tính, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Kiên Giang, tính riêng 6 tháng đầu năm, Sở tiếp nhận 39 hồ sơ lĩnh vực đầu tư, trong đó: 28 hồ sơ trả đúng hạn; 11 hồ sơ đang xử lý; 0 hồ sơ trả về không đủ điều kiện thẩm định; Không có hồ sơ trễ hẹn. Trong lĩnh vực thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, 9 tháng đầu năm, Sở đã tiếp nhận và xử lý 5.320 lượt hồ sơ giải quyết đúng hẹn, đạt 100% hồ sơ đúng quy định…
“Tổng số hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả trong 09 tháng đầu năm là 5.366 lượt hồ sơ, trong đó: 5.355 hồ sơ giải quyết đúng, đạt tỷ lệ 100%; 11 hồ sơ đang xử lý và 0 hồ sơ trả về; Không có hồ sơ trễ hẹn” ông Tính nói.
Ngoài ra, Sở cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và 2 là 100% TTHC thuộc Sở; mức độ 3 và 4 là 100% TTHC thuộc lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp. Trong 09 tháng đầu năm, Sở đã tiếp nhận và xử lý 5.320 hồ sơ qua mạng đạt tỷ lệ 100% hồ sơ qua mạng…
Tuy nhiên, ông Vũ thẳng thắn chỉ ra rằng, việc triển khai các đề án, dự án trọng tâm của ngành nông nghiệp còn chậm, do còn vướng mắc về thủ tục đầu tư. Tình hình đầu tư hạ tầng các CCN còn chậm do khó thu hút được nhà đầu tư hoặc do vướng mắc về cơ chế, chính sách…
Xử lý dứt điểm các vướng mắc
Để hoá giải những thách thức trên, ông Vũ cho hay, từ nay đến cuối năm, Sở tập trung triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm; đẩy nhanh xử lý, triển khai các lộ trình thực hiện việc xử lý các dự án chậm triển khai trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt nhiệm vụ của Tổ công tác đặc biệt của tỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn…Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thời gian thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án, tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp lần 2 năm 2024.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp cắt giảm và đơn giản hóa quy trình, TTHC; chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử tạo động lực nâng cao hiệu quả CCHC; tập trung thực hiện mọi giải pháp để cải thiện xếp hạng chỉ số môi trường cạnh tranh cấp tỉnh một cách thực chất, hiệu quả nhất. Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước; tích cực mời gọi, thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát các dự án đầu tư ngoài ngân sách…; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đang triển khai.
“Đẩy nhanh quy trình, thủ tục thu hồi chủ trương đối với các dự án chậm triển khai do lỗi chủ quan của nhà đầu tư hoặc không triển khai thực hiện theo quy định về đầu tư. Rà soát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh” ông Vũ khẳng định.
Tỉnh thành lập kênh tiếp nhận phản ánh, thông tin
Những năm qua, chính quyền tỉnh cùng các sở ban ngành, địa phương rất nỗ lực , đồng hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Giãn hoãn tiền thuế; hỗ trợ tín dụng; kết nối tiêu thụ hàng hoá giúp doanh nghiệp phát triển, ổn định sản xuất kinh doanh…
Trong thời gian tới, ngoài việc tỉnh tổ chức đối thoại doanh nghiệp thường kỳ, tôi mong muốn tỉnh thành lập kênh tiếp nhận phản ánh, thông tin để tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Không để đến kỳ đối thoại mới tháo gỡ sẽ ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các Sở ngành, địa phương cần chú trọng đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, đồng thời nâng cao trách nhiệm đạo đức công vụ, giảm thiểu thời gian thực hiện TTHC.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn