Chị giơ hai cánh tay về phía thằng bé. Nó nhìn chị một lát rồi chạy vụt đi cùng tiếng cười rít lên như tiếng thủy tinh cọ xát vào nhau. Chị đuổi theo. Đuổi mãi, vừa chạy vừa gào lên: “Con ơi. Con ơi, ở lại với mẹ”…
Tiếng con trẻ gọi khiến chị giật mình vùng dậy, “Mẹ đây! Mẹ đây”. Đêm lạnh, màn sương bàng bạc hư ảo. Chị quờ quạng ra sân. Ngoài ngõ là đứa con trai nhỏ bé, trần truồng vẫy vẫy chị. Đằng sau nó là một đàn lốc nhốc con trẻ. Chúng chạy nhảy nô đùa chí chóe. Chị giơ hai cánh tay về phía thằng bé. Nó nhìn chị một lát rồi chạy vụt đi cùng tiếng cười rít lên như tiếng thủy tinh cọ xát vào nhau. Chị đuổi theo. Đuổi mãi, vừa chạy vừa gào lên: “Con ơi. Con ơi, ở lại với mẹ”… Ánh đêm nhờ nhờ. Chị vẫn chạy như điên trên đường vắng. Nó chạy nhanh thế. Nó vẫn giận mình ư? Chị quáng quàng guồng chân chạy. Bóng nó vẫn nhấp nhoáng trước mắt. Chị sa xuống một cái hố trên đường. Cái hố như không đáy khiến chị lao vun vút xuống…
Chị giật mình choàng dậy mới biết mình mơ. Trời se lạnh mà mồ hôi vã đầm đìa. Thằng bé với bọn trẻ con xa lạ kia hay quấy quả trong các giấc mơ của chị từ sau ngày chị bầu bí nó, hy vọng về nó nhưng vì điều kiện quá khắc nghiệt mà chị phải nghiến răng chối bỏ, để giữ cái gọi là tình yêu với gã trai đốn mạt ấy. Vậy mà cuối cùng con mất, tình cũng tan. Để lại cho chị bao uất hận đắng cay…
Trăng bên ngoài mờ tỏ hắt qua cửa sổ cùng cái se lạnh đêm cuối thu khiến chị rùng mình. Mẹ chị nằm bên khê khê giọng: “Ngủ đi. Mê sảng nhiều quá”. Chị nằm xuống cố co người rúc mặt vào ngực mẹ: “Con mê sợ quá! Thằng bé lại về gọi con”. Mẹ trở dậy thắp nén hương lầm bầm khấn vái rồi nằm xuống nhè nhẹ: “Nghĩ lắm rồi mê nhiều, luẩn quẩn quá”. Hơi thở của mẹ mơn man trán chị. Chị thấy bình yên trở lại. Bao năm rồi chị vẫn có thói quen nằm ngủ với mẹ như vậy. Mẹ thường vừa đẩy con gái ra vừa mắng yêu: “Xê ra. Lớn tướng còn…”. Chị lại nũng nịu: “Con sẽ không lấy chồng. Con nằm ngủ với mẹ suốt đời”.
Ấy vậy mà có ngày chị lại nằm rúc vào bộ ngực khác vạm vỡ hơn và hơi thở mạnh mẽ gấp gáp. “Em làm vợ anh nhé…”. Nhưng khi chị báo có thai với đôi mắt long lanh vui sướng tràn trề hy vọng thì anh ta hoảng hốt:
– Trời! Bỏ thôi! Bỏ thôi!
– Tại sao? Em năm nay đã hăm tám tuổi rồi…
– Vì chúng ta còn nghèo! Còn nghèo! Em hiểu chưa! Bỏ cái thai đi, mình mới lấy nhau được. Giờ tập trung làm kinh tế đã.
Anh ta nhấn mạnh như vậy. Và ngay sáng hôm sau, người đàn ông của chị đã biến mất khi chị vẫn quặp chiếc gối ôm nằm ngủ mà cứ ngỡ đang ôm eo chồng chưa cưới. Chị xuống đội thi công cầu tìm anh, họ bảo anh đã về tổng công trình. Chị cay đắng lê tấm thân mệt mỏi về phòng trọ. Rồi xin nghỉ phép đi tìm cha của đứa bé trong bụng.
Lòng chị nát tan giày vò với cảm giác thất thần khi lê bước từ phòng khám thai sản đó ra. Cơn đau cắt vào da thịt. Cơn đau quăng quật chị đến tận cùng của đau đớn, xót xa, ê chề, căm hận. Tuần trước tìm được gã, chị khóc lóc, kể lể, quỳ xuống van xin nhưng người tình vừa mấy hôm nọ còn là nửa trái tim, là tình yêu thuần khiết của chị, giờ hiện nguyên hình gã đàn ông phong tình bội bạc phũ phàng gạt tay chị ra và đưa cho chị xấp tiền với vẻ mặt lạnh lùng: “Tốt nhất cô hãy bỏ nó đi. Tôi với cô hết duyên với nhau rồi. Đừng bao giờ tìm tôi nữa!”.
Chị lại nhớ, chị đã bước vào phòng khám sản như vô thức và trong lúc lòng tối đặc căm hận, chị nông nổi quyết định gỡ bỏ giọt máu của kẻ bội tình ấy ra khỏi thân thể. Rồi chị thấy mình nằm dưới một cái hố sâu chật hẹp thiếu dưỡng khí. Chị há mồm ra thở, cố hít lấy luồng khí quý giá vào lồng ngực. Có tiếng nói vội vàng và tiếng bước chân gấp gáp, rồi tiếng nhịp tim dội ra từ trong lồng ngực thình thịch… thình thịch… Chị mở mắt. Bà bác sĩ thở phào: “Tỉnh rồi”. Chị trân trân nhìn bà, không hiểu chuyện gì. Chị cứ lơ mơ, lơ mơ rồi giật mình ngồi bật dậy, gạt phắt cái dây chuyền thuốc lằng nhằng, hốt hoảng: “Nó đâu? Nó đâu rồi?”. Bác sĩ vỗ về: “Nằm xuống nghỉ đi. Không về được. Mai khỏe hãy về. Để theo dõi đã”…
Mãi trưa hôm sau, chị mới lê bước về nhà. Mẹ chị bằng linh cảm đặc biệt đã nắm tay con gái nghẹn ngào: “Sao con nỡ… Con quên hết lời khuyên của mẹ sao… mẹ con bà cháu đùm bọc nhau cũng được mà…”.
Chị chỉ biết vùi vào lòng mẹ tức tưởi òa lên tủi thân.
Hết phép, chị lao vào việc như điên nhằm quên đi những ám ảnh tội lỗi. Đôi lúc vào chiều muộn, chị lại đi vòng qua phòng khám đó rồi dùng dằng nửa muốn đứng lại, nửa muốn đi nhanh cho thoát nỗi sợ hãi. Chị lại thấy bóng dáng các cô gái rụt rè đến… Chị xót xa. Những cô gái đó sức khỏe rồi sẽ bình phục. Họ có thể sẽ lại bắt đầu một tình yêu mới. Nhưng những giọt máu của họ, những bào thai tội nghiệp đó sẽ đi về đâu? Cũng như con chị của tháng trước. Các con sẽ thành rác thải y tế! Hình ảnh chiếc xô đỏ chứa những mảnh thi thể của con mình và của những người trước đó cứ hiện lên bầm đỏ trước mắt… Chao ôi, chị không dám nghĩ đến.
Nhưng đêm về lại trằn trọc dằn vặt bản thân.
Chị nhớ như in đêm ấy chị lại mơ thấy bé. Nó cười khanh khách rõ lắm, nhưng thoáng cái lại văng vẳng nửa hư nửa thực, nửa xa xăm lại nửa gần gũi cứ như vọng ở đâu về. Chị cuống cuồng chạy theo muốn ôm ghì, muốn thủ thỉ âu yếm nó. Chị nghĩ nếu không nhanh nhanh, chóng chóng bật lên lời sám hối với con thì nó sẽ mãi mãi chẳng tha thứ cho chị. Nó vẫn loạng choạng phía trước. Đang chạy, chị vấp vào những bao nilon đen sì chềnh ềnh trên lối đi. Từ các bao bùng nhùng đó, những đứa trẻ con túa ra, bò lổm ngổm… Chị giật mình tỉnh giấc, cuống cuồng với tay bật đèn sáng trưng trong nhà, ngoài sân. Đúng lúc đó có điều gì như bừng tỉnh và thôi thúc chị: Hãy mang những bào thai tội nghiệp đó về và cho chúng một mái ấm! Hãy cứu chúng thoát khỏi thân phận rác thải y tế! Nhanh lên! Có như thế lòng chị mới thanh thản.
Nghĩ đơn giản vậy nhưng để thực hiện mới là một sự nan giải. Qua nhiều thủ tục chị mới được các cơ sở nạo phá thai đồng ý cho đi nhặt các bào thai kém may mắn. Những ngày đầu đi gom về, khi mở túi để xếp các con vào lọ, chị vô cùng sợ hãi, các thứ ứ lên tận cổ. Những sinh linh tội nghiệp bị mẹ từ chối phũ phàng. Nhưng những ám ảnh thị giác càng thúc giục chị. Vậy là tối tối, chiếc xe máy cà tàng giúp chị đi một vòng qua hết các cơ sở. Chị ghi chép đầy đủ vào cuốn sổ theo dõi.
Ngày… 12 bé (năm lọ). Có một bé năm tháng (liệm riêng, đặt tên bé là Thiên An).
Ngày… 8 bé (ba lọ)…
Cuốn nhật ký của chị dày thêm mãi. Đã có thêm một số “bố”, “mẹ” cùng đến giúp sức, chia nhau đi từng ngày. Một cơ sở tái chế đồ nhựa đã cung cấp cho chị toàn bộ số lọ nhựa lớn nhỏ để sẵn ở các cơ sở để chứa từng xác thai nhi… Chị thấy lạ. Từ khi đi làm “việc đó”, chị chỉ mơ thấy con trai về một lần duy nhất rồi không thấy về lần nào nữa. Lần ấy, nó cho chị ôm vào lòng thật chặt và nhoẻn nụ cười đáng yêu lắm, chứ không rít lên ken két như trước! Tỉnh dậy, chị thấy vui buồn lẫn lộn và tự trong sâu thẳm lòng mình, chị tin, con trai đã tha thứ cho mẹ dù con đã tan vào bùn đất tận đâu đấy. Có thể con đã siêu thoát thành bông hoa thắm bên đường, thành đám mây trắng nhỏ lưng trời, hay một ánh trăng soi đường cho chị trở về nhà từ các phòng sản nhi sau mỗi tối muộn…
***
Gió vẫn se sắt thổi đem đến cái lạnh lẽo đêm đông. Chị rùng mình cuốn lại khăn cổ. Nhà chị nằm sâu hun hút phía cuối con đường rìa thành phố nhiều cây cối ít nhà cửa. Bóng điện đường yếu ớt vàng nhạt. Vừa tránh một ụ đất, chị phanh xe dúi dụi. Bàng hoàng. Chị suýt quệt phải một đứa trẻ đang ngồi giữa đường. Chị dừng xe, bước đến. Bé ngước nhìn chị. Chao ôi! Phải chăng chính là cô bé tuần trước chị đã nhặt được ở một đống rác? Hôm đó tầm chín giờ tối, trên đường về qua cầu Bồ, chị nghe thoang thoảng có tiếng khóc cùng tiếng rên rỉ: “Mẹ ơi hãy đưa con về”. Chị vòng xe quay lại. Gió dưới ngòi đưa lên lạnh buốt. Ngay bên cạnh đống rác, một chiếc bọc lùm lùm nằm đó. Chị nghi hoặc mở ra và giật mình. Đó là xác một bé gái khoảng sáu tháng tuổi đã cứng, trên vai có một vết bớt đen to bằng ngón tay. Chị nghẹn ngào, nước mắt ròng ròng suốt dọc đường về.
Ngồi xuống bên bé, chị âu yếm: “Có phải con ở cầu Bồ đêm nọ đấy không, con muốn mẹ làm gì cho con?”. Đứa bé òa lên nức nở: “Con thèm… con thèm nhìn mặt trời… Con thèm nhìn thấy bố mẹ con… Con thèm bú bầu sữa mẹ. Con hận mẹ con…”. Chị rưng rưng: “Con ơi, con hãy buông bỏ hận thù và hãy nhanh siêu thoát. Nay mai con sẽ được như ý nguyện…”. Và cũng chỉ trong chớp mắt, chị lại thấy mình đang ngồi ở vệ đường, xung quanh vắng lặng dưới ánh điện đường vàng ệch. Bàng hoàng xót xa, chị đi tiếp mà không thể hiểu cảnh chị vừa gặp là thật hay ảo ảnh nữa…
***
Sáng sớm, chị và hai “mẹ” nữa đi mua đồ để chuẩn bị đem các con đi an táng. Chiếc tủ cấp đông đã đầy. Đã hàng chục lần đi an táng cho các bé rồi mà lần nào chị cũng có cảm giác bồi hồi. Từ sáng, ba “bà mẹ” đi đến mấy hàng hoa vẫn chưa gặp được loại hoa ưng ý. Một “mẹ” sốt ruột: “Mọi khi mình dùng hoa cúc trắng là được vì linh hồn các con trong trắng”. Nhưng chị vẫn lắc đầu. Chị muốn tìm loại hoa cúc họa mi. Mùa này có rồi, nhưng sao hiếm thế. Mãi đến hàng hoa cuối cùng mới có. Chị chọn những bó hoa đẹp nhất đem về. Bọn trẻ sẽ đến ở chung căn nhà dành riêng cho chúng trên nương chè nhà chị. Toàn bộ kinh phí xây dựng mộ từ đào, xây, ốp đá do bà dì ruột từ Đồng Nai cho. Chị đã mời một nhà sư đến làm thủ tục trên nghĩa trang. Các “bố, mẹ” cũng đã vận chuyển các hộp xốp chứa các lọ thai nhi lên đồi. Một bác thợ xây chuẩn bị đồ lề. Trời bắt đầu có nắng, trong làn khói hương ngan ngát, chị nghẹn ngào:
– Các con ơi, mặt trời đã tỏa nắng ấm. Các con sẽ được ngắm mặt trời thỏa thích các con nhé.
Mọi người lần lượt mở các nắp lọ, rót vào chút sữa tươi và thả vào đấy một bông cúc. Hơn bốn trăm sinh linh bé bỏng được sưởi ấm bằng những tia nắng đầu tiên và luồng không khí thanh khiết nhất của đất trời. Mọi người đứng im, lặng ngắm. Chị mỉm cười với những bé con vui vẻ chạy chân trần trên mặt đất và nô đùa dưới ánh nắng rực rỡ của mặt trời buổi sáng. Rồi cũng chỉ thoáng qua, bọn trẻ lại trở về nép mình dưới bông cúc họa mi. Khi mọi người đóng nắp lọ, ai cũng ngạc nhiên thấy bông hoa trong đó đọng những giọt nước trong vắt, long lanh…
Hôm sau lên tạ mộ, cả nhóm chị sững sờ trước một cảnh tượng đẹp chưa từng thấy. Từ phía đầu mộ tỏa ra vô vàn con bướm trắng pha vàng như những bông cúc họa mi rập rờn quanh những nấm mộ. Một cánh bướm sà xuống vai chị. Trên đôi cánh trắng muốt có một vết xám đậm. Đôi mắt đen nhánh tựa hai hạt cải của nó như nhìn đăm đăm vào mắt chị. Và trong đôi mắt ấy, đọng lại li ti hai giọt nước…
Nguồn: thanhnien.vn