Ngày 17.10, PV Thanh Niên đã tiếp cận khu vực sạt lở núi ở huyện vùng cao Sơn Tây. Theo người dân, khu vực này xảy ra sạt lở cách đây khoảng 2 năm, đang gây nguy hiểm cho người dân địa phương và nhiều cán bộ làm việc tại khu trung tâm hành chính huyện này.
Khu vực sạt lở núi cách đây 2 năm tiếp tục có nguy cơ sạt lở, đe dọa nhiều trụ sở cơ quan tại khu trung tâm hành chính H.Sơn Tây
Mùa mưa, vết sạt núi phía sau trung tâm hành chính H.Sơn Tây đổ đất đá xuống cơ quan làm việc của Liên đoàn Lao động H.Sơn Tây và trụ sở một số trụ sở cơ quan nhà nước gần đó
Theo một cán bộ của Liên đoàn Lao động H.Sơn Tây, vừa qua, do mưa lớn, đất đá từ vết sạt lở núi đổ xuống, vùi lấp phía sau trụ sở, thậm chí còn tràn vào hành lang cơ quan này
Dấu vết đất đá bồi lấp còn in trên vách trụ sở Liên đoàn Lao động H.Sơn Tây
Bùn, nước còn đọng lại trước hành lang trụ sở làm việc
Hàng rào bên phải Liên đoàn Lao động H.Sơn Tây bị đất đá đổ xuống gây hư hại, một số vị trí hàng rào lưới B40 bị bung ra, sập xuống
Trụ hàng rào bị nứt ngang, nguy cơ ngã đổ bất cứ lúc nào
Đất, đá từ ngọn đồi sau lưng trung tâm hành chính H.Sơn Tây tràn xuống bên dưới
Rọ đá chắn dưới chân núi sạt lở bị vùi lấp trong bùn đất
Theo ông Trần Minh Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng H.Sơn Tây, sạt lở núi uy hiếp 4 trụ sở cơ quan nhà nước bên dưới, gồm: Liên đoàn Lao động H.Sơn Tây, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp H.Sơn Tây, Phòng Tài chính H.Sơn Tây và nhà công vụ H.Sơn Tây. Trong đó, Liên đoàn Lao động H.Sơn Tây bị đe dọa cao nhất vì vết sạt lở nằm… ngay trên đầu
Nhiều đoạn ta luy trên núi bị gãy, vết sạt lở ăn sâu vào bên trong, có nguy cơ đổ sập xuống
Mảng bê tông bị đổ xuống rãnh do sạt núi
Theo ông Tuấn, H.Sơn Tây từng tính toán làm bờ kè chống sạt lở tại khu vực này nhưng vì tốn quá nhiều kinh phí, khoảng 10 tỉ đồng nên phải giật cấp làm ta luy. Huyện chưa tính đến việc làm kè chống sạt lở núi tại khu vực trung tâm hành chính, chỉ vận động cơ quan nào bị ảnh hưởng thì di dời đến nơi an toàn khi có mưa bão diễn ra