Tuesday, October 22, 2024

Bắc Giang: Thu lãi lớn từ xuất khẩu vải

Xây dựng vùng trồng đạt tiêu chuẩn, góp phần đưa quả vải tiến bước vào các thị trường khó tính, giúp người dân Bắc Giang làm giàu trên chính quê hương.

Kinh doanh đặc sản miền quê

Hiện nay, các đồi vải tại Bắc Giang đều được chăm sóc tỉ mỉ, cho lá xanh mướt và năng suất trái cao. Được biết, những năm qua, địa phương đã liên tục vận động, tuyên truyền các hộ dân trên địa bàn chuyển đổi qua trồng vải theo đúng tiêu chuẩn Global GAP. Nhờ vậy, quả vải tại Bắc Giang đã và đang tạo được tiếng vang lớn, tạo được thương hiệu, đồng thời, dần chiếm được thị phần trong và ngoài nước, nhất là tại các thị trường khó tính.

Bắc Giang: Thu lãi lớn từ xuất khẩu vải

Vải được trồng theo tiêu chuẩn Global GAP cho sản lượng và chất lượng cao hơn

Tuy nhiên, để đạt được những thành tựu như ngày hôm nay, cả chính quyền, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã phải trải qua một quá trình dài, nhằm thay đổi mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh tế địa phương.

Chị Nguyễn Thị Nhung – Cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang chia sẻ: “Việc phát triển kinh tế từ cây vải – một trong những đặc sản của Bắc Giang được đánh giá là một trong những nội dung thực hiện tiêu chí về phát triển sản xuất trong xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương nên càng được các cấp quan tâm, chỉ đạo sát sao”.

Ban đầu, việc vận động các hộ trồng vải trên địa bàn trồng theo tiêu chuẩn Global GAP vẫn còn nhiều khó khăn. Bởi lẽ, người dân vẫn chưa tin tưởng cùng với thói quen trồng được cha ông truyền lại nên chất lượng và sản lượng chưa cao, không đảm bảo đáp ứng được những quy định khắt khe của thị trường nước ngoài.

Lúc đầu, chỉ có vài hộ tham gia, nhưng sau vài vụ thử nghiệm, thấy hiệu quả, giá trị kinh tế được nâng lên và có sự khác biệt đáng kể, quả vải chín sớm được xuất khẩu sang nước ngoài với giá cao thì nhiều hộ dân đã bắt đầu ủng hộ rồi làm theo. Sau 4 năm triển khai, tổng diện tích vải trồng theo tiêu chuẩn là khoảng hơn 30.000 ha.

Ông Ngô Văn Cường (thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) bày tỏ: “Lúc đầu được tuyên truyền trồng vải theo quy trình mới cũng bán tín, bán nghi. Ngoài trồng vải ra, gia đình không còn nguồn thu nào khác, do đó để quyết định thay đổi phương thức canh tác là cả vấn đề lớn, cần bàn bạc kĩ và đắn đo nhiều ngày. Song, tôi cũng nghĩ nếu không thay đổi thì sao biết thành công hay không. Chính vì vậy, tôi đã bắt tay vào triển khai luôn trong vụ đầu tiên”.

Sau khi thu hoạch, nhận thấy hiệu quả sau khi trồng vải theo đúng tiêu chuẩn, ông Cường vận động những hộ trồng vải thân thiết xung quanh tham gia mô hình, đồng thời tuyên truyền để mọi người nghiêm túc thực hiện các chỉ dẫn.

“Trước đây cứ đến mùa vải là cả nhà lại mất ăn mất ngủ để lo tiêu thụ, thế nhưng giờ đây quả vải được bao tiêu đầu ra với giá cả ổn định, chỉ cần quả vải chất lượng tốt là không phải lo lắng gì. Đời sống của những hộ dân trồng vải sớm để xuất khẩu, gần như ai cũng khá giả”, ông Cường cho biết thêm.

Chị Nhung cho biết thêm: “Để quả vải đạt chất lượng tốt, cần đáp ứng 2 yếu tố. Thứ nhất, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng phải nằm trong danh mục cho phép, đảm bảo thời gian sử dụng thuốc đến khi thu hoạch. Thứ hai, đảm bảo quy trình chăm sóc theo đúng quy chuẩn để cây phát triển khỏe mạnh. Trước khi xuất khẩu, quả vải sẽ được lấy mẫu để kiểm tra. Có như vậy, quả vải mới được giá”.

Không lo “được mùa mất giá”

Trồng theo tiêu chuẩn Global GAP cho năng suất cao, giúp người trồng có lãi lớn. Trước đây, tiền lãi chỉ đủ trang trải cuộc sống, nhưng nay, người dân tại Bắc Giang đã có của ăn của để.

Ông Nguyễn Văn Hưng – Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang cho biết: “Toàn xã có 820 ha cây ăn quả thì diện tích trồng vải đã chiếm tới 680 ha, còn lại là cây ổi và một số cây trồng khác, tạo nguồn thu lớn cho nhân dân, hộ kinh doanh trên toàn xã nói riêng và cả Bắc Giang nói chung”.

Theo thống kê, năm 2024 được đánh giá là năm thành công của vải Bắc Giang khi đã xuất khẩu thành công sang thị trường khó tính như Châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc… đạt khoảng 70.000 tấn. Sản lượng cung ứng này thấp hơn nhiều so với nhu cầu mà các đối tác nước ngoài muốn.

Bắc Giang: Thu lãi lớn từ xuất khẩu vải

Người dân trồng vải Bắc Giang theo tiêu chuẩn Global GAP không còn phải lo về đầu ra lẫn giá cả

Các doanh nghiệp thu mua đánh giá rất cao quả vải chín sớm ở vùng sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP của tỉnh. Đồng thời, cũng không giới hạn số lượng thu mua, chỉ cần quả vải đạt chuẩn thì có bao nhiêu đối tác sẽ mua hết bấy nhiêu.

“Đối với quả vải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, giá thu mua tại vườn sẽ là 30.000 đồng/ kg, cao hơn so với vải thông thường là 10.000 đồng/ kg. Giá vải từ đầu vụ đến cuối vụ sẽ được giữ nguyên, vì vậy người dân không phải lo tình trạng được mùa mất giá, mất mùa được giá hay bị các thương lái ép giá như trước đây. Đây là tín hiệu rất mừng, hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội phát triển trong tương lai”, ông Hưng phấn khởi cho hay.

Thời gian qua, Bắc Giang đã và đang khoanh vùng để xây dựng thương hiệu vải trồng theo tiêu chuẩn Global GAP để có thể xuất khẩu ra nước ngoài, nhất là các thị trường khó tính. Đến nay, đã có nhiều công ty nước ngoài ký kết hợp đồng thu mua để xuất khẩu vải ra nước ngoài, đặc biệt là không giới hạn số lượng “chỉ cần vải đạt chuẩn là đối tác sẽ thu mua hết”, đảm bảo cho đầu ra cho vải địa phương.

Tìm hướng đi đúng, hướng đi hiệu quả cho hoạt động kinh doanh từ chính các sản phẩm địa phương chắc chắn đang là hướng đi đúng, góp phần phát triển bền vững cho kinh tế – xã hội. Tỉnh Bắc Giang đang tiếp tục phát triển sản xuất theo lối mới, hiện đại, áp dụng thêm nhiều công nghệ, kỹ thuật cao, từ đó, thúc đẩy giá trị sản phẩm, năng suất vượt trội.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img