Wednesday, November 27, 2024

Giúp tân sinh viên tiếp cận cách học mới

Một tân sinh viên sau vài tuần bước vào năm học mới tại trường ĐH đã khóc và cho biết không muốn đi học nữa, vì “thầy cô không giảng bài như hồi THPT, không tiếp thu được, bị thầy la và bài kiểm tra bị điểm thấp”.

THAY ĐỔI ĐỘT NGỘT NÊN DỄ “CHOÁNG” VÀ CHÁN NẢN

Cách đây 2 tuần, D.T.H, sinh viên (SV) năm nhất ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Luật TP.HCM, tâm sự thấy chán nản vì lên giảng đường học mà không hiểu bài. “Thầy cô không nhắc SV phải ghi lại những gì hay học những gì, giao đề bài là về tự tìm hiểu. Em không biết phải bắt đầu từ đâu, hỏi bạn trong lớp thì bạn cũng không khác gì em nên em lại phải vào hỏi các anh chị SV khóa trước”, D.T.H cho biết.

Giúp tân sinh viên tiếp cận cách học mới

Không ít tân sinh viên phải mất một thời gian mới có thể thích nghi với phương pháp học tập ở bậc ĐH

ẢNH: MỸ QUYÊN

Nguyễn Ngọc Hân, SV năm nhất ngành thiết kế đồ họa Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, cũng cho biết mấy buổi học đầu em chưa quen với cách học mới ở bậc ĐH, đó là thầy giảng ít, chủ yếu giao bài cho SV chủ động tìm hiểu.

Chia sẻ về vấn đề này, tiến sĩ Vũ Duy Cương, Phụ trách Phòng Đảm bảo chất lượng và khảo thí Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng thực tế có một bộ phận tân SV bị “choáng” với nội dung, cách học mới khi bước vào giảng đường ĐH.

“Việc thay đổi môi trường có phần đột ngột này khiến nhiều SV bỡ ngỡ và mất một khoảng thời gian để thích nghi, có thể chỉ vài tuần hoặc kéo dài đến vài học kỳ. Kết quả là trong một hay hai học kỳ đầu tiên có một số bạn sẽ bị điểm thấp”, tiến sĩ Cương nhận định.

PGS-TS Nguyễn Văn Thụy, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, lý giải: “Đó là từ sự khác biệt của mục tiêu chương trình bậc phổ thông và ĐH. Đối với bậc phổ thông, mục đích là cung cấp kiến thức nền tảng, tổng quan văn hóa, tư duy… Ngược lại, chương trình ĐH cung cấp kiến thức, kỹ năng, thái độ và năng lực thực hành nghề nghiệp gắn với các vị trí công việc trong tương lai. Bên cạnh đó, môi trường học tập tại bậc THPT rất thân thuộc, các thầy cô và các bạn học cùng nhau suốt các năm học, trong khi ĐH là học theo tín chỉ và SV phải chủ động trong học tập để đáp ứng lộ trình đào tạo”.

Giúp tân sinh viên tiếp cận cách học mới

Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học. Để có thể học tập tốt tại môi trường ĐH, sinh viên cần dành thời gian tìm hiểu trước thật kỹ về chương trình và cách thức tổ chức đào tạo tại trường ĐH

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

LẬP KẾ HOẠCH, CHỦ ĐỘNG TỰ HỌC VÀ NGHIÊN CỨU

Để có thể học tập tốt tại môi trường ĐH, PGS-TS Nguyễn Văn Thụy lưu ý SV cần dành thời gian tìm hiểu trước thật kỹ về chương trình và cách thức tổ chức đào tạo tại trường ĐH. Bên cạnh đó, dành thời gian để lập kế hoạch học tập cho 4 năm và từng năm học.

“Các em cũng cần mạnh dạn, chủ động trong quá trình học tập, chia sẻ cùng các bạn và thầy cô về những vấn đề mình còn băn khoăn, thắc mắc. Hãy tham gia các hoạt động trong trường để có nhiều mối quan hệ hơn trong cả học tập và cuộc sống. Cuối cùng, chủ động trong các hoạt động nhóm, thuyết trình, dự án…”, PGS-TS Nguyễn Văn Thụy nói.

Thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cũng khuyên SV nên có phương pháp học khoa học và chủ động. Trước tiên, cần phải nắm chắc các mục tiêu môn học, thường được giảng viên giới thiệu vào buổi đầu tiên. Sau đó, SV phải chủ động đọc trước tài liệu, bài giảng ở nhà. Khi tham gia lớp học thì phải chú ý lắng nghe giảng viên giảng bài, hướng dẫn; mạnh dạn trao đổi với giảng viên về những nội dung chưa hiểu, ghi chép cẩn thận những điểm chính và thảo luận cùng bạn bè.

“Các em cũng nên chủ động mượn thêm tài liệu từ thầy cô, anh chị khóa trước để đảm bảo đúng nguồn. Ngoài ra, tham gia vào các hoạt động thể thao, văn nghệ, ngoại khóa, câu lạc bộ, đội nhóm… để có thêm kỹ năng và cơ hội trao đổi, học hỏi thêm từ bạn bè”, thạc sĩ Cường chia sẻ.

“SV cần làm quen với việc lập kế hoạch, mục tiêu theo từng năm học, từng học kỳ, từng học phần, từng buổi học. Ban đầu có thể khó nhưng thực hành nhiều sẽ quen, sẽ rất hữu ích cho các em khi học ĐH. Sử dụng các công cụ hỗ trợ như Google docs, Gemini, AI vì chúng có thể giúp các em có cách tìm kiếm, sắp xếp, lưu trữ, xử lý tài liệu… hiệu quả, từ đó giúp việc nắm bắt nội dung bài học, học phần tốt hơn”, tiến sĩ Vũ Duy Cương nói.

Theo tiến sĩ Cương, việc đánh giá SV hiện nay của các trường sẽ bao gồm đánh giá cả điểm rèn luyện, đòi hỏi SV phải có kế hoạch để sắp xếp, sử dụng các nguồn lực (thái độ, thời gian…) nhằm đáp ứng tốt, nên cần tham gia các câu lạc bộ, hội nhóm để mở rộng mối quan hệ, rèn luyện kỹ năng mềm và giảm stress…

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img