Những lớp yoga được mở ra không chỉ giúp bệnh nhân ung thư cải thiện thể trạng, tâm lý mà còn lan tỏa thông điệp ý nghĩa: “Bạn không phải chiến đấu với ung thư một mình”.
Yoga ngày càng được nhiều bệnh nhân ung thư lựa chọn như một liệu pháp bổ sung, hỗ trợ trong quá trình điều trị và phục hồi. Qua việc tập luyện, họ nhận ra rằng mình vẫn có thể làm chủ được cơ thể, đồng thời tìm thấy niềm tin và hy vọng vào khả năng phục hồi.
5h30 sáng thứ Ba và thứ Năm hàng tuần, hành lang Khoa Ung bướu của Bệnh viện Từ Dũ – TP Hồ Chí Minh lại rộn rã tiếng cười nói. Các bệnh nhân bắt đầu trải thảm, khởi động buổi tập yoga.
Một giảng viên hỗ trợ bệnh nhân ung thư tập yoga
Lớp yoga được Bệnh viện Từ Dũ mở ra với mục đích hỗ trợ bệnh nhân ung thư trong việc cải thiện sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần. Các bài tập hít thở sâu, thư giãn, động tác kéo giãn nhẹ nhàng không chỉ giúp giảm đau, tăng sự linh hoạt của cơ thể mà còn giúp tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện giấc ngủ.
Vượt ra khỏi khuôn khổ một lớp học, những lớp yoga online và offline của Salt Cancer Initiative (SCI) – Dự án Hỗ trợ bệnh nhân ung thư do chị Trương Thanh Thủy (còn được biết tới với tên Thủy Muối) sáng lập – không chỉ đơn thuần là nơi rèn luyện thể lực mà trở thành địa chỉ để các bệnh nhân ung thư có thể tìm thấy sự an ủi, động viên và cảm nhận được tình yêu thương. Các lớp yoga này được tổ chức đều đặn hàng tuần tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng và Thái Bình.
Những lớp tập yoga là nơi các bệnh nhân được sẻ chia, đồng cảm
Vui ca sau giờ tập yoga
Giá trị của yoga không chỉ dừng lại ở khía cạnh thể chất. Đối với bệnh nhân ung thư, yoga còn là liệu pháp tâm lý, giúp họ đối mặt với stress, lo âu và nỗi sợ hãi về bệnh tật. Thông qua các bài tập thở, thiền định và các động tác nhẹ nhàng, người tập có thể tìm thấy sự tĩnh lặng trong tâm hồn, giảm bớt những áp lực tinh thần và tìm lại sự lạc quan trong cuộc sống. Bên cạnh việc hỗ trợ cải thiện sức khỏe trong hành trình chiến đấu với bệnh tật, các lớp yoga còn là nơi để các bệnh nhân trò chuyện, chia sẻ với nhau. Những lời động viên, sự đồng cảm và hỗ trợ lẫn nhau trở thành nguồn động lực giúp họ kiên cường hơn trước bệnh tật.
NHIỀU ĐIỂM TỰA TRÊN HÀNH TRÌNH GIAN NAN
*Những ngày qua, chịu ảnh hưởng từ mưa bão kéo dài, nhiều tỉnh, thành ở phía Bắc ngập lụt nghiêm trọng khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Đường Phùng Hưng, trước cổng Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều) ngập sâu, nhiều bệnh nhân gặp khó khăn trong đi lại. Để bệnh nhân an tâm, thuận lợi khi đến điều trị, Bệnh viện K tăng thêm giường, miễn phí lưu trú cho người bệnh. Từ giữa tháng 9 vừa qua, bệnh viện đã miễn phí sử dụng nhà lưu trú cho tất cả người bệnh, ngoài ra, những người bệnh có hoàn cảnh có khăn còn được nhận suất ăn miễn phí hàng ngày.
*Hưởng ứng Tháng Hành động phòng chống ung thư vú trên toàn thế giới, Khoa Tuyến vú, Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp cùng các khoa, phòng tổ chức khám sàng lọc ung thư vú với chủ đề “Chung tay vì người phụ nữ tôi yêu”. Chương trình nhằm mục đích nâng cao cho người dân về phòng và phát hiện sớm ung thư vú, hướng dẫn cách tự khám vú cho chị em phụ nữ tiến tới giảm tỷ lệ người mắc và tử vong do ung thư, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân.
Thời gian khám tầm soát: Thứ Sáu hàng tuần, từ ngày 4/10/2024 – 29/11/2024.
Địa điểm: Phòng khám Tuyến vú – Lầu 1, khu D, tòa nhà Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy.
Sự kiện 5.000 Bước chân Hạnh phúc
*”5.000 Bước chân Hạnh phúc” – Ngày hội đi bộ vì Bệnh nhân ung thư Việt Nam là một sự kiện cộng đồng, được tổ chức bởi SCI với mục đích: 5.000 bước chân không quá dài với người khoẻ mạnh, nhưng cũng không quá ngắn với bệnh nhân ung thư. Nhân dịp Tháng Hành động phòng chống ung thư vú, đồng thời cũng là tháng tôn vinh Phụ nữ Việt Nam (20/10), SCI tổ chức ngày hội này nhằm cổ vũ phong trào cùng nhau đi bộ, lan tỏa yêu thương đến những người mẹ, người vợ, các chị em nói chung và những nữ chiến binh K kiên cường nói riêng.
Nguồn: vtv.vn