Chưa chủ động nguyên liệu sản xuất khiến các doanh nghiệp ngành giấy rất vất vả thực hiện kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh.
Tiềm năng lớn
Mô hình kinh tế tuần hoàn hiện đang ứng dụng trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế như cách thức chuyển đổi xanh. Trong đó, sản xuất giấy là ngành có nhiều tiềm năng áp dụng kinh tế tuần hoàn nhờ khả năng tái chế giấy nhiều lần, xử lý hoá chất, tự sản xuất điện giúp giảm lượng rác thải, hoá chất.
Đặc biệt, 5 năm qua ghi nhận tăng trưởng nóng của ngành với tốc độ tăng trưởng năng lực sản xuất là hơn 10%/năm. Năm 2024, năng lực sản xuất của ngành đạt bước tiến lớn với khoảng 10 triệu tấn. Trong khi đó, tiêu dùng giấy tăng khoảng 6%/năm là tín hiệu tiềm năng cho sự phát triển của ngành trong những năm tới.
Sự tăng trưởng vượt bậc trên cũng gắn liền với những thay đổi lớn trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp như công suất thiết kế dây chuyền sản xuất được đầu tư mới ngày càng lớn, công nghệ hiện đại, nhất là trong sản xuất giấy bao bì tiệm cận được các nước trong khu vực. Do vậy, sử dụng nguyên liệu khó cho sản xuất như giấy tái chế; đồng thời các định mức tiêu hao như nguyên liệu, năng lượng, nước… ngày càng giảm, các chất thải phát sinh nếu có đa số đã được tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng hoặc sử dụng làm nguyên liệu thay thế trong lò hơi để sinh nhiệt cấp ngược lại cho quá trình sản xuất.
“Các doanh nghiệp đã nhận thức rõ về kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh, một số doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nhà máy đạt chứng chỉ LEED, góp phần nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh” – ông Đặng Văn Sơn cho hay.
Rào cản của sự phát triển
Thích ứng với xu thế chuyển đổi xanh, phát triển bền vững trên toàn cầu, ngành giấy xác định trọng tâm là chuyển đổi mô hình sản xuất tuần hoàn, sử dụng tiết kiệm hiệu quả nước, tài nguyên, năng lượng tái tạo… Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Sơn, đây là quá trình nhiều thách thức.
Thách thức lớn nhất, ông Đặng Văn Sơn cho rằng chính là chưa chủ động nguyên liệu, nhất là nguyên liệu tái chế đáp ứng nhu cầu sản xuất đang tăng theo từng năm. Hiện, bột giấy cho sản xuất chủ yếu phải nhập khẩu bởi hiện cả nước có 2 doanh nghiệp sản xuất bột giấy, sản lượng đủ để phục vụ sản xuất của chính doanh nghiệp.
Cũng bởi phụ thuộc vào nhập khẩu nên doanh nghiệp sản xuất không có nhiều sự lựa chọn, phần lớn sử dụng bột giấy hoá học tẩy trắng. Các loại bột cơ học, bột nâu, bột có độ trắng thấp, bột hiệu suất cao rất tốt cho việc giảm tiêu thụ tài nguyên lại chưa được sử dụng nhiều.
Ở trong nước, hiện chúng ta chưa có hệ thống thu gom giấy qua sử dụng một cách bài bản, chuyên nghiệp nên hiệu quả và tỷ lệ thu gom thấp. Các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu giấy tái chế từ nước ngoài.
Vì thế, ngành giấy đang đứng trước một nghịch lý: trong nước chưa có chính sách khuyến khích thu gom nguyên liệu tái chế nói chung nhưng khi nhập khẩu, nhiều quy định bất cập gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Đó là kiểm soát giấy thu hồi nhập khẩu, thuế đầu vào, ký quỹ cao, giới hạn lượng nhập khẩu… Như vậy, doanh nghiệp đang phải nhập khẩu phế liệu cho sản xuất chứ chưa được coi là loại nguyên liệu sản xuất.
“Tồn tại này cần được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết; nếu không ngành giấy khó thực hiện kinh tế tuần hoàn” – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VPPA thông tin.
Từ thực tế trên lãnh đạo VPPA kiến nghị các cơ quan chức năng xây dựng khung pháp lý ổn định tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động; ban hành hướng dẫn cụ thể về thuế VAT và tiêu chí tín dụng xanh để thúc đẩy thu gom, tái chế nguyên liệu; có giải pháp hiệu quả quản lý hoá đơn điện tử để giảm rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp.
Với đặc thù của ngành, VPPA kiến nghị giảm tỷ lệ ký quỹ, cho phép tăng lượng nhập khẩu nguyên liệu tái chế cũng như xác định nguyên liệu tái chế như nguyên liệu thứ cấp. Đồng thời, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp thu gom, phân loại nguyên liệu tái chế như nguyên liệu thứ cấp…
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn