Sau tốt nghiệp, nhiều du học sinh Việt có ý định ở lại châu Âu tiếp tục làm việc. Vậy đâu là những kiến thức và kỹ năng cần thiết để sinh viên quốc tế chinh phục thị trường lao động châu Âu?
Trong phiên thảo luận về triển vọng nghề nghiệp, nhiều bạn trẻ đặt câu hỏi cho các doanh nhân, chuyên gia: Sinh viên nên chuẩn bị kiến thức và kỹ năng gì trong quá trình học tập để “nắm chắc” cơ hội làm việc tại châu Âu sau tốt nghiệp?
Ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, theo cô Asun Pletie, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Complutense Madrid (Tây Ban Nha), ngôn ngữ là công cụ quan trọng giúp sinh viên hòa nhập với nước sở tại. “Lời khuyên đầu tiên tôi dành cho sinh viên quốc tế là hãy học ngôn ngữ địa phương, vì việc hiểu ngôn ngữ sẽ nâng cao khả năng giao tiếp, giúp sinh viên hòa nhập và kết nối dễ dàng hơn”, cô Asun Pleti chia sẻ.
Ngoài ngôn ngữ toàn cầu là tiếng Anh, sinh viên biết tiếng bản địa như Đức, Pháp hay Tây Ban Nha sẽ tạo lợi thế cạnh tranh khi ứng tuyển vào các tập đoàn đa quốc gia. Cô Irina Nicoleta Simion, Trưởng phòng Đối ngoại Đại học Strasbourg (Pháp) cho biết tại Pháp, trong một số ngành nghề liên quan đến khoa học xã hội, văn hóa, nghệ thuật, tiếng Pháp là bắt buộc. “Tiếng Anh có thể không cần thiết nữa”, cô Irina nói.
Thạc sĩ Huỳnh Đỗ Bảo Tâm, từng du học theo học bổng Erasmus+, chia sẻ trong quá trình học tập và làm việc tại các quốc gia châu Âu như Bỉ, Đức, Bồ Đào Nha… ngôn ngữ địa phương rất quan trọng nếu các bạn muốn tìm kiếm cơ hội việc làm. “Các doanh nghiệp sẽ không chọn nhân viên quốc tế gây cản trở giao tiếp với họ. Việc thành thạo ngôn ngữ còn giúp nhân viên thích nghi nhanh với quy trình và văn hóa công ty”, chị Bảo Tâm nhấn mạnh.
Hiểu được những khó khăn của sinh viên quốc tế khi phải học thêm ngôn ngữ bản địa, nhiều trường đại học ở châu Âu đã cung cấp các khóa học ngôn ngữ miễn phí. GS-TS. Monika Frey-Luxemburger, Đại học Hochschule Furtwangen, cho biết: “Trường chúng tôi có các khóa học tiếng Đức miễn phí, được sắp xếp phù hợp với lịch học của sinh viên nước ngoài”. Ngoài ra, cô nhấn mạnh sinh viên nên tham gia vào các lớp học ngôn ngữ ngay từ học kỳ đầu tiên để có sự chuẩn bị tốt nhất cho công việc sau này.
Không chỉ cần trình độ chuyên môn
Tiếp nhận hơn 12.000 sinh viên quốc tế từ 156 nền văn hóa khác nhau mỗi năm, cô Irina Nicoleta Simion khẳng định không phải trình độ chuyên môn, kỹ năng liên văn hóa mới là yếu tố then chốt giúp sinh viên nước ngoài trở nên nổi bật và dễ dàng chinh phục nhà tuyển dụng.
“Liên văn hóa là kỹ năng thấu hiểu, tôn trọng và giao tiếp hiệu quả với những người từ các nền văn hóa khác nhau. Khi sinh viên biết thích nghi và chấp nhận sự khác biệt của nhau, họ sẽ dễ dàng hòa nhập, học tập và làm việc trong môi trường đa văn hóa, từ đó nâng cao hiệu suất công việc và hạn chế các xung đột diễn ra”, cô Irina chia sẻ.
Đồng quan điểm, cô Asun Pletie cho rằng 1 nhân viên quốc tế tiềm năng là người tích cực hòa nhập văn hóa mới. “Để chứng minh bản thân phù hợp với doanh nghiệp, ứng viên cần thể hiện mình là 1 phần của cộng đồng nước sở tại. Nếu chỉ quanh quẩn trong vòng tròn quen thuộc như bạn bè đồng hương, ẩm thực quê nhà, sinh viên sẽ đánh mất cơ hội trải nghiệm trọn vẹn văn hóa bản địa. Điều này khiến bạn vô tình trở nên ‘xa lạ’ trong mắt nhà tuyển dụng”, cô Asun nhận xét.
Về kiến thức chuyên môn, theo ông William, diễn giả tại buổi tọa đàm cơ hội nghề nghiệp tại các doanh nghiệp châu Âu, chỉ 5% kiến thức đại học được áp dụng trực tiếp vào công việc, 95% còn lại có thể bị lãng quên hoặc ít sử dụng. Vì thế, thay vì chạy đua thành tích ở trường, sinh viên nên tìm hiểu thêm các kỹ năng mềm, trong đó quan trọng nhất là tư duy logic.
“Kỹ năng này rèn luyện cho bạn tiếp cận và giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, hiệu quả, đồng thời cải thiện kỹ năng tương tác và làm việc nhóm với đồng nghiệp, tăng hiệu suất công việc. Ngoài ra, tư duy logic cho phép bạn học hỏi những điều mới rất nhanh”, ông William lý giải.
Từng là sinh viên Đại học Erasmus Rotterdam (Hà Lan), chị Đặng Phương Linh, thành viên ban cố vấn Mạng lưới cựu du học sinh EU, nhận xét sinh viên Việt khá chăm chỉ và nhanh nhạy. “Người Việt Nam mình rất ham học hỏi, tích cực tiếp thu và phát triển cái mới, đây chính là kỹ năng quan trọng khi làm việc ở châu Âu. Nó giúp chúng ta biết nhiều, hiểu nhiều, trở thành một nhân viên đa năng, có lợi thế cạnh tranh so với đồng nghiệp bản địa”, chị Phương Linh nói thêm.
Nguồn: thanhnien.vn