Sunday, November 24, 2024

Mùa gió thổi – Truyện ngắn dự thi của Kim Chi

Chú Tịnh không hề nói gì với Tường. Những chuyện này chẳng liên quan gì đến trẻ con nên một lời thông báo cũng chẳng quan trọng.

Vậy nên, vào buổi sáng mùa xuân nọ, khi những chiếc lá đang mơn mởn nở xanh biếc dưới tiết trời dịu nhẹ, khi Tường đang nghiêng người mơ màng ngồi nghe giảng ở lớp học xa cái cây ba cây số, từng lưỡi rìu bén ngót đã nghiến vào lớp vỏ cây xám nhạt, đâm thẳng vào thân cây sần sùi, lộ ra những thịt gỗ trắng ởn. Và khi Tường thong dong ôm cặp về đến nhà, cây mận đã không còn ở đó.

Khung cảnh đổ ập vào mắt, không khí phảng phất một mùi hăng hắc quen thuộc của những lần Tường chạy sang xưởng gỗ bác Sáu – mùi gỗ mới được đốn hạ. Thứ mùi khó chịu đó cứ quấn lấy, xộc thẳng đến sống mũi như thuốc độc làm tê liệt thần kinh. Nếu không có những bông hoa còn sót lại, những vụn gỗ văng ra từ nhát cắt đau điếng cùng với một vài nhánh mận nhỏ còn nguyên những chùm hoa trắng muốt, Tường đã chẳng thể tin rằng ở đó từng có một cây mận già nua, năm nào cũng ra hoa trắng bạc.

Mùa gió thổi - Truyện ngắn dự thi của Kim Chi

ẢNH: NGUYỄN CHÍ NAM

Ở bên hông ngôi nhà hai gian, cây mận đã biến mất.

Năm nối năm, mùa tiếp mùa, cây mận luôn là điểm sáng của ngôi nhà. Ngày xuân, nhìn từ đầu ngõ, cánh hoa mận hình bầu dục nở ra bung xõa, cây như cục bông phủ lên căn nhà, trắng chẳng thấy mái. Tường tự hào cây mận nhà mình là cây mận Tây Bắc duy nhất ở trong xóm. Chẳng phần đất nào ở vùng ven biển này, ngoài đất nhà Tường, trồng nên cây một giống mận đem từ miền núi xa xôi về. Cây mận đặc biệt đến thế, xinh đẹp đến thế, hiền lành đến thế, sao chú Tịnh lại nỡ chặt nó đi? Ngôi nhà giờ đây trở nên lạ lẫm, lọt thỏm giữa một mảnh đất rộng lớn, bao quanh chỉ toàn cát và sỏi, trông cô đơn đến đáng thương.

Sau cái chết của cây mận, Tường khóc thầm nhiều ngày. Những đêm đầu, trên cái chõng tre ọp ẹp, Tường không nói gì với chú Tịnh, nước mắt chảy dài nhìn ra cửa sổ từng có cây mận ở đó, giờ chỉ còn là một mảng mù tăm, tối mịt. Ban đầu chú Tịnh cố gắng an ủi, chú không hiểu làm sao việc đốn hạ một cái cây lại khiến Tường đau khổ như vậy chứ? Chú xoa lưng Tường, cố gắng lựa lời xoa dịu tiếng nấc nghẹn:

“Có cái cây hay cái con mô mà sống hoài đâu Tường. Hôm bữa chú ra soi, thấy thân cây mục lắm rồi. Cây ni phải sống trên Tây Bắc mới khỏe, mới tốt, xuống tới mình nó yểu xìu, mấy năm trời nó có ra được quả mô đâu. Chú cũng tiếc mấy cái hoa lắm, nhìn vô thấy nhà mình có sức sống. Nhưng rứa thôi Tường ạ, nó còn làm được gì cho mình nữa đâu, có khi bão tới, nhà mình còn khổ thêm. Nhớ năm ngoái, mới gió mùa thôi mà cành gãy, nó đè hư chuồng gà nhà mình. Năm ni đài kêu bão lớn lắm, chú mà không chặt nó trước, cây mà ngã vào nhà là khổ đủ bề hết”.

Chuyện nhánh mận rơi trúng chuồng gà như lời cảnh báo rõ ràng cho chú Tịnh. Một cành cây gãy không chỉ là một sự cố hy hữu, cây mận rồi sẽ trở nên nguy hiểm hơn, tàn ác hơn. Nhỡ đâu không chỉ là một cành cây? Nhỡ đâu cả cái cây sẽ bị gió đánh bật gốc, đổ sập lên ngôi nhà tội nghiệp của hai chú cháu? Tường không tin cây mận có thể làm như thế. Trong đáy mắt của trẻ con, thật khó để nhìn xa ra những điều xấu xí, nhất là với thứ chúng yêu mến, gắn bó sâu sắc từ thuở nhỏ. Không giống như Tường, chú Tịnh từng đi qua biết bao cơn bão, chứng kiến cái sắc lẹm của từng ngọn gió, từng cơn mưa, chú không thể nào làm ngơ được. Cây mận hiện lên như một mối nguy tiềm tàng mà chú Tịnh phải loại bỏ để bảo vệ ngôi nhà của mình. Nghĩ thế, sáng hôm đó, chú cầm rìu, không một chút e dè, vung những nhát chém vô tình, triệt để vào cái cây trước khi một cơn bão khác kịp ập đến.

Tường biết những lo lắng của chú nhưng cũng thấy thương cho cây mận. Cây mận đã lớn lên cùng Tường, là cái cây Tường vun vén yêu thương và tin tưởng sẽ đi cùng mình suốt đời. Cái cây đổ xuống là biết bao nhiêu điều đã bị tàn phá: niềm vui, hy vọng của Tường và nỗi nhớ da diết về người ba đã mất.

Trẻ con mau quên, nhiều lúc Tường quên hẳn gương mặt của ông. Nước da ba Tường nâu vàng hay ngăm đen, tóc ba cạo trọc hay để ngắn, tóc ba đã ngả sang những sợi bạc giống chú Tịnh hay chưa? Tường cũng không chắc trên tay trái của ba mình có một vết sẹo lồi như một con rắn bám quanh tay hay không. Tường không biết. Tường chẳng nhớ nổi gương mặt của ba mình. Duy chỉ có cây mận. Khi nhìn lên những cành cây, ký ức Tường lại chảy ngược về khoảnh khắc người ba làm bộ đội biên phòng, mùa xuân năm đó vác trên vai cây mận chỉ to bằng cánh tay người lớn, tiến về phía Tường. Nhiều năm trời, mọi thứ về ba chỉ vỏn vẹn trong hình ảnh Tường chạy ùa sân, ôm lấy ba mình, nước mắt giàn giụa, miệng liên tục gọi ba. Thế mà, chú Tịnh đã chặt bỏ sợi dây ký ức cuối cùng đó. Tường chẳng còn biết bám víu nỗi nhớ của mình vào đâu nữa. Liệu khi lớn thêm một chút, kỷ niệm về ba có cùng cây mận biến mất khỏi cuộc đời Tường như cách chú Cuội nắm lấy rễ cây đa, bay lên mặt trăng mãi chẳng quay về không?

Và cũng vì nghĩ trẻ con mau quên, chú Tịnh không tìm cách dỗ dành Tường nữa. Lòng bao dung và sự kiên nhẫn của chú đã đến giới hạn. Chú tin rằng nỗi buồn rồi cũng nhanh chóng trở nên bé tí và tan biến đơn giản như bị ai đó giật mất đồ chơi, Tường sẽ nhanh chóng tìm được niềm vui khác thay thế. Chú Tịnh không biết, dù đã qua bao mùa, dù không còn khóc nhưng cứ mỗi khi thẫn thờ nhìn ra khoảng vườn trống trơn, Tường vẫn thấy tim đau nhói như cây mận vừa mất ngày hôm qua.

Mùa gió thổi - Truyện ngắn dự thi của Kim Chi

ẢNH: NGUYỄN CHÍ NAM

Những ngày đầu thu, gió bắt đầu thở ra một mùi lạnh ngắt, ra hiệu rằng một cơn bão sắp sửa đánh ập vào bờ. Rồi sau nhiều ngày gầm thét điên loạn, cánh cửa gỗ nhà Tường đã không còn những tiếng cót két nhức tai. Nước đã rút. Cơn bão đã đi qua, kéo theo cây đa già trước cổng chợ. Cái cây chết trong một buổi sáng ẩm ướt nhưng không lạnh.

Trước thân cây khổng lồ đang chắn ngang lối vào chợ, sự hoang tàn cơn bão mang đến càng được khuếch đại hơn. Người trong xóm thấy thương, thấy tiếc cho cái cây sừng sững trước chợ từ ngày nào, có biết bao hàng quán đã mọc lên dưới gốc cây, che bóng mát cho công cuộc mưu sinh cả đời của họ. Cái cây sống chan hòa với những người dân từ ngày thơ bé, giờ đã nằm im giữa cổng chợ, không một cành lá nhúc nhích, ruột cây đã mục rỗng, chết dần lên trong từ lâu.

Như mọi năm, công cuộc tái thiết cuộc sống, lấp đầy những mất mát do bão lũ đã bào mòn đi những ký ức, những giọt nước mắt và cả cuộc chia ly với một cái cây. Quang cảnh trở lại ban đầu như thể chẳng có cơn bão nào vừa quét qua. Bão lụt ghé thăm mỗi năm, như một vòng lặp cố định, người dân sống chung với bão thành quen, lại tiếp tục với nhịp sống thường ngày. Cây đa giờ chỉ còn đi kèm với “cơn bão năm ngoái” được nhắc đến trong các câu chuyện phiếm, hay khi ai đó ngang qua, nhìn vào phần đất trống trải trước chợ, bất chợt hỏi:

“Chợ này nắng quá anh nhỉ? Sao không ai trồng dăm cái cây đằng trước để người đi qua ngồi lại cho mát?”.

“Có chứ anh, xưa có cây đa to. Nhưng là hồi xưa thôi. Bão năm ngoái lớn quá, cây già, trụ chẳng nổi nên ngã chết rồi. Giờ lấy đâu thời gian mà trồng cây mới, rồi chờ tới khi mô để lại có bóng râm mà che nắng hở anh? Mà có chờ được, bão nó cũng đánh cho ngã hết, nó ác lắm, đánh không chừa lại cái cây mô đâu”…

Tường nhận ra dường như việc lãng quên một cái cây chẳng vật vã, chẳng khó khăn gì đối với người lớn. Mà Tường chỉ là một đứa trẻ, không thể hiểu nổi cái điều bình thường đó, hằng đêm cứ buồn mãi một cái cây đã chết từ năm nào. Trở thành người lớn nghĩa là Tường phải học cách gom góp nhiều nỗi đau nhỏ, làm nó tan biến, chừa chỗ cho những nỗi buồn vĩ đại hơn chăng. Khi Tường lớn lên, Tường cũng sẽ giống như chú Tịnh, như những người lớn khác trong xóm, cảm xúc yêu thương, buồn bã cho một cái cây cũng chỉ đếm được thành ngày, thành tuần. Quá nhiều thứ cần phải bận lòng, tính toán hơn là nâng niu mãi một cái cây bên mình, như nỗi lo về một nhành cây, một cơn bão sẽ hủy hoại cuộc sống khốn đốn nơi miền quê nghèo năm nào cũng giằng co, chống chọi với bão lũ, với cơm ăn áo mặc.

Tối hôm đó, theo thói quen Tường nhìn ra phần đất của cây mận đã cũ. Tường đã không còn khóc, chỉ lặng thinh nghĩ về xa xăm. Khi nỗi đau quá lớn, chắc là người ta phải chết đi một chút mới sống tiếp được. Tường hiểu và tha thứ cho chú Tịnh, lúc này Tường mới chia tay thực sự cây mận của mình. Tường giấu cây mận vào đâu đấy một góc thật là khuất trong trái tim.

Đêm đó chắc là đêm cuối Tường mơ về cây mận. Cây mận với những chùm hoa trắng muốt, mỗi lần gió thổi qua, những cánh hoa và nhụy phủ đầy sân như tuyết rơi. Rồi Tường mơ thấy ba mình, trong bộ quần áo bộ đội đã cũ, với một vết rách nhỏ trên vai, tay phải mang ba lô và trên tay trái là cây mận yêu quý. Lần này, ba Tường không chọn trồng ở bên hông nhà. Ông mang cuốc ra ngoài mảnh đất trống, sau những luống rau cải thìa, đào một cái hố thật sâu. Ông đặt cây mận chỉ có ba, bốn cành con nhỏ xíu vào hố, lấp đất lại. Chú Tịnh theo sau ba, tay cầm thùng nước, tưới lên cây con mới trồng. Giấc mơ bình dị ấy Tường đã mơ, đã ao ước không biết bao nhiêu lần. Tường đứng cạnh ba mình, cắm những cây củi nhỏ xung quanh, tạo thành một cái rào để tránh lũ gà quậy phá. Khi cây mận đủ lớn, trước những cơn bão, Tường sẽ cắt tỉa bớt cành cây phòng gió thổi gãy. Sẽ không còn một cây mận, cây đa hay bất cứ cái cây nào phải chết vì lỗi lầm không phải do chính nó gây nên nữa…

Sáng ngày hôm sau, khi tiếng gà sáng sớm đã vãn, mặt đất bắt đầu bốc hơi sương mờ ảo dưới hơi ấm của những tia nắng đầu tiên, chú Tịnh đang chuẩn bị vác cuốc ra đồng. Tường tỉnh dậy, mơ hồ nhìn ra ruộng rau, nơi những cây cải thìa được trồng đều đặn, thẳng tắp. Phía sau hàng cải thìa, một cây con với thân đen xù xì, cong vẹo được cắm trên nền đất đỏ sẫm. Đất thơm mùi sương và ẩm ướt vì mới được xới lên. Là một cây mận con. Tường dụi mắt nhiều lần, sợ mình nhìn nhầm, Tường mang chân đất, chạy ùa ra. Rồi Tường reo lên vì vui sướng. Trong nỗi hân hoan khó tả, Tường thấy chú Tịnh bước tới, chú buông cày, đón lấy cái ôm của Tường, cười lớn:

– Chú xin chỗ đơn vị ngày xưa của ba Tường đó. Họ mới gửi xuống tối hôm qua. Giờ vui hơn rồi hén? Sau này chú không dám chặt cái cây mô của mi nữa đâu cu Tường.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img