Bộ TN-MT đã ra thông báo ý kiến kết luận của Thứ trưởng Lê Minh Ngân tại buổi làm việc với UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về việc giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định về bảng giá đất, đấu giá đất.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Minh Ngân kết luận: Vừa qua, trong một thời gian ngắn, với áp lực về thời gian rút ngắn 5 tháng so với kế hoạch ban đầu nhưng với sự chủ động, tích cực và quyết tâm cao, Chính phủ, các bộ, ngành đã tập trung mọi nguồn lực để khẩn trương xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật Đất đai 2024 để kịp thời ban hành và có hiệu lực đồng thời với luật tạo sự thống nhất, đồng bộ và căn cứ pháp lý cho việc triển khai thi hành luật Đất đai 2024 được thuận lợi, phát huy hiệu quả của các chính sách mới, tiến bộ mà luật đã đề ra.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN-MT đã có nhiều văn bản gửi các địa phương để đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật Đất đai theo thẩm quyền được giao để bảo đảm kịp thời, đồng bộ và thống nhất trong tổ chức thi hành luật Đất đai.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tỉnh, thành phố tiến độ ban hành còn rất chậm, chưa bảo đảm các điều kiện cần thiết khác để triển khai thi hành luật như: tổ chức bộ máy, biên chế, trang thiết bị, cơ sở dữ liệu. Một số địa phương còn lúng túng trong việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 257 luật Đất đai 2024, áp dụng bảng giá đất để đấu giá quyền sử dụng đất và xây dựng định mức kinh tế – kỹ thuật. Để nâng cao hiệu quả thi hành luật Đất đai 2024, Bộ TN-MT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy định chi tiết thi hành luật Đất đai 2024 thuộc thẩm quyền. Trong đó xem xét việc thực hiện xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự rút gọn để đảm bảo kịp thời ban hành các văn bản theo đúng quy định và theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 105. Trong quá trình áp dụng có thể thực hiện điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Về việc áp dụng quy định tại khoản 1 điều 257 luật Đất đai 2024 là quy định chuyển tiếp, nhằm giúp các địa phương thực hiện lộ trình từng bước xây dựng bảng giá đất mới theo quy định của luật Đất đai 2024 để áp dụng từ ngày 1.1.2026, tránh cú sốc tăng giá đột biến trong bảng giá đất, ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của một số đối tượng người sử dụng đất. Trong trường hợp cần thiết UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và việc điều chỉnh thực hiện theo luật Đất đai 2024. Việc điều chỉnh bảng giá đất theo quy định tại khoản 1 điều 257 luật Đất đai 2024 thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Trên cơ sở đánh giá về bảng giá đất hiện hành, tình hình phát triển kinh tế – xã hội, thu ngân sách tại địa phương để quyết định không thực hiện điều chỉnh hoặc điều chỉnh cục bộ hoặc điều chỉnh một phần bảng giá đất. Việc điều chỉnh bảng giá đất thực hiện theo quy định tại Nghị định số 71/2024.
Khi tiến hành điều chỉnh bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024, các địa phương cần xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, đánh giá tác động một cách đầy đủ các yếu tố có liên quan như ảnh hưởng giá đất, khu vực, vị trí, đối tượng chịu tác động. Tăng cường tuyên truyền để đảm bảo sự đồng thuận, có lộ trình hợp lý để không xảy ra sự chênh lệch quá lớn giữa bảng giá đất điều chỉnh so với giá đất trong bảng giá đất hiện hành. Không có sự tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt đối với các địa phương trong suốt quá trình 2021 – 2024 không hoặc không thường xuyên điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của luật Đất đai 2013.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác tổ chức thực hiện để hạn chế những bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Khi tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất phải công khai quy hoạch, xem xét điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp. Đặc biệt là đối với khu vực, vị trí đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Xây dựng phương án đấu giá phù hợp như rút ngắn thời gian nộp tiền, công khai các đối tượng bỏ cọc nhằm hạn chế các đối tượng lợi dụng đấu giá đất để trục lợi, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.
Nguồn: thanhnien.vn